Kinh tế Nga vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những khó khăn, tuy nhiên sự tăng trưởng này vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững.
Nền kinh tế Nga đạt tốc độ tăng trưởng 5,4% trong quý đầu tiên của năm 2024, theo số liệu thống kê chính thức được công bố hôm 17/5. Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin bác bỏ lo ngại chi tiêu quân sự cho cuộc xung đột ở Ukraine đang trở nên không bền vững.
Kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, điện Kremlin đã tích hợp chi tiêu quân sự vào nền kinh tế Nga. Động thái tài chính quan trọng này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm dịu đi tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, nó cũng gây ra tình trạng lạm phát và khiến nhiều người so sánh với việc chi tiêu quốc phòng quá mức đã làm suy yếu Liên Xô trong những năm 1980.
Dữ liệu từ cơ quan thống kê Rosstat tiết lộ rằng, mức tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong quý đầu tiên tiếp tục tăng so với mức 4,9% trong quý cuối cùng của năm trước. Bất chấp mức tăng trưởng này, tỷ lệ lạm phát cũng tăng lên 7,8%.
“Chưa đến mức nghiêm trọng”
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, Tổng thống Vladimir Putin đã giải quyết những lo ngại về chi tiêu quân sự khổng lồ của Nga. Ông bác bỏ những tuyên bố rằng mức chi tiêu đã vượt quá 8% GDP là không bền vững. “Nó vẫn chưa đến mức nghiêm trọng. Ở Liên Xô năm 1985 – 1986, chi tiêu quốc phòng là 13% GDP”, ông Putin lưu ý.
Tổng thống Putin nói thêm: “Xem xét tình trạng kinh tế của chúng ta, các chỉ số kinh tế vĩ mô và dự báo doanh thu ngân sách, chi tiêu quốc phòng và an ninh chỉ hơn 8% là không đáng ngại”. Và ông gọi ngân sách quân sự của Nga là một “nguồn lực lớn” cần được quản lý “cẩn thận và hiệu quả”. Ông Putin cũng tuyên bố rằng, các chuyên gia khẳng định tài chính nhà nước của Nga, có thể chịu được mức chi tiêu cao hơn nữa.
Vào tuần trước, các lực lượng Nga đã phát động một cuộc tấn công mới vào khu vực Kharkov phía đông bắc Ukraine. Tổng thống Putin đã chỉ ra rằng, chìa khóa thành công của Moskva trên chiến trường nằm ở việc chi tiêu nhiều hơn Ukraine và các đồng minh phương Tây của nước này.
Lạm phát
Trục chiến lược của Nga trong việc xuất khẩu năng lượng sang các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đã đóng vai trò như một huyết mạch, cho phép nước này tránh được tác động kinh tế nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã nổi lên như một đối tác kinh tế quan trọng của Nga.
Tổng thống Putin cũng đã chỉ trích những hành động của Mỹ nhằm gây áp lực lên Trung Quốc về quan hệ đối tác với Nga. Ông coi việc Mỹ đe dọa trừng phạt các ngân hàng và công ty Trung Quốc làm ăn với Nga là “bất hợp pháp”, đồng thời nói thêm rằng các tổ chức tài chính ở cả hai nước đang hợp tác để giải quyết các vấn đề liên quan đến giao dịch xuyên biên giới.
Mỹ đã nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp ở các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc, bởi Mỹ cho rằng những doanh nghiệp này đang hỗ trợ Nga mua hàng hóa quân sự bị trừng phạt. Mặc dù điều này đã góp phần tạo nên mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, nhưng việc Nga tăng chi tiêu quân sự đã gây ra một số thách thức kinh tế trong nước, đáng chú ý nhất đó là vấn đề lạm phát.
Theo Rosstat, lạm phát tăng từ 7,7% lên 7,8% trong tháng 4/2024, vượt dự đoán của các nhà phân tích và ngày càng xa mục tiêu 4,0% của chính phủ. Trong động thái kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga đã tăng lãi suất cơ bản lên 16%.
Trong khi đó, các lĩnh vực không được hỗ trợ bởi hoạt động quân sự như dịch vụ và công nghệ thông tin đang gặp phải tình trạng thiếu lao động chưa từng có. Nhiều thanh niên nhập ngũ, rời khỏi đất nước hoặc tham gia vào ngành công nghiệp vũ khí đang phát triển nhanh chóng.
Tái cơ cấu nền kinh tế
Kinh tế Nga có thể tiếp tục duy trì cuộc xung đột ở Ukraine trong bao lâu? Nhìn bề ngoài, các số liệu có thể cho thấy nền kinh tế đang ở trạng thái tốt đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, những số liệu này có thể gây hiểu nhầm khi xem xét bản chất thực sự của nền kinh tế thời chiến của Nga và những thách thức đang diễn ra mà Tổng thống Vladimir Putin và những người kế nhiệm tiềm năng của ông phải đối mặt.
Các quan chức Nga thường tự hào về tốc độ tăng trưởng GDP của Nga mạnh hơn nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, họ bỏ qua rằng nền kinh tế Nga ngày càng được định hình bởi các động lực thương mại bất thường do các lệnh trừng phạt chưa từng có, dòng vốn bị hạn chế và sự tham gia mạnh mẽ của nhà nước. Nga đang trải qua quá trình tái cơ cấu kinh tế đáng kể, dẫn đến những thay đổi đáng chú ý về sự giàu có và phân bổ thu nhập trong dân chúng.
Sự tham gia tích cực của nhà nước
Nền kinh tế Nga đã thích nghi với các lệnh trừng phát của phương Tây và tình trạng xung đột, các ngành công nghiệp chủ chốt đã tìm kiếm được những nhà cung cấp thay thế hoặc nhiều tuyến thương mại gián tiếp xuất hiện để có thể mua được hàng hóa và linh kiện cần thiết. Mặc dù sự gián đoạn hậu cần xảy ra nhưng chúng không dẫn đến tình trạng ngừng sản xuất đáng kể. Hiện tại, nguồn thu ngoại tệ của Nga đã ngang bằng với mức trước khi xung đột nổ ra.
Phần lớn nền kinh tế Nga đã được định hướng lại để hỗ trợ các nhu cầu quân sự. Sản xuất hàng hóa quân sự đã tăng mạnh, bao gồm cả các mặt hàng cơ bản như đạn pháo và các công nghệ phức tạp hơn như máy bay vận tải Il-76 và máy bay không người lái (UAV).
Điều quan trọng cần lưu ý là việc chỉ dựa vào các biện pháp kinh tế vĩ mô truyền thống như lạm phát, lãi suất và tăng trưởng GDP có thể gây hiểu nhầm khi đánh giá những gì đang xảy ra ở Nga ngày nay.
Trong nền kinh tế định hướng thị trường, nhà nước hướng dẫn các bên tham gia kinh tế thông qua nhiều tín hiệu khác nhau, như điều chỉnh lãi suất. Các quyết định của họ sau đó sẽ được các doanh nghiệp và công chúng xem xét kỹ lưỡng. Những tín hiệu này giúp các nhà quan sát bên ngoài đánh giá sức khỏe nền kinh tế của một quốc gia.
T.P