Trước những khó khăn và bất công trong xã hội, thanh niên Trung Quốc đã liên tục tạo ra nhiều từ lóng mới nhằm bày tỏ sự bất lực của bản thân như “nằm thẳng” (không cố gắng phấn đấu nữa, chỉ duy trì những nhu cầu sinh tồn tối thiểu), “bài lạn” (mặc nó thối rữa)… và gần đây họ lại lan truyền một loạt câu trích bày tỏ sự chán chường.
Trên các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc, hiện có không ít video tổng hợp những câu trích bày tỏ sự chán chường của giới trẻ nước này. Một số câu nói trend (xu hướng) khiến người nghe không khỏi bật cười, nhưng cũng khiến người ta phải suy nghĩ. Ví dụ như:
“Chịu cả vạn nỗi khổ, hầu hạ cả vạn người”.
Câu ngạn ngữ gốc là: Chịu được vạn nỗi khổ, mới được vạn người kính.
“Làm nghề nào, ghét nghề ấy; 360 nghề, nghề nào cũng chửi rủa”.
Câu ngạn ngữ gốc là: Làm nghề nào, yêu nghề ấy; 360 nghề, nghề nghề xuất trạng nguyên. (‘360 nghề’ là cách gọi chung tất cả các ngành nghề ngày xưa, ‘nghề nghề xuất trạng nguyên’ ý nói rằng dù làm nghề nào, chỉ cần quyết tâm, chăm chỉ thì sẽ có thành tựu trong ngành nghề đó)
“Những người ưu tú hơn tôi, họ cũng đang nỗ lực, vậy tôi có nỗ lực thì có tác dụng gì”.
“Thua ở vạch xuất phát vẫn còn tốt hơn thua ở vạch đích, đỡ phải hùng hục chạy đua”.
“Thất bại là mẹ thành công, nhưng thành công lại không nhận người thân”.
“Thuyền nhẹ đã vượt muôn trùng núi, cúi nhìn mới biết chưa lên truyền”.
Vế đầu trích trong một bài thơ của nhà thơ Lý Bạch thời Đường, thể hiện khí thế thuyền nhẹ băng băng xuôi theo dòng nước. Vế sau mô tả thực tại của giới trẻ Trung Quốc, cứ tưởng là đang đứng trên con thuyền lướt nhẹ ấy, hóa ra bản thân còn chưa bước lên thuyền.
“Nỗ lực không nhất định sẽ thành công, nhưng không nỗ lực thì nhất định sẽ thoải mái, ung dung”.
“Khổ trước không nhất định sẽ sướng sau, nhưng sướng trước thì khẳng định là sướng rồi”.
“Nếu lúc trẻ chỉ biết tham thú hưởng lạc, đợi khi về già rồi, bạn sẽ phát hiện rằng về cơ bản chẳng còn gì để hối tiếc nữa”.
Những câu trích bày tỏ sự chán chường trên nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ cư dân mạng Trung Quốc:
“Không còn cách nào để tích cực được nữa”;
“Chân thực quá, haha~”;
“Nửa đời nhìn lại, quả đúng như thế”;
“Thế hệ tỉnh ngộ”; v.v.
Kể từ cuối năm 2019 khi Covid-19 bùng phát, nền kinh tế của Trung Quốc cũng bắt đầu xấu đi, các biện pháp phong tỏa, quản lý nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc đã gây nhiều hệ lụy cho người dân, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, cuộc sống của người dân thường nhìn chung đều khó khăn.
Tuy nhiên, tầng lớp đặc quyền trong chính quyền Trung Quốc lại nắm giữ phần lớn của cải trong xã hội. Trên Internet ở nước này thường xuyên xuất hiện các tin tức về con ông cháu cha trong các ngành nghề, ví dụ như có nhà 3 đời làm trong cơ quan thuế, hệ thống ngân hàng hay ngành thuốc lá, v.v. Trong khi đó, hầu như những người dân thường không có cơ hội để vào làm trong những cơ quan này.
Do khởi nghiệp không dễ, tìm việc lại khó, nên có rất nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc trở nên chán chường, sinh ra tâm lý “nằm thẳng”, dùng thái độ tiêu cực để phản ứng lại nền bạo chính ở Trung Quốc. Từ đó mới sinh ra các từ lóng trên mạng như “nằm thẳng”, “mặc nó thối rữa”, “thanh niên 4 không”, “thanh niên 10 không”, v.v. (Mời quý độc giả đọc link này để hiểu thêm về những từ lóng trên)
Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc, ông Vương Hách (Wang He), chỉ ra trên tờ The Epoch Times: “Trong hoàn cảnh này ở Trung Quốc, nếu bạn khởi nghiệp, kinh doanh, hoàn toàn là đang tự tìm đến cái chết. Những người trẻ đó, họ không thể khởi nghiệp, cũng không tìm được việc làm, vậy họ nên làm gì vào thời điểm này? Ngoài ‘nằm thẳng’, ‘mặc nó thối rữa’ ra thì còn có cách nào khác?”.
T.P