Con tàu Hughes Glomar Explorer từng được truyền thông rầm rộ về sứ mệnh khai thác khoáng sản đại dương, nhưng tất cả là nhằm che đậy nhiệm vụ bí mật phối hợp cùng tình báo Mỹ.
Vào năm 1974, tàu khai thác Glomar đã thu hút sự chú ý với kích thước khổng lồ. Nó từng lọt vào tầm mắt của Hải quân Liên Xô khi hoạt động ngoài khơi vùng biển Hawaii. Tuy nhiên, công chúng khi đó không biết sứ mệnh thật sự của con tàu ngoại cỡ này.
Tàu Glomar khai thác khoáng sản là câu chuyện “bình phong” cho hoạt động bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), với kế hoạch trục vớt xác tàu ngầm Liên Xô – con tàu được cho là mang nhiều bí mật thời Chiến tranh Lạnh, cũng như chứa đầy tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.
Tàu ngầm K-129 của Liên Xô đã đã chìm vào năm 1968. Tình báo Mỹ tin rằng giới chức Liên Xô không biết chính xác vị trí con tàu, sau khi đã mất 2 tháng tìm kiếm. Với công nghệ theo dõi âm thanh, Washington đã định vị được nơi tàu chìm, song phải mất 6 năm để Mỹ chuẩn bị kế hoạch và trang thiết bị cho chiến dịch công phu, với tên gọi “Dự án Azorian”, theo trang Popular Mechanics.
6 năm chuẩn bị
Mọi việc bắt đầu vào tháng 7.1969, khi CIA tìm đến sự giúp đỡ của tỉ phú người Mỹ Howard Hughes. Ít ai nghĩ rằng vị tỉ phú lại muốn ủng hộ sứ mệnh đóng con tàu ngoại cỡ để mang đến Thái Bình Dương khai thác nốt mangan, nhưng rồi tất cả kinh ngạc khi Hughes Glomar Explorer bắt đầu được chế tạo vào năm 1971.
Các bài báo về con tàu rất tỉ mỉ, từ địa điểm đóng tàu ở thành phố Chester (bang Pennsylvania), đến thông tin con tàu phải đi qua eo biển Magellan ở Nam Mỹ để vào Thái Bình Dương do kích cỡ không vừa kênh đào Panama.
Ông Andrew Hammond, người phụ trách Bảo tàng Điệp viên Quốc tế (Mỹ), cho biết: “Mức độ chi tiết, quy mô hoạt động và sự táo bạo của dự án là đáng kinh ngạc. Phải mất nhiều năm làm việc kiên nhẫn. Có quá nhiều điều phải suy nghĩ và rủi ro cũng rất cao, khi về cơ bản chúng tôi đang đánh cắp tàu ngầm Liên Xô từ đáy đại dương”.
Đến năm 1970, các kỹ sư CIA và phía nhà thầu đóng tàu xác định cách duy nhất để vớt tàu ngầm là dùng tời kéo tàu hạng nặng. Ky tàu được đặt vào năm 1971, trong khi máy móc cho tàu Glomar được thiết kế chuyên biệt để phù hợp với kích thước của nó. Con tàu hoàn chỉnh trông giống một giàn khoan dầu di động, có một cần cẩu chuyển ống, hai chân đế cao, một bệ trung tâm giúp đóng mở sàn giếng, trong khi hệ thống kẹp dạng móng vuốt sẽ là “cánh tay” trục vớt tàu ngầm. Việc vận chuyển thiết bị chuyên dụng cũng được diễn ra trong bí mật tại bang California.
Sứ mệnh gian nan
Tàu Glomar đã đến địa điểm xác tàu ngầm vào ngày 4.7.1974. Khoảng 200 thuyền viên đã dành nhiều tuần cho nhiệm vụ trục vớt. Tuy nhiên, con tàu không dễ gì hoạt động trơn tru trước tai mắt của Liên Xô.
“Tưởng tượng bạn thấy tàu Liên Xô đến gần theo dõi, chụp ảnh, điều đó sẽ khiến bạn khó tập trung. Bạn không loại trừ khả năng có chuyện xấu xảy ra”, ông Hammond nói.
Liên Xô đã điều tàu giám sát, bao gồm một tàu kéo neo đậu gần Glomar trong 2 tuần. Trực thăng Liên Xô liên tục bay quanh con tàu và thuyền viên phải xếp những thùng hàng lên bãi đáp trực thăng để ngăn nguy cơ Liên Xô hạ cánh. Tài liệu của CIA có đề cập nội dung rằng “sẵn sàng ra lệnh tiêu hủy khẩn cấp những vật liệu nhạy cảm nếu Liên Xô cố gắng lên tàu”.
Sau cùng, con tàu cũng có thể hạ móc kẹp để kéo xác tàu ngầm lên, nhưng một sự cố đã xuất hiện. Khi còn cách 2.700 m so với mặt nước biển, con tàu ngầm dài 100 m bất ngờ vỡ ra, với 30 m thân trước rơi lại xuống đáy biển. Các thuyền viên cuối cùng đã trục vớt được một phần của K-129 lên tàu Glomar sau 8 ngày. Một phần xác tàu đã được đem đến bang Hawaii để kiểm tra, song chi tiết tài liệu từ tàu ngầm đến nay vẫn chưa được giải mật.
Kế hoạch bại lộ
6 năm dày công chuẩn bị, song Dự án Azorian chỉ thu được kết quả cục bộ. Khi CIA bắt đầu cho kế hoạch thứ hai, bí mật về tàu Glomar dần được sáng tỏ.
Trong một lần văn phòng của ông Howard Hughes tại thành phố Los Angeles bị đột nhập, kẻ trộm đã tiếp cận được tài liệu chứng minh vị tỉ phú và tàu Glomar có dính líu đến CIA. Ban đầu, một số phóng viên chủ động không để thông tin này đến tai công chúng. Nhưng vào tháng 2.1975, Báo Los Angeles Times đã kết nối được mối liên hệ giữa ông Hughes và CIA với tàu Glomar, khiến kế hoạch bại lộ. Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Gerald Ford khi đó đã ngăn CIA tiến hành những nhiệm vụ tương tự.
Trong một bài đăng, CIA viết rằng: “Dù dự án Azorian không thể hoàn thành tất cả mục tiêu, đây là một trong những vụ đánh cắp vĩ đại nhất của giới tình báo thời Chiến tranh Lạnh. Dự án này đã thúc đẩy công nghệ khai thác khoáng sản dưới đại dương và phát triển thiết bị nâng hạng nặng”.
Ông Hammond nói rằng nếu tình báo Liên Xô nổi danh nhờ yếu tố con người thì công nghệ là điểm ưu việt của tình báo Mỹ, mà dự án với tàu Glomar là ví dụ điển hình. Vụ việc này còn là cơ sở để đặt tên cho thuật ngữ “phản hồi Glomar”, với câu nói phổ biến của CIA: “Chúng tôi không xác nhận cũng không phủ nhận”.
Con tàu Glomar sau đó thực hiện một vài hoạt động khai khoáng ở đại dương, trước khi được một công ty dầu khí mua lại và cải tạo để khai thác dầu đến năm 2015. Những vật dụng phục vụ kế hoạch trục vớt tàu ngầm được trưng bày trong viện bảo tàng.
T.P