Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao Quần Đảo Trường Sa không thuộc về Philippines

Tại sao Quần Đảo Trường Sa không thuộc về Philippines

Việt Nam là quốc gia có vùng biển và thềm lục địa chồng lấn với hầu hết các nước xung quanh Biển Đông như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan và Campuchia. Chính vì vậy, việc phân định ranh giới giữa các vùng biển là vấn đề hết sức quan trọng, phức tạp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như lợi ích quốc gia trên biển.

Đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa

Chủ quyền biển đảo của Philippines

Là một quốc gia thuộc nhóm các nước Đông Nam Á hải đảo, Philippines cũng là bên có chủ quyền và những yêu sách trên Biển Đông. Bên cạnh đó, vào ngày 8/ 5/1984, Manila đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, viết tắt là UNCLOS. Như vậy, mọi tuyên bố chủ quyền của quốc gia này đều phải dựa trên những quy định về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

Theo đó, đường cơ sở thẳng của Philippines là tập hợp các đường trắc địa bao quanh quốc đảo này, và là nơi xác định các quyền lợi hàng hải. Hệ thống đường cơ sở này được lập ra lần đầu tiên vào năm 1961 theo một đạo luật của Quốc hội Philippines, sau đó được sửa đổi thêm vào tháng 4/ 2009 để tối ưu hóa và phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển mà Philippines đã ký kết. Đường cơ sở của nước này được xác định là tổng cộng có 1001 điểm với 100 đoạn được xác định theo Đạo luật Cộng Hòa số 9522, trong đó đảo Amiang là điểm cực bắc, rặng san hô Francis là điểm cực nam, điểm Busan là điểm cực đông và rặng san hô Babar Red Rif là điểm cực tây.

Vùng nội thủy của Philippines được xác định là toàn bộ vùng nước nằm trong đường cơ sở được xác định vùng lãnh hải của mình. Tại vùng này, Philippines có quyền thực thi chủ quyền đối với vùng nội thủy, vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển dựa theo quy định của UNCLOS 1982 và các hiệp định hiện hành khác.

Còn vùng lãnh hải là khu vực được xác định có phạm vi 12 hải lý, khoảng 22,2 km, tính từ đường cơ sở hoặc tính từ đường mực nước thấp nhất tùy từng trường hợp. Tại đây, Philippines có quyền thực thi chủ quyền đối với lãnh hải, không phận chế trên lãnh hải, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển phù hợp với UNCLOS.

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển bên ngoài và tiếp giáp với lãnh hải có phạm vi 24 hải lý, khoảng 44,4 km, tính từ đường cơ sở hoặc từ đường nước thấp tùy từng trường hợp. Philippines có quyền thực thi chủ quyền đối với vùng này theo UNCLOS cùng các luật và hiệp định hiện hành khác. Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) thì đây là vùng biển bên ngoài và tiếp giáp với lãnh hải của nước này trong phạm vi 200 hải lý, tức là khoảng 370,4 km tính từ đường cơ sở hoặc từ mực nước thấp. Trong khu vực này, Philippines có quyền thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, hữu cơ hoặc là phi hữu cơ, sao cho phù hợp với UNCLOS.

Vùng thềm lục địa của Philippines bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển kéo dài ra đến rìa ngoài của lục địa hoặc là đến khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải, được phân định theo điều 76 của UNCLOS. Tuy nhiên, thềm lục địa không được vượt quá 350 hải lý từ đường cơ sở hoặc là 100 hải lý tính từ đường thẳng sâu 2500 m. Trong khu vực này, Philippines thực hiện các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa, bao gồm quyền thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, hữu cơ hoặc là phi hữu cơ, phù hợp với UNCLOS cũng như các luật và hiệp định hiện hành khác.

Chủ quyền biển đảo của Philippines

Hiện nay, những yêu sách của Philippines xoay quanh hai vấn đề, đó là bãi cạn Scarborough và quần đảo Kalayaan. Trong đó, bãi cạn Scarborough là khu vực tranh chấp giữa hai bên Philippines và Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan.

Trung Quốc, tuyên bố thực thể này thuộc chủ quyền của mình thông qua nguyên tắc khám phá các vùng lãnh thổ mới. Bắc Kinh cũng lấy dẫn chứng về một cuộc khảo sát các vùng biển xung quanh lãnh thổ Trung Hoa dưới thời nhà Nguyên, đồng thời viện dẫn điều kiện của Hiệp ước Paris ký vào năm 1898 giữa Tây Ban Nha và Mỹ để chống lại Philippines.

Manila tuyên bố cơ sở và quyền tài phán đối với Bãi Cạn Scarborough không bị gò bó bởi Hiệp ước Paris. Nói cách khác, Hiệp ước này không quan trọng và không ảnh hưởng đến những tuyên bố của Philippines. Nước này cũng chỉ ra rằng, nếu như Trung Quốc có chủ quyền về Bãi Cạn Scarborough, vậy tại sao đất nước tỷ dân lại không phản đối các cuộc thám hiểm của Hải quân Tây Ban Nha và Hoàng gia Anh khi họ khảo sát và tiến hành hoạt động cứu hộ trên Bãi Cạn Scarborough vào những năm 1800. Hoặc gần nhất vào năm 1913, khi một tàu tuần duyên của Mỹ đã cứu một tàu Thụy Điển mắc cạn trên Bãi Cạn này. Vì vậy, chủ quyền của Trung Quốc trên Bãi Cạn này là không có căn cứ.

Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết, các hoạt động của Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, kể cả vùng biển xung quanh Bãi Cạn Scarborough, là vi phạm UNCLOS về Luật biển năm 1982. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này. Hành động này càng khiến cho mối quan hệ Trung Quốc – Philippines trở nên xấu đi.

Thứ hai, yêu sách Quần đảo Kalayaan theo cách gọi của Philippines, còn Việt Nam gọi là Quần đảo Trường Sa. Đây là một vùng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia, trong đó, Philippines tuyên bố chủ quyền hầu hết các quần đảo và gọi phần mà họ đòi chủ quyền là Nhóm đảo Kalayaan.

Theo các nhà địa chất, Quần đảo Trường Sa nằm cách biển đảo Palawan của Philippines bởi Mảng biển Palawan. Máng biển này còn được gọi là máng Tây Bắc Borneo. Đây là một vùng nước sâu hình tứ giác với diện tích khoảng 41540 km2. Nó nằm cách đất liền đảo Borneo thuộc Malaysia khoảng 90km về phía Tây Bắc và tiếp giáp với bờ biển phía Bắc của đảo Palawan của Philippines. Theo nguyên tắc, thềm lục địa của Philippines ở khu vực này không được vượt quá 100 hải lý, tính từ đường cơ sở.

Nằm ở phía Đông Bắc Quần đảo Trường Sa và nằm ngoài khơi phía Tây Bắc của đảo Palawan là một bãi núi ngầm với tên gọi là Bãi Cỏ Rong. Khu vực này tiếp giáp về phía Tây Nam với Cụm Hồ Tràm, về phía Tây Bắc với Bãi Tổ Muỗi, phía Nam bởi Bãi Nam và phía Đông Nam bởi các cụm bãi ngầm nhỏ hơn như là Bãi Đồng Giữa, Bãi Đồ Bàn, Bãi Ôn Thủy, Bãi Thạch Sa… Bãi Cỏ Rong có diện tích khoảng 8.866 km vuông nhưng có độ sâu chỉ từ 9 – 45 m. Trước kia, khu vực này từng là một vùng đất nổi trước khi bị nước biển nhấn chìm vào cuối thời kỳ băng hà.

Mặc dù Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra Phán Quyết vào năm 2016 rằng, khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tuy nhiên, thực thể này vẫn tiếp tục là đối tượng tranh chấp giữa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nguyên nhân của hành động gây hấn có thể là do nó được đánh giá là nơi có chứa lượng dầu khí dồi dào.

Yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông cũng được chia làm hai vấn đề. Đầu tiên là tuyên bố của Hà Nội đối với các vùng biển tạo ra từ đất liền. Cụ thể, chính quyền Hà Nội tuyên bố chủ quyền với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, khoảng 37,4 km, tính từ đường cơ sở và thềm lục địa mở rộng 350 hải lý ở hai phần của Biển Đông, theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Thứ hai, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Như vậy, hiện nay Việt Nam và Philippines đang có những tranh chấp chủ quyền về các thực thể trên Quần đảo Trường Sa, cũng như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh quần đảo này.

Philippines chiếm đóng quần đảo Trường Sa

Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc tính từ đường mực nước thấp. Như vậy, phía Manila có EEZ bao phủ trên một diện tích rộng khoảng 2.633.860 km2. Khu vực này bao gồm một phần của biển Philippines ở phía Đông và phía Bắc, biển Đông ở phía Tây và biển Celebes ở phía Nam.

Về phía Tây trong vùng đặc quyền kinh tế là một khu vực được phía Manila gọi là biển Tây Philippines. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2011 và chính thức được Chính phủ nước này dùng để gọi các phần Biển Đông vào tháng 9/ 2012.

Tuy nhiên, trên thực tế lại không có sự phân định ranh giới chính xác, bởi hiện chỉ có một sắc lệnh hành chính được chính quyền Manila đưa ra. Cụ thể, biển Tây Philippines là một khái niệm không chính thức dùng để chỉ các khu vực biển ở phía Tây của quần đảo Philippines. Khu vực này bao gồm biển Luzon cũng như các vùng nước xung quanh nằm liền kề với nhóm đảo Kalayaan, tức là quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Như vậy, EEZ của Philippines đã bao trọn gần như toàn bộ quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Chính quyền Manila đã chiếm đóng những thực thể nào của quần đảo này?

Vào ngày 10/ 7/ 1971, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos chính thức tuyên bố chủ quyền đối với một phần của Quần đảo Trường Sa. Tuyên bố này ra đời vì ba lý do. Đầu tiên là sự hiện diện của quân đội Đài Loan ở đảo Ba Bình từ năm 1956 đang đe dọa lợi ích quốc gia của Philippines. Hai là, chính phủ Philippines đang tái khẳng định rằng quần đảo Trường Sa được thừa nhận là thuộc sự ủy trị thực tế của đồng minh. Thứ ba, cho rằng quần đảo Trường Sa là do công dân Philippines phát hiện, cụ thể là Thomas Cloma, và chúng được coi là vô chủ.

Tuyên bố của Tổng thống Marcos cũng nhấn mạnh thêm rằng Chính phủ nước này đã thực sự chiếm đóng và kiểm soát thực tế đối với các đảo này, trong đó bao gồm các đảo được cho là đã bị nước này chiếm từ thập niên 1960 cho đến thập niên 1970, như đảo Bến Lạ , đảo Vĩnh Viễn, bãi An Nhơn, đảo Loại Ta, đảo Bình Nguyên, đảo Thị Tứ, đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây. Trong đó, đảo Song Tử Tây về sau Việt Nam đã giành lại.

Tiến thêm một bước nữa trong các nỗ lực tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, ngày 11/ 6 /1978, Tổng thống Ferdinand Marcos ký sắc lệnh Tổng thống số 1596 tuyên bố quần đảo này là một phần khu vực thực tế của lãnh thổ Philippines, hình thành nên chính quyền và hành chính. Sắc lệnh xác định rõ tọa độ của nhóm đảo Kalayaan, tức là quần đảo Trường Sa, khẳng định chúng có vai trò sống còn đối với an ninh và kinh tế của Philippines. Đồng thời, nó cũng khẳng định đáy biển, tầng đất cái dưới lục địa và vùng trời nằm trong khu vực nhóm đảo này thuộc chủ quyền của Philippines. Khu vực này từ đây đã có tên gọi chính thức là Kalayaan, một chính quyền tự trị thuộc tỉnh Palawan nhưng lại được giám sát bởi Bộ Quốc phòng Philippines.

Để củng cố yêu sách chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, Philippines đã tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên ở Kalayaan vào ngày 30/1/1980, trong đó A Loner M. Heraldo đã được bầu làm Thị trưởng đầu tiên.

Đến năm 1980, chính quyền Manila đã tiến hành chiếm thêm một số đảo và bãi đá ngầm như là đá Công Đo, đá Cá Nhám và bãi Cỏ Mây, đưa số các thực thể bị Philippines chiếm đóng lên con số 10 như hiện nay, trong đó có bảy đảo san hô cùng với ba rạn san hô. Trong một động thái khác, vào ngày 25/4/1982, Thủ tướng Shiza Virat đã đến thăm một số nơi thuộc khu vực Kalayaan. Đặc biệt, chuyến đi này đã được đưa tin công khai ở Philippines và nó được coi như một nỗ lực củng cố yêu sách về chủ quyền của chính quyền Manila đối với quần đảo này.

Sau những tranh chấp giữa Philippines và Malaysia ở quần đảo Trường Sa vào năm 1988, phía Manila đã không ngừng tăng cường lực lượng ở các đảo và bãi đá chìm đóng trái phép ở Trường Sa, đồng thời xây dựng thêm cơ sở hạ tầng ở một số nơi.

Tháng 2/ 1993, Tổng thống Fidel Ramos đã ra chỉ thị cho Bộ trưởng Du lịch Philippines xây dựng cơ sở du lịch trên quần đảo. Đến tháng 5/ 1993, Manila đã ra lệnh cho quân đội nước này mở rộng đường băng trên đảo Thị Tứ.

Sau sự kiện Trung Quốc đưa tàu và người đến bãi Vành Khăn, xây dựng các cơ sở trên bãi này vào năm 1995, Philippines đã mạnh tay hơn trong các biện pháp tuyên bố chủ quyền. Ngoài công tác ngoại giao như thông báo sự kiện cho các đại sứ ASEAN và phản đối ngoại giao với chính phủ Trung Quốc, nước này còn tăng cường sự có mặt hải quân ở khu vực, tăng cường máy bay giám sát, thậm chí cho máy bay ném bom phá hủy các cột mốc do Trung Quốc đặt trên một số bãi đá và cho người đặt các cột mốc thay thế.

Vào ngày mùng 10/ 3/ 2009, chính phủ Manila tiếp tục ban hành đạo luật số 9522 nhằm xác định được cơ sở quần đảo của Philippines. Các nhà hoạch định chính sách cũng đã đánh giá đạo luật này giống như một nỗ lực của phía Manila trong việc có được sự công nhận quốc tế đối với đường cơ sở của nước này. Đồng thời, đạo luật cũng tái khẳng định nhóm đảo Kalayaan là một phần của Philippines và đặt nó dưới chế độ quần đảo theo điều 121 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Đây như một bước đi nhằm nâng cấp vai trò hành chính của Kalayaan để Philippines có cơ sở khẳng định chủ quyền không chỉ trong khu vực Kalayaan mà còn ở các khu vực khác của quần đảo Trường Sa.

Quá trình giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam và Philippines

Khi Philippines chính thức đưa ra yêu sách chủ quyền đối với một số đảo nêu trên nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, năm 1995, Bộ Ngoại giao hai nước đã tiến hành đàm phán để giải quyết những tranh chấp. Kết quả đàm phán đã đạt được thỏa thuận về chín nguyên tắc ứng xử cơ bản đối với vùng biển đảo có tranh chấp trong khu vực biển Đông, trong đó hai bên đồng ý giải quyết thông qua thương lượng và hòa bình nhằm tìm kiếm các giải pháp cơ bản cho vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

Tiếp đến là cả hai bên tự kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa vũ lực, thúc đẩy hợp tác song phương hoặc đa phương để bảo vệ và giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, khí tượng, chống thảm họa, tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ, chống cướp biển, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và bảo vệ nguồn tài nguyên ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đồng thời, cả Hà Nội và Manila phải đảm bảo tự do hàng hải theo thực tiễn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Cuối cùng là từng bước tăng cường hợp tác và giải quyết dứt điểm tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

Những nội dung nêu trên không phải cơ sở pháp lý, nhưng đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định trên biển. Chính vì vậy mà vùng biển giáp ranh giữa hai nước không diễn ra xung đột vũ trang.

Trong giai đoạn từ năm 1995 – 2007, trên cơ sở đàm phán hòa bình, Việt Nam và Philippines đã tiến hành thực hiện bốn cuộc khảo sát và nghiên cứu khoa học chung về biển, lần đầu tiên vào năm 1997 và tiếp theo là các năm 2000, 2004, 2007. Tuy nhiên, do tình hình phức tạp của khu vực biển Đông, nên quan điểm chủ quyền về biển đảo giữa hai nước còn có những khác biệt. Vì vậy, từ năm 2018 – 2015, Việt Nam và Philippines không còn thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học chung về biển, song hai nước vẫn cam kết duy trì sự hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Philippines, Ferdinand Romualdez Marcos Jr, bên cạnh những tuyên bố về hợp tác kinh tế, giáo dục, y tế, du lịch, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương, hai nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Hai nước cũng kêu gọi việc kiềm chế các hành động gây phức tạp hoặc làm leo thang các tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực, tránh các hành động đơn phương có thể thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển năm 1982.

Cả Việt Nam và Philippines cũng tái khẳng định cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc năm 2002 về ứng xử của các bên tại Biển Đông và thúc đẩy việc sớm hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông hiệu quả và hiệu lực. Như vậy, cho đến nay, giữa Việt Nam và Philippines vẫn chưa có Hiệp Định hay Thỏa Thuận phân định ranh giới biển đảo giữa hai nước, nhưng tình hình chung là: cả hai bên đều không muốn gây căng thẳng ở các khu vực tranh chấp.

Tại sao quần đảo Trường Sa không thuộc về Philippines

Mặc dù trong số các bên có tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, Philippines là quốc gia gần với quần đảo này nhất, nhưng trên thực tế, quần đảo này chưa bao giờ thuộc về phía Manila. Nguyên nhân do từ trước tới nay, quốc gia này chưa có bản Hiến Pháp nào làm rõ chủ quyền của họ đối với quần đảo Trường Sa.

Cụ thể, Điều 1 của Hiến Pháp (PLP) năm 1935, quy định lãnh thổ Philippines bao gồm tất cả lãnh thổ được Tây Ban Nha nhượng lại cho Mỹ theo Hiệp Định Paris ký kết vào ngày mùng 10/12/ 1898. Bên cạnh đó, lãnh thổ Philippines cũng bao gồm tất cả các đảo được nêu ra trong Hiệp Định Washington giữa Mỹ và Tây Ban Nha ký vào ngày mùng 7/11/1900, và trong Hiệp Định giữa Mỹ và Anh ký vào ngày mùng 2/1/1930. Tuy nhiên, trên thực tế, không Hiệp Định nào trong ba Hiệp Định trên khẳng định quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Philippines. Đặc biệt, trong Điều 3 của Hiệp Định Paris giữa Mỹ và Tây Ban Nha ký vào năm 1898 đã xác định cụ thể tọa độ phạm vi lãnh thổ của Philippines và theo Điều này, Trường Sa không thuộc về chính quyền Manila.

Hiệp Định Washington giữa Mỹ và Tây Ban Nha vào năm 1900, có đề cập đến các đảo nằm ngoài đường vạch ra trong Điều 3 của Hiệp Định Paris, nhưng không nói rõ cụ thể là những đảo nào.Nếu tính cả tuyên bố của Bộ Trưởng Ngoại Giao Philippines vào năm 1947, chính quyền Manila đã thiếu đi cả cơ sở chiếm đóng và kiểm soát thực tế, lẫn cơ sở chiếm đóng liên tục.

Một điểm hạn chế khác trong yêu sách chủ quyền của Philippines đối với quần đảo Trường Sa là áp dụng nguyên tắc “Uti Possidetis” trong lý giải của Manila về sự kiện Cloma năm 1956, thuộc yêu sách đòi chủ quyền mà nước này đưa ra vào năm 1971 dưới thời ông Ferdinand Marcos.

Cụ thể, năm 1956, Thomas Cloma đã ra tuyên bố với toàn bộ thế giới về việc khẳng định quyền sở hữu nhờ việc ông ta đã phát hiện và chiếm đóng lãnh thổ gần 33 đảo, đảo cát thấp nhỏ, cồn cát ngầm, các giải đá ngầm, san hô và các bãi đánh cá ở Trường Sa, trải rộng trên diện tích khoảng 168.000 – 300 km2. Tuy nhiên, tuyên bố này bị phía Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khi đó phản đối.

Ngoài ra, vào ngày 17/ 5/ 1950, Tổng Thống Philippines là ông Elpidio Quirino tuyên bố với báo giới rằng quần đảo Trường Sa thuộc về quốc gia này, nhưng tuyên bố đó của ông Quirino lại bị Người Phát Ngôn Chính Phủ Philippines lúc đó bác bỏ. Một năm sau, tại Hội Nghị San Francisco năm 1951, Phái Đoàn của chính quyền Manila do Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao là Carlos P. Romulo dẫn đầu đã không có phản ứng gì khi Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa là Trần Văn Hữu khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, Philippines thiếu cơ sở pháp lý quan trọng để có thể khẳng định quần đảo này thuộc về họ nếu đưa vấn đề này ra phân xử tại Tòa án Quốc tế.

Bên cạnh đó, quần đảo Trường Sa còn là nơi tranh chấp sáu bên bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei. Trong đó, Việt Nam kiểm soát 21 thực thể, Trung Quốc chiếm bảy thực thể, Malaysia chiếm bảy thực thể, Đài Loan chiếm hai thực thể. Còn Brunei, mặc dù là một bên đưa ra yêu sách, nhưng cho đến nay, quốc gia này vẫn chưa chiếm đóng thực thể nào của quần đảo Trường Sa.

Bên cạnh tranh chấp với Việt Nam, Philippines còn có tranh chấp với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough và khu vực đá Vành Khăn. Ngoài ra, vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” của Trung Quốc công bố cũng trùng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

Trong số những tranh chấp, Việt Nam là bên có những bằng chứng thuyết phục nhất về quá trình thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Thực tế này được chứng minh trong nhiều tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý của nhà nước, bản đồ thể hiện việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu giữ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Tất cả đều chứng minh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Trong thời kỳ Pháp thuộc, với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Patenotre vào năm 1884, (hay còn gọi là Hiệp ước Giáp Thân), chính quyền Pháp đã có nhiều hoạt động cụ thể củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ những năm 30 của thế kỷ 20. Pháp đã quy thuộc hai quần đảo và các tỉnh đất liền, đặt quân đồn trú, xây cột mốc chủ quyền, xây hải đăng, trạm khí tượng, vô tuyến điện trên hai quần đảo. Trong quan hệ quốc tế, Pháp đã nhiều lần lên tiếng phản đối các đòi hỏi chủ quyền của các nước khác đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 10/1950, Pháp đã chuyển giao quyền quản lý hai quần đảo cho quốc gia Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới