Vì làm việc trong nhà máy vất vả, lương thấp và không có triển vọng nên phần lớn những người sinh từ năm 2000 trở về sau ở Trung Quốc thà chọn đi giao hàng. Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc ngày càng thiếu lao động tay nghề cao. Trong những năm gần đây, hiện tượng thanh niên “không muốn vào nhà máy làm việc” ngày càng trở nên rõ ràng trên thị trường việc làm ở Trung Quốc.
Phân tích: Tại sao người trẻ ngại làm việc trong nhà máy?
Những năm gần đây, chủ đề “người trẻ ngại vào nhà máy” tiếp tục thu hút sự chú ý. Mới đây, kênh truyền thông cá nhân “Da zhang gui” (Đại chưởng quỹ) với 610.000 người theo dõi ở Trung Quốc cho biết, gần đây có nhiều người hỏi ông về nguyên nhân khiến giới trẻ không muốn vào nhà máy làm việc, có phải chỉ vì lương thấp và đãi ngộ kém hay không?
“Da zhang gui” phân tích rằng, điều này là do công việc ở một số nhà máy chỉ mang tính tạm thời và không lâu dài. Họ thiếu người trong một khoảng thời gian, sau khoảng thời gian này sẽ không cần người nữa nên có rất nhiều người bị sa thải. Nói cách khác, công việc không ổn định là một trong những nguyên nhân khiến người trẻ ngại vào nhà máy.
“Da zhang gui” cho rằng giới trẻ thích giao đồ ăn, chuyển phát nhanh và chạy xe công nghệ hơn. Mặc dù làm những công việc này cũng bị coi là “mất mặt” nhưng có một số điều kiện làm việc trong nhà máy khiến giới trẻ không thể chấp nhận được, họ cho rằng thà đi giao đồ còn hơn. Đây mới là lý do chính.
“Da zhang gui” chỉ ra, nếu lương ở nhà máy đủ hấp dẫn và không đưa ra những lời hứa suông thì chẳng phải giới trẻ sẽ rất sẵn sàng vào nhà máy sao?
Chủ tài khoản này nói: “Như người ta hay nói, tại sao bây giờ có nhiều nam nữ lớn tuổi như vậy mà không chịu kết hôn? Chẳng phải quá rõ ràng sao? Với giá nhà cao như vậy và lương thấp như vậy, liệu họ có điều kiện để kết hôn không? Giống như bây giờ ngày nào cũng hô hào mọi người phải nhanh chóng tiêu dùng để kinh tế trong nước khá hơn, nhưng người dân không có tiền thì làm sao tiêu dùng được?”.
Khó tìm thấy thế hệ 2000 trong các nhà máy
Tờ Ming Pao của Hong Kong mới đây đã phỏng vấn cô Lý Văn (Li Wen) thuộc thế hệ 2000, từng học ngành dịch vụ đường sắt cao tốc tại một trường cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp, cô Lý đã thử một số công việc liên quan đến chuyên môn, nhưng cô cảm thấy không phù hợp với bản thân nên cuối cùng đã từ bỏ chuyên ngành của mình. Sau nhiều cuộc phỏng vấn và thử làm công việc văn phòng nhưng không có kết quả, cô quyết định tìm một công việc gì đó để làm trước, nên đã vào làm tại một nhà máy gia công ở thành phố Thiên Tân, nơi chuyên sản xuất đồ bảo hộ.
Trong nhà máy, cô Lý phát hiện ra mình là nhân viên trẻ tuổi nhất, hầu hết đồng nghiệp của cô đều là phụ nữ ở độ tuổi 40 và rất ít ở độ tuổi 30. Cô Lý không gặp được những người ở độ tuổi của mình.
Không chỉ Thiên Tân, mà Tô Châu – một thành phố có nền công nghiệp sản xuất phát triển của Trung Quốc – cũng đang phải đối mặt với vấn đề không tuyển được người trẻ. Ông Sanpi (yêu cầu được giấu tên thật) đã làm việc tại một công ty Fortune 500 ở Trung Quốc có vốn đầu tư của Đức được gần 10 năm và hiện là quản lý nhà máy. Ông Sanpi cho biết, hầu hết công nhân trong nhà máy đều sinh vào thập niên 1980.
Thế hệ lao động ngoại tỉnh đầu tiên trong các nhà máy ở Trung Quốc chủ yếu là người dân nông thôn đổ về nhà máy vào những ngày đầu của “cải cách mở cửa” (hồi cuối thập niên 1970). Thế hệ thứ hai chủ yếu là những người sinh vào thập niên 1980. Ngày nay, thế hệ thứ ba chính là những người sinh vào những năm 2000, nhưng những người trẻ này lại được coi là lớp người “không muốn vào nhà máy”.
Ông Sanpi cho biết, không giống như trước đây thường tăng ca, hiện nay việc các nhà máy hạn chế làm thêm giờ đã trở thành trạng thái bình thường. Vì nền kinh tế thực hiện giờ không tốt nên đều đang cắt giảm chi phí. Sản phẩm không bán được sẽ trở thành hàng tồn kho ứ đọng, mà tồn kho ứ đọng sẽ lại phát sinh phí tồn kho.
Hơn nữa, “công việc trên dây chuyền sản xuất nhàm chán, đơn điệu, lương không cao, lại bị người khác quản lý. Trình độ văn hóa của những người quản lý dây chuyền sản xuất ở tuyến đầu cũng ở mức trung bình. Nếu không may thì còn gặp phải một số tên [quản lý] giang hồ”, ông Sanpi nói.
Ông Sanpi cũng chỉ ra, những người trẻ tuổi không muốn tham gia vào ngành sản xuất, họ thà chọn làm công nhân thời vụ bình thường, giao đồ hoặc làm tài xế chạy xe trực tuyến.
Ông Tôn (Sun), một tài xế gọi xe trực tuyến, đến từ thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc hiện đang cùng vợ mưu sinh ở Bắc Kinh, hai đứa con của họ đều ở quê nhà. Ông Tôn từng là công nhân xây dựng. Sau khi ngành xây dựng đi xuống, ông làm công nhân bán thời gian trong một nhà máy. Kể từ đầu năm nay, việc làm tại nhà máy khan hiếm và tiền lương giảm đáng kể nên ông đành phải chạy xe công nghệ để kiếm sống.
Tới năm 2025, ngành sản xuất ở Trung Quốc thiếu gần một nửa lao động
Theo “Báo cáo Khảo sát Giám sát Lao động ngoại tỉnh năm 2023” do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 30/4, tổng số lao động ngoại tỉnh trên cả nước này là 297,53 triệu, đạt mức cao mới, và đã tăng 1,91 triệu so với năm ngoái. Trong đó có 81,82 triệu người đang làm trong ngành sản xuất.
Theo báo cáo này, trong số gần 300 triệu lao động kể trên, số người trẻ từ 16 đến 30 tuổi chiếm 16,6% (khoảng 49,39 triệu người); có 84,2% (250,52 triệu người) có trình độ trung học phổ thông trở xuống và 155,01 triệu người có trình độ trung học cơ sở.
Người có trình độ học vấn thấp sẽ không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao của nhà máy. Ông Sanpi đề cập rằng, nếu không có trình độ học vấn hoặc kỹ năng chuyên môn nhất định, những lao động ngoại tỉnh trẻ tuổi sẽ khó vào được một nhà máy tốt. Ông này nói rằng, hiện nay các nhà máy ngày càng trở nên tự động hóa hơn, các yêu cầu về kỹ năng đối với công nhân cũng tăng lên tương ứng. Đây là một trong những lý do khiến lương của người lao động bình thường không thể tăng lên trên phạm vi rộng. Dịch bệnh Covid-19 trong ba năm qua đã gây ra những thách thức lớn cho nền kinh tế thực của Trung Quốc. Các nhà máy có xu hướng tinh giản cơ cấu và sẽ không sử dụng lao động nếu họ nhận thấy rằng có thể thay thế bằng máy móc.
Có nghiên cứu chỉ ra rằng, cứ thêm một robot công nghiệp thì có 1,6 công nhân (hoặc thậm chí trong một số lĩnh vực khác còn là 3,3 công nhân) sẽ mất việc làm. Tình trạng này đặc biệt rõ ràng ở Trung Quốc – quốc gia với các ngành nghề thâm dụng lao động (đòi hỏi một lượng lớn lao động để sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ) nhưng cũng đi đầu trong việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Theo “Hướng dẫn Lập kế hoạch Phát triển Nhân tài Ngành sản xuất” do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc ban hành, đến năm 2025, tổng nhu cầu nhân tài trong 10 lĩnh vực trọng điểm của ngành sản xuất ở Trung Quốc là 61,917 triệu người, nhưng sẽ thiếu 29,857 triệu người.
Vấn đề “người trẻ ngại vào nhà máy” ngày càng trở nên nổi bật trong những năm gần đây. Trước thềm kỳ họp Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc của Trung Quốc năm nay, ông Thiệu Trì (Shao Chi), Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (Chính Hiệp) Trung Quốc, cho biết những lao động lành nghề là lực lượng chính hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế thực. Nhưng hiện nay, đội ngũ lao động tay nghề cao của Trung Quốc đang tồn tại các vấn đề như không đủ số lượng, có cơ cấu kém, hiệu quả làm việc không cao, v.v.
Vấn đề mà ngành sản xuất ở Trung Quốc đang phải đối mặt không chỉ là khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân dây chuyền lắp ráp, mà còn là thiếu hụt nhân tài về kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất thông minh. Hệ thống giáo dục của Trung Quốc chưa thể tạo ra đủ số lượng nhân tài mà thị trường đang cần gấp.
T.P