Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Bộ Tứ Kim Cương lại đối đầu với TQ? -...

Vì sao Bộ Tứ Kim Cương lại đối đầu với TQ? – Kỳ 1: Khởi nguồn

Trung Quốc, dưới triều đại của Chủ tịch Tập Cận Bình đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ với mục tiêu trở thành siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2049, dịp kỷ niệm 100 năm chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước Quốc dân Đảng.

Nhóm Bộ tứ kim cương ra mắt năm 2007.

Trung Quốc đã sử dụng đòn bẩy kinh tế của mình để dụ dỗ hoặc ép buộc nhiều quốc gia và tổ chức tuân lệnh mình. Đồng thời, Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và đe dọa Đài Loan, hòn đảo mà họ luôn thèm khát đưa trở lại dưới quyền kiểm soát. Những hành động đó là cảnh báo lớn cho các nước láng giềng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dẫn đến sự ra đời của một liên minh đa phương mới mang tên Đối thoại Tứ giác An ninh, hay còn gọi là “Bộ Tứ Kim Cương”. Tổ chức này là gì? Tại sao họ lại đối đầu với Trung Quốc, và họ sẽ làm điều đó như thế nào?

Ngày 29/12/2004, Tổng thống Mỹ George Bush tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ hợp tác với một nhóm các quốc gia nòng cốt ở khu vực Đông và Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, để điều phối các nỗ lực ứng phó với thảm họa động đất và sóng thần kinh hoàng ở Ấn Độ Dương. Đây được xem là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Bộ Tứ tiến hành các hoạt động hàng hải chung với tư cách là một nhóm. Hai năm sau, trong quá trình vận động tranh cử, ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng Nhật Bản, là ông Abe Shinzo, đã đề xuất tầm nhìn và ý tưởng của mình về “Vòng cung Tự do và Thịnh vượng”.

Theo đó, “Vòng cung” là tập hợp các quốc gia trên khắp lục địa Á-Âu được liên kết bởi những nỗ lực ngoại giao mới mở rộng của Nhật Bản nhằm thúc đẩy tự do và pháp quyền.

Đầu năm 2007, Phó Tổng thống Mỹ ra dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của Hoa Kỳ đến Đối thoại Tứ giác và khởi động một loạt nỗ lực ngoại giao giữa bốn nước. Sau khi được ông Cheney tư vấn về tiềm năng của Bộ Tứ trong chuyến thăm vào tháng 2, Thủ tướng Australia John Howard và Ngoại trưởng Ấn Độ Pranab Mukherjee nhanh chóng tới Tokyo để tái khẳng định động lực cho nhóm đối thoại.

Tiếp đó, các chuyến thăm lần lượt của ông Aso Taro và Abe Shinzo tới Ấn Độ và Washington vào tháng 4 đã xúc tiến quá trình đi đến thỏa thuận về cuộc họp bốn bên đầu tiên được tổ chức vào tháng 5/2007, khi các quan chức tập trung tại cuộc họp Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Manila. Cuối tháng 9 năm đó, lực lượng Hải quân của bốn nước đã hợp tác trong cuộc tập trận Malabar lần thứ hai cùng với Hải quân Singapore ở Vịnh Bengal.

Tuy nhiên, dù có một khởi đầu đầy hứa hẹn, nhóm Bộ Tứ đã gặp những rắc rối ngay sau đó. Những dấu hiệu về sự mỏng manh của nhóm đã trở nên rõ ràng trong nhiều tháng khi bên ngoài cuộc đối thoại, đối thủ chung lớn nhất của các nước trong nhóm Bộ Tứ là Trung Quốc tăng cường chiến dịch chống lại họ bằng những đường lối chính sách riêng cho từng quốc gia.

Hàn Quốc, một trong các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, không liên kết với Bộ Tứ, cũng bày tỏ sự do dự với nhóm này và không sẵn lòng đưa ra lựa chọn giữa một bên là Hoa Kỳ – Đồng Minh An ninh lớn nhất, và Trung Quốc – đối tác kinh tế đang phát triển của nước này. Hơn nữa, chừng nào Triều Tiên còn là đối tượng chính trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, thì Seoul vẫn còn cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc- ân nhân chính của Triều Tiên, để duy trì động lực đối thoại liên Triều.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng ngày một gia tăng áp lực và dẫn đến sự dè dặt của Australia, Ấn Độ và Hoa Kỳ trong việc chính thức hóa cuộc đối thoại. Các quan chức của bốn nước đã sớm bắt đầu tách cuộc đối thoại ra khỏi bất kỳ mối lo ngại nào về an ninh. Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Brendan Nelson, đã bày tỏ trong chuyến thăm đến vào tháng 7/2007 rằng nước này muốn hạn chế Bộ Tứ trong các vấn đề thương mại và văn hóa, trong khi Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh, nhấn mạnh rằng Bộ Tứ không có ý nghĩa an ninh.

Cùng với đó, cuộc biểu tình lớn ở Ấn Độ nhằm phản đối cuộc tập trận Malabar đã đe dọa nguồn lực chính trị quý giá của ông Manmohan Singh để thông qua thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn, qua đó khiến Ấn Độ càng thêm phần ngần ngại. Tháng 9/2007, Thủ tướng Nhật Bản, Abe Shinzo , từ chức vì lý do bệnh viêm loét đại tràng không lâu sau khi Đảng của ông thua trong Cuộc bầu cử Tham Nghị viện, đã làm Bộ Tứ mất đi người tạo động lực và kiến trúc sư chính của nó. Cuối năm đó, sau Cuộc bầu cử, chính phủ của Thủ tướng Kevin Rudd, Australia đã quyết định rằng Bộ Tứ không phù hợp với quan điểm chiến lược của nước này và tuyên bố rằng họ sẽ không tìm cách tham gia vào cuộc đối thoại Bộ Tứ vào tháng 1/2008. Bộ Tứ phiên bản 1.0 chính thức sụp đổ, cho thấy bốn quốc gia đang không có cùng quan điểm về các mối đe dọa lớn khu vực hoặc các biện pháp để giải quyết những thách thức đó.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới