Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngCuộc tập trận của TQ răn đe Đài Loan

Cuộc tập trận của TQ răn đe Đài Loan

Chỉ bốn ngày sau khi ông Lại Thanh Đức nhậm chức lãnh đạo Đài Loan, Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận vây quanh hòn đảo này với quy mô lớn nhất trong hơn một năm qua.

Đây được coi là một thông điệp mang tính răn đe của Trung Quốc nhằm “nắn gân” ông Lại bằng sự biểu dương sức mạnh quân sự của đại lục.
Lên kế hoạch kỹ lưỡng

Tuy nhiên, không ai ngạc nhiên về phản ứng mạnh mẽ của chính quyền Bắc Kinh với nhà lãnh đạo của Đảng Dân tiến. Vấn đề chỉ là khi nào và như thế nào.

Ông Lại Thanh Đức từ lâu bị Trung Quốc coi là một “kẻ ly khai nguy hiểm” vì lên tiếng bảo vệ chủ quyền và bản sắc riêng biệt của hòn đảo trước đại lục. Bài phát biểu nhậm chức hôm thứ hai (20-5) của ông Lại cũng bị Trung Quốc chỉ trích nặng nề, khi ông kêu gọi Bắc Kinh ngừng đe dọa Đài Loan.

Không để ông Lại phải đợi lâu, Trung Quốc đã huy động đủ các thứ quân như lục quân, hải quân, không quân và lực lượng tên lửa cho cuộc tập trận hai ngày 23 và 24-5 nhằm bao vây hòn đảo.

Mục tiêu chính của cuộc tập trận giả lập uy hiếp được coi là nhằm thử phản ứng của chính quyền Đài Loan và đồng minh trước nguy cơ hòn đảo bị chiếm.

Dư luận không quá bất ngờ về việc Trung Quốc sẽ có tập trận quân sự để thử thách tân lãnh đạo Đài Loan, nhưng đáng chú ý là về quy mô của cuộc tập trận khi có đủ các lực lượng binh chủng và thậm chí có sự tham gia của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên mà cuộc tập trận của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) còn có sự tham gia của lực lượng cảnh sát biển. Lực lượng này diễn tập tác chiến ở các khu vực xung quanh các đảo xa Kim Môn, Mã Tổ, Ô Khâu và Đông Dẫn của Đài Loan nhưng lại nằm ngay ngoài khơi bờ biển phía đông nam Trung Quốc.

Có thể nói đây không phải là cuộc tập trận tự phát của chính quyền Trung Quốc mà có sự chuẩn bị và trù tính kỹ trước đó về thời gian và quy mô. Mục tiêu giả lập không chỉ bao vây và chiếm giữ, mà còn cắt đứt sự tiếp tế và hỗ trợ Đài Loan từ bên ngoài. Khu vực tập trận ở đủ các phía đông tây nam bắc hòn đảo, tức là ở eo biển Đài Loan ngăn cách hòn đảo này với Trung Quốc đại lục, cũng như phía bắc, nam và đông của Đài Loan.

Bờ biển phía đông của đảo Đài Loan có cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng và do nằm gần các đảo phía nam của Nhật Bản nên là tuyến đường tiếp tế đáng tin cậy cho các đồng minh của Đài Loan. Còn phía nam Đài Loan thì nhắm vào thành phố Cao Hùng, nơi có cảng lớn nhất của Đài Loan và là căn cứ quan trọng của hải quân hòn đảo.

Bộ chỉ huy Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc cho biết: “Đây là sự trừng phạt mạnh mẽ đối với hành động ly khai của lực lượng độc lập Đài Loan và là lời cảnh báo nghiêm khắc trước sự can thiệp, khiêu khích của các thế lực bên ngoài”.

PLA cho biết thêm cuộc tập trận tập trung vào các cuộc tuần tra chung về sẵn sàng chiến đấu trên biển và trên không, tấn công chính xác vào các mục tiêu quan trọng và các hoạt động tổng hợp trong và ngoài chuỗi đảo để kiểm tra khả năng chiến đấu chung thực sự của các lực lượng.

Trong vòng 24 tiếng đầu tiên của cuộc tập trận, quân đội Đài Loan đã phát hiện 49 máy bay chiến đấu Trung Quốc, trong đó có 35 chiếc đã vượt qua đường trung tuyến – một điểm phân định ở eo biển Đài Loan mà Bắc Kinh không công nhận. Quân đội Đài Loan đã lên án các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc là “sự khiêu khích phi lý” và phái các lực lượng trên biển, trên không và trên bộ của mình theo dõi.

Theo Đài CNN, điều đáng chú ý là cho đến nay máy bay chiến đấu Trung Quốc đã nhiều lần vượt qua đường trung tuyến cách bờ biển của cả hai bên khoảng 50 hải lý nhưng vẫn chưa bao giờ vượt qua vùng tiếp giáp, cách bờ biển Đài Loan khoảng 24 hải lý. Phạm vi hoạt động của máy bay Trung Quốc được coi là vừa đủ gửi thông điệp đến Đài Loan nhưng không đẩy căng thẳng lên quá cao.

Ngoài ra, các tàu Trung Quốc tham gia tập trận lần này phần lớn là tàu khu trục và tàu hộ tống nhỏ mang theo vũ khí hạng nhẹ. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ tàu hạng nặng nào của Trung Quốc như tàu tấn công đổ bộ hay tàu sân bay tham gia cuộc tập trận. Điều đó cho thấy phía Trung Quốc mạnh mẽ trong quy mô hiệp đồng tác chiến, nhưng cũng khá thận trọng.

Việc Trung Quốc tránh leo thang cũng hé mở cánh cửa đối với ông Lại Thanh Đức cho việc nối lại các thương thảo chính thức giữa Đài Loan và Trung Quốc. Thông điệp “nắn gân vừa đủ” để bên kia chọn một trong hai: cương hay nhu trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới