Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã tiếp nhận đơn khiếu nại của 40 thượng nghị sĩ đề nghị bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin do tranh cãi liên quan đến việc bổ nhiệm nhân sự nội các.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 23/5 đã chấp nhận đơn khiếu nại yêu cầu phế truất Thủ tướng Srettha Thavisin vì đã bổ nhiệm một cựu luật sư có tiền án làm bộ trưởng. Tuy nhiên, Thủ tướng Srettha không bị đình chỉ nhiệm vụ trong khi chờ phán quyết của tòa.
Trước đó, theo truyền thông Thái Lan, 40 thượng nghị sĩ của nước này đã đệ đơn kiến nghị Tòa án Hiến pháp nước này xem xét tư cách của Thủ tướng Srettha Thavisin. Động thái trên diễn ra sau khi Thủ tướng Srettha bổ nhiệm cựu luật sư Pichit Chuenban làm Chánh Văn phòng thủ tướng trong đợt cải tổ nội các gần đây.
Trong đơn gửi tòa án, các thượng nghị sĩ này đã đặt ra câu hỏi rằng liệu tư cách của Thủ tướng Srettha và Chánh Văn phòng thủ tướng Pichit Chuenban có thể bị chấm dứt theo Mục 170 của Hiến pháp liên quan đến các tiêu chuẩn về đạo đức của một bộ trưởng nội các hay không.
Năm 2008, ông Pichit cùng với 2 đồng nghiệp bị kết án 6 tháng tù vì coi thường tòa án sau khi bị cáo buộc tìm cách hối lộ các quan chức tòa án bằng 2 triệu baht (55.218 USD) đựng trong hộp thức ăn. Sau vụ việc, ông Pichit bị treo giấy phép hành nghề luật sư 5 năm.
Những người chỉ trích chính phủ cho rằng ông Pichit được bổ nhiệm vào nội các do có mối quan hệ thân thiết với một khách hàng là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đã trở về Thái Lan vào năm 2023 sau 15 năm sống lưu vong.
Tuy nhiên, người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke bác bỏ cáo buộc của các thượng nghị sĩ và cho biết chính phủ đã xem xét kỹ lưỡng trình độ chuyên môn của ông Pichit.
Trong nỗ lực nhằm giúp Thủ tướng Srettha tránh rắc rối pháp lý, hôm 21/5, ông Pichit đã từ chức.
Mặc dù vậy, động thái của Tòa án Hiến pháp có thể coi là một đòn giáng vào chính quyền của Thủ tướng Srettha. Ông Srettha nhậm chức hồi tháng 9 năm ngoái. Vài tuần trở lại đây, 3 bộ trưởng trong nội các của ông đã từ chức