Monday, June 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCác nước ASEAN chọn “cái đĩa” nào?

Các nước ASEAN chọn “cái đĩa” nào?

Đây không phải chuyện chọn “phe” mà là chọn Mỹ hay Trung Quốc? Quả là một câu hỏi khó đối với các nước ASEAN.

Câu chuyện của các nhà ngoại giao Châu Á gần đây trong một bữa tiệc ngoại giao khá vui vẻ. Họ dùng hình ảnh cái đĩa để nói về Mỹ và Trung Quốc. Bài toán nhỏ ấy như sau: Trong mâm cỗ có cái “đĩa” Trung Quốc và “đĩa” Mỹ đều có nhiều thức ăn ngon và lạ, vậy bạn chọn đĩa nào? Cái khó nhất đối với thực khách là không có chuyện chỉ chọn một đĩa mà từ bỏ đĩa kia.

Đấy là chuyện vui. Còn đây là chuyện thật. Từ năm 2020 năm nào Viện ISEAS-Yusof Ishak (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – cơ sở giáo dục và nghiên cứu của Singapore) cũng khảo sát và công bố “Báo cáo tình hình ASEAN”. Báo cáo này được coi là đánh giá khách quan về quan điểm của giới tinh hoa trong khu vực liên quan đến các vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu.

Năm 2024, cuộc khảo sát đã tiến hành phỏng vấn 1994 người ở 10 nước ASEAN. Đối tượng được hỏi bao gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà báo, doanh nhân và các chuyên gia. Kết quả có lợi cho Trung Quốc và không vui cho Mỹ. Theo đó, 50,5% số người được hỏi cho rằng ASEAN nên liên kết với Trung Quốc thay vì Mỹ. Tỷ lệ này tăng cao so với mức 38,9% của năm 2023. Đối với Mỹ, con số này giảm xuống 49,5% (năm ngoái là từ mức 61,1% ). Vậy là người ta bắt đầu chê “món ăn” của Mỹ.

Báo cáo này nói chi tiết thêm, trong ASEAN chỉ có Philippines, Singapore có phần lớn người được hỏi ưu tiên chọn Mỹ. Các nước còn lại thích “khẩu phần ăn” của Trung Quốc hơn. Số là, họ được hưởng lợi nhiều nhất từ sáng kiến “Vành đai và Con đường” và thương mại với Trung Quốc.

Ngoài “củ cà rốt” mà Trung Quốc chìa ra còn những lý do nào thuyết phục các nước láng giềng? Liệu đây là tình thế không thể đảo ngược hay sẽ tiếp tục dao động, bập bênh theo thời tiết chính trị?

Trả lời câu hỏi này chúng ta cùng xem xét bối cảnh quốc tế của “Báo cáo tình hình ASEAN năm 2024”. Hơn 20 năm qua, các nước ở ASEAN theo đuổi chiến lược dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh chính trị và dựa vào Trung Quốc để phát triển kinh tế. Bỗng một ngày đẹp trời, khi ấy là năm 2023, hầu hết các nước ASEAN đều quay lưng với Trung Quốc do nước này tiếp tục gây rối, lấn chiếm, chèn ép các nước khác trên Biển Đông.

Vậy mà sang năm 2024, gió bỗng xoay chiều. Chúng tôi nói “xoay chiều” chứ chưa phải “đổi chiều”. Dân ASEAN chán Mỹ có thể là do mất niềm tin với Mỹ, bởi thái độ nhập nhằng, không dứt khoát của Wassinghton trong cuộc chiến Israel- Hamas ở Gaza, cũng như những dấu hiệu bùng phát chiến tranh ở Trung Đông.

Tác động của cuộc chiến Israel-Palestine đối với Mỹ kể từ tháng 10/2023 đến nay vô cùng phức tạp so với cuộc chiến Nga-Ukraine. Tại Mỹ, nhiều cuộc biểu tình phản đối sự ủng hộ của Nhà Trắng dành cho Israel. Mỹ cũng đang chới với khi tại nhiều cuộc họp của Liên hợp quốc, nhiều nước trong Hội đồng Bảo an ủng hộ Palestin gia nhập tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, trong đó có ba nước châu Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha.

Còn có một yếu tố không thể xem nhẹ: yếu tố tôn giáo. Khu vực ASEAN có ba nước Hồi giáo là Indonesia, Malaysia và Brunei. Trong bảy nước còn lại, Campuchia và Singapore có số dân theo đạo Hồi khá đông. Việt Nam và Lào có số dân theo đạo Hồi ít hơn một chút. Điều này đương nhiên tác động đến thái độ của các nước ASEAN đối với Mỹ, liên quan cuộc chiến tranh sắc tộc, tôn giáo Israel-Palestine.

Chia sẻ về sự xoay chiều ngọn gió hướng về Trung Quốc hay Mỹ, các nhà phân tích cho rằng, không thể có quan điểm cứng nhắc nên thân Mỹ hay thân Trung Quốc.

Đến nay, bên cạnh Việt Nam tuyên bố rất đanh thép với chính sách “ngoại giao cây tre”, hầu hết các nước ASEAN đều từ chối chọn phe, bởi tất cả các nước ASEAN có quan hệ thân sơ khác nhau với Trung Quốc. Họ có những khác biệt trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, mức độ đe dọa khác nhau, lượng trao đổi kinh tế khác nhau, thái độ đối với Mỹ cũng có chia rẽ.

Ta hãy liên hệ với tình hình Singapore. Quốc đảo ngày nay không còn “của nhà họ Lý”. Tháng 4/2024, Lý Hiển Long đã từ chức thủ tướng và Hoàng Tuân Tài kế nhiệm. Một câu hỏi đặt ra, liệu Hoàng Tuân Tài kế thừa chính sách Trung Quốc của Lý Hiển Long hay không.

Nên nhớ, khi Hoàng Tuân Tài nhậm chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông đã nhiều lần thể hiện rõ thái độ đối với Trung Quốc. Vào tháng 12/2023, ông nhấn mạnh rằng không bao giờ nên đặt cược vào suy thoái của Trung Quốc. Nước này tiếp tục là nền kinh tế có thể mang lại cơ hội lớn cho hợp tác song phương. Hoàng Tuân Tài nhìn chung sẽ đi theo đường lối ngoại giao của thời Lý Hiển Long, đối với quan hệ với Trung Quốc về cơ bản sẽ chỉ là “bình mới rượu cũ”. Hơn nữa, Mỹ đang trong năm bầu cử, giai đoạn này quan hệ Mỹ – Trung đã ổn định và không bên nào muốn gây rắc rối, không có áp lực phải chọn phe sau khi ông Hoàng Tuân Tài lên nắm quyền, chấm dứt Vương triều nhà Lý.

Việt Nam thì sao? Hà Nội luôn khẳng định chính sách “Một Trung Quốc” nhưng vẫn “thân thiết” với Đài Loan. Mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ cũng rất phức tạp. Hôm 20/5 vừa qua, khi ông Lại Thanh Đức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên về chính sách “Một Trung Quốc”: Việt Nam sẽ kiên quyết theo đuổi chính sách “Một Trung Quốc” và thừa nhận Đài Loan trên cơ sở là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc; Việt Nam duy trì và phát triển các mối quan hệ phi chính phủ và không chính thức với Đài Loan trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục…, không phát triển bất kỳ mối quan hệ cấp nhà nước nào với Đài Loan.

Câu trả lời tưởng như rõ mà lại không rõ. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, ASEAN đã trở thành một đấu trường địa chính trị mà cả ba bên đều tìm cách ve vãn nhau. Thái độ của các nước ASEAN luôn ở trạng thái dao động con lắc.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới