Yadea là hãng xe xe máy điện lớn nhất của Trung Quốc. Từ năm 2019, hãng đã có nhà máy đầu tiên ở tỉnh Bắc Giang của Việt Nam;hiện nay, Việt Nam là thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng.
Mức giá phù hợp, sản phẩm phong phú, trang bị một số tính năng khá hiện đại so với các loại xe điện cùng phân khúc, Yadea được cho là bán chạy trên thị trường Việt Nam.
Bán chạy thì mừng cho Yadea chứ sao? Tất nhiên rồi. Tuy nhiên, một khi Yadea vướng vào sự cố truyền thông như vừa qua, câu chuyện có thể lại ngả theo một chiều hướng khác.
Nhắc lại chút về sự cố truyền thông liên quan đến Yadea. Cũng như các hãng hàng hóa khác, Yadea quan tâm xây dựng trang web phục vụ cho việc kinh doanh. Trong thực tế, nhiều khách hàng thường truy cập vào trang web của Yadea để tìm hiểu hệ thống phân phối sản phẩm, mẫu mã, giá, chế độ hậu mãi…Đương lúc mọi thứ đang hanh thông, vui vẻ, thì ngày 18-5-2024, không ít người Việt Nam đã tá hỏa khi phát hiện bản đồ ghi tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ bằng duy nhất tiếng Hoa – lần lượt là Tây Sa và Nam Sa.
Chuyện không chỉ nhạy cảm mà còn tày trời bởi Hoàng Sa và Trường Sa là hai cái tên mà dư luận biết tới như hai điểm nóng trong khu vực Biển Đông. Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1974. Còn Trường Sa – câu chuyện còn có phần phức tạp hơn khi tranh chấp chủ quyền quần đảo này liên quan tới “5 nước, 6 bên” bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan. Hiện tại, trừ Brunei, mỗi “bên” còn lại đều chiếm giữ một số điểm đảo, đá, trong đó, Việt Nam nhiều nhất.
Việt Nam kiểm soát nhiều hơn chẳng phải nước này nhanh chân hay nhanh tay. Điều cơ bản, xét về luật pháp quốc tế, Việt Nam mạnh lý hơn các bên còn lại trong việc khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa. Chính thế, cùng với kế thừa quyền quản lý từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa, sau năm 1975, nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền chính đáng qua việc quản lý thêm một số đá, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, đưa tổng số điểm đảo mà quốc gia này kiểm soát lên con số 21.
Dường như biết mình yếu lý, cái lý của mình không thuyết phục được ai, kể cả Tòa án Trọng tài (PCA) trong câu chuyện Biển Đông, từ nhiều năm nay, Bắc Kinh dùng mọi cách, tận dụng mọi thứ có thể để khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” độc chiếm Biển Đông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Một trong những phương châm của họ là làm cho dư luận quen; từ quen đến chấp nhận Biển Đông là của Trung Quốc.
Chính thế, “đường 9 đoạn” mà dư luận gọi là “đường lưỡi bò” để mỉa mai lòng tham của Trung Quốc, ngoài hiện diện thường xuyên trên báo chí, nhiều trường hợp còn “chui” vào các diễn đàn khoa học; in trên hộ chiếu, áo phông để theo khách du lịch Trung Quốc đi tứ xứ.
Thậm chí, Trung Quốc dùng món lợi kinh tế để chi phối, đưa đường lưỡi bò vào các bộ phim như “Điệp vụ Biển Đỏ”, “Everest Người tuyết bé nhỏ”; và cả phim “Barbie” – bộ phim do Warner Bros – một trong những hãng phim lớn nhất Hollywood, sản xuất; lợi dụng sự sơ hở của các nhà quản lý để các bộ phim trên vào được một số nhà rạp Việt Nam, trong đó có hệ thống rạp CGV.
Tất nhiên, khi phát hiện, các phim trên lập tức bị khán giả Việt Nam tẩy chay, phải rút khỏi rạp.
Liên quan sản phẩm hàng hóa, đường lưỡi bò cũng từng in trên quả địa cầu và lên một số sàn giao dịch điện tử phân phối cho học sinh. Chưa lâu, cũng “lưỡi bò” cùng bị phát hiện đã lẻn vào cả hệ thống bán lẻ của hãng H&M tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn.
Ngỡ sau các trường hợp bị dư luận phê phán, tẩy chay, các cơ sở bán hàng “chừa hẳn”. Vậy mà không, “đùng” cái, nay lại đến chuyện trang web của Yadea treo bản đồ ghi tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ bằng duy nhất tiếng Hoa – lần lượt là Tây Sa và Nam Sa.
Điều khác thường, ngược với tình huống trên, là: cùng bản đồ trên web của Yadea, các địa danh khác của Việt Nam đều chú bằng cả hai thứ tiếng Hoa và Việt Nam; và bản đồ này chỉ xuất hiện nếu dùng địa chỉ IP từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để truy cập. Nếu truy cập từ trong lãnh thổ Việt Nam thì lại không thấy…
Trước phản ứng quyết liệt của các cơ quan chức năng và dư luận Việt Nam, chiều ngày 20-5, đại diện hãng Yadea đã lên tiếng xin lỗi về cái mà họ gọi là “sơ xuất”; đồng thời, hứa sẽ “rà soát thật chặt chẽ để đảm bảo sự việc tương tự không xảy ra trong tương lai”. Tuy nhiên, điều khác thường nêu trên đã khiến dư luận nghĩ tới khả năng đây không thể là sơ xuất, mà do “ban biên tập” web của hãng Yadea chủ trương và tính toán kỹ.
Nếu thật thế, là một doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, hành vi đó của Yadea có thể ví như “đùa với lửa”. Bởi với mọi người dân Việt Nam, Trường Sa và Hoàng Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng và máu thịt, không thể là của ai khác.
T.V