Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnXung đột Israel - Hamas: Sau phán quyết của Tòa án Công...

Xung đột Israel – Hamas: Sau phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế là gì ?

Đây được xem là phán quyết mang tính bước ngoặt, làm gia tăng áp lực quốc tế lên Israel sau hơn 7 tháng bùng nổ xung đột giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza.

Phán quyết của ICJ được đánh giá sẽ làm tăng áp lực lên Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để dừng cuộc chiến ở Gaza

Hôm 24-5, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của Liên Hiệp Quốc ra phán quyết yêu cầu Israel phải dừng ngay lập tức các hoạt động quân sự tại thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza.

Gia tăng áp lực quốc tế với Israel
Các thẩm phán bỏ phiếu với tỉ lệ 13 ủng hộ – 2 phản đối, yêu cầu “Israel phải dừng ngay lập tức cuộc tấn công quân sự và bất kỳ hành động nào khác ở Rafah mà có thể gây ra cho nhóm người Palestine ở Gaza những điều kiện sống có thể dẫn đến sự hủy diệt một phần hoặc toàn bộ”.

Các quan chức Israel đã lên án phán quyết của ICJ. Ông Yair Lapid, lãnh đạo Đảng Yesh Atid đối lập của Israel, gọi phán quyết của ICJ là “thảm họa đạo đức” vì đòi hỏi Israel dừng chiến dịch quân sự ở Rafah nhưng lại không đi kèm yêu cầu Hamas thả các con tin ở Gaza.

Mặc dù các phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc về pháp lý, nhưng họ lại không có lực lượng cảnh sát hay cơ chế tư pháp hiệu quả để thực thi chúng. Israel khó có thể tuân thủ phán quyết này.

Người phát ngôn Chính phủ Israel Avi Hyman tuyên bố: “Không thế lực nào trên Trái đất có thể ngăn cản Israel bảo vệ công dân của mình và truy lùng Hamas ở Gaza”.

Theo điều 94 trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nếu bất kỳ bên nào trong một vụ việc không tuân thủ phán quyết của ICJ, bên còn lại có thể nhờ đến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – nơi có thể đưa ra khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần thực hiện để phán quyết có hiệu lực.

Nhưng tính hiệu quả của cơ chế này vẫn còn đối mặt với sự nghi ngờ, vì 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) vốn nắm quyền phủ quyết và có thể ngăn chặn thông qua nghị quyết, như đã thấy trong vụ Nicaragua kiện Mỹ lên ICJ năm 1984.

Trong một trường hợp khác, năm 2022, ICJ ra phán quyết yêu cầu Nga ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng Matxcơva không tuân thủ.

Tuy nhiên vẫn có một con đường khác. Trao đổi với Hãng tin AP, bà Balkees Jarrah, phó giám đốc tư pháp quốc tế tại Tổ chức theo dõi quyền con người (HRW), cho rằng cộng đồng quốc tế có thể dùng những công cụ gây ảnh hưởng mà họ có với Israel, nếu không phán quyết sẽ bị phớt lờ.

“Quyết định của ICJ mở ra khả năng cứu viện, nhưng chỉ diễn ra khi chính phủ các nước sử dụng ảnh hưởng của họ, bao gồm thông qua các lệnh cấm vận vũ khí và các biện pháp trừng phạt có mục tiêu, để gây áp lực buộc Israel phải khẩn trương tuân thủ các biện pháp của tòa án”, bà Jarrah giải thích.

Trước mắt phán quyết của ICJ sẽ làm gia tăng áp lực quốc tế lên Israel. Hiện nay các hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza đang đối mặt ngày càng nhiều chỉ trích, đặc biệt kể từ khi nước này chuyển trọng tâm sang thành phố Rafah. Chỉ trong tuần này, 3 nước châu Âu (Na Uy, Ireland, Tây Ban Nha) tuyên bố sẽ công nhận Nhà nước Palestine.

Trong khi đó công tố viên trưởng Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) Karim Khan vừa qua đã xin lệnh bắt cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh chống lại dân thường Palestine ở Dải Gaza.

Tập trung vào Rafah
Phán quyết của ICJ tập trung vào thành phố Rafah, nằm ở khu vực biên giới giữa Gaza và Ai Cập và là trung tâm của chiến dịch quân sự kéo dài do Israel thực hiện những ngày qua.

Hàng trăm ngàn người Palestine đã tị nạn ở Rafah kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 10 năm ngoái. Hamas hoan nghênh phán quyết trên, nhưng lưu ý tình hình ở Jabalia và các thành phố khác ở Dải Gaza cũng nghiêm trọng không kém và cần nhận được sự chú ý tương tự.

Về phán quyết của ICJ, có 13/15 thẩm phán bỏ phiếu ủng hộ đến từ Mỹ, Úc, Brazil, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Lebanon, Mexico, Romania, Somalia và Nam Phi. Hai thẩm phán bỏ phiếu chống đến từ Israel và Uganda.

Trước đó Nam Phi – quốc gia đưa ra cáo buộc diệt chủng chống lại Israel tại ICJ vào tháng 12 năm ngoái – trong tháng này đã đề nghị các thẩm phán ICJ ra lệnh chấm dứt chiến dịch của Israel ở Rafah, để đảm bảo sự sống còn của người Palestine.

Bất chấp những cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Rafah – nơi ông nói là thành trì cuối cùng của Hamas mà Israel nhắm tới để có thể đạt được “thắng lợi hoàn toàn”.

Israel cho rằng Rafah là nơi hoạt động của 4 tiểu đoàn còn lại của Hamas, lên tới hàng ngàn chiến binh. Hiện nay chiến dịch của Israel tập trung vào việc tìm kiếm 4 tiểu đoàn này và tìm các con tin còn lại ở Gaza.

Tuy nhiên, thẩm phán Nawaf Salam, chủ tịch ICJ, cho biết tòa án này đánh giá tình hình nhân đạo ở Rafah là “thảm họa”, đồng thời nói thêm các quan chức Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo tình hình sẽ “căng thẳng hơn nữa” nếu chiến dịch quân sự của Israel ở Rafah vẫn tiếp tục.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới