Vốn đang bị đè nặng bởi khủng hoảng bất động sản và việc làm trì trệ, người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với áp lực mới khi hóa đơn tiện ích tăng vọt.
Theo thống kê của công ty chứng khoán Haitong International (Hong Kong, Trung Quốc), ít nhất 125 thành phố và quận/huyện ở Trung Quốc đã công bố giá xăng tăng khoảng 10% kể từ tháng 6 năm ngoái. Nhiều địa phương cũng chính thức thông báo tăng tiền điện, nước.
Các nhà phân tích cho rằng đây không phải thời điểm hợp lý để tăng giá các dịch vụ tiện ích. Dữ liệu công bố giữa tháng này cho thấy tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ khi lệnh kiểm soát dịch bệnh nghiệm ngặt được dỡ bỏ vào cuối năm 2022, đồng thời nhu cầu về các mặt hàng ô tô, quần áo và giày dép giảm mạnh trong tháng 4.
Chi phí tiện ích tăng có thể làm giảm mức tiêu thụ các dịch vụ và hàng hóa khác. Tệ hơn nữa, Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc trong một động thái hiếm hoi, cũng sẽ tăng giá vé trên một số tuyến đường sắt cao tốc phổ biến lên tới 20% bắt đầu từ tháng 6 tới.
“Đây là một đòn giáng nặng nề vào tâm lý của người tiêu dùng”, ông Hình Triệu Bằng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ Thượng Hải, nói.
Một số chính quyền địa phương Trung Quốc đang nỗ lực tăng giá điện, nước trong bối cảnh phí chuyển nhượng đất, nguồn thu chính của các địa phương này, sụt giảm mạnh do khủng hoảng bất động sản. Họ có rất ít lựa chọn dưới áp lực của khoản nợ lên tới khoảng 9.000 tỷ USD.
Lưu Bác Dương, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại CNCB Hong Kong, nhận định: “Lý do chính cho việc tăng giá tiện ích là để lấp đầy khoảng trống tài chính”.
Trong khi tổng thể lạm phát ở Trung Quốc ở mức thấp – chỉ số giá tiêu dùng chính thức tăng chỉ 0,3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái – thì nguy cơ giá tiện ích tăng cao có thể ảnh hưởng không cân xứng đến niềm tin người tiêu dùng. Từ lâu, các hộ gia đình Trung Quốc đã được hưởng giá tiền nước, điện và gas thấp, nhờ các khoản trợ cấp đáng kể của nhà nước.
Chỉ có thể tiết kiệm
Tại một số khu vực ở Thượng Hải, người dân chuẩn bị đối mặt với việc hóa đơn tiền nước tăng 50%. Trong khi tiền điện – thường là khoản chi tiêu tiện ích lớn nhất – đã tăng ở một số khu vực của Trung Quốc.
June Yang, giáo vụ tại một trường học ở thành phố Quảng Châu, bắt đầu khuyên hai cô con gái tắm nhanh hơn để tiết kiệm tiền và thường xuyên nhắc nhở chúng tắt đèn khi ra khỏi phòng.
“Đó là những tiện ích thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày và giờ chúng tôi cố gắng không sử dụng lãng phí”, Yang và chồng thường phải trả khoảng 600 nhân dân tệ (hơn 2 triệu đồng) mỗi tháng cho tiền nước, điện và gas. Cô dự đoán số tiền sẽ tăng bắt đầu từ tháng này.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tianfeng Securities, chi phí tiện ích chỉ chiếm khoảng 5% chi tiêu trung bình của hộ gia đình.
“Điều đó có nghĩa là khó có khả năng xảy ra sự sụt giảm lớn về tiêu dùng”, Uông Đào, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của UBS Group AG, nhận định.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách đang hành động để kích thích tiêu dùng. Chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã công bố các biện pháp giải cứu thị trường bất động sản mạnh mẽ nhất. Các nhà kinh tế phần lớn vẫn tin tưởng rằng Bắc Kinh sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay.
Dù vậy, điều đó không mang lại chút niềm an ủi nào cho hàng triệu người tiêu dùng đang phẫn nộ trước tình trạng giá tiện ích tăng cao mỗi tháng.
Làn sóng phẫn nộ
Tại Quảng Châu, chính quyền địa phương biện minh việc tăng giá nước gần đây là cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng và khuyến khích người dân tiết kiệm nước. Nhưng khi họ tổ chức một buổi điều trần công khai về vấn đề này, người dân đã bày tỏ sự bất bình.
Người dân đặt câu hỏi về việc lựa chọn 17 người làm đại diện tại phiên điều trần. Một trong những đại diện đó là chủ nhà hàng ủng hộ đề xuất tăng hóa đơn tiền nước cho người dân cao hơn cho doanh nghiệp.
Theo truyền thông địa phương, sau phiên điều trần, cửa hàng của ông chủ này đã nhận được làn sóng đánh giá tiêu cực trên mạng. Một cư dân mạng bình luận: “Tại sao lại thay mặt chúng tôi tăng giá nước? Đúng là một nhà hàng vô tâm”.
Các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với áp lực về giá thành, giờ đây cũng phải đối mặt với một vấn đề nan giải khác: tự gánh chịu chi phí hoạt động gia tăng hơn hoặc chuyển nó sang cho khách hàng, những người có thể đã cảm nhận được gánh nặng này ở nhà.
T.P