Friday, December 20, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCuộc đua AI: Quốc gia nào đang dẫn đầu?

Cuộc đua AI: Quốc gia nào đang dẫn đầu?

Một “cuộc chạy đua vũ trang AI” đã nổi lên khi các quốc gia hàng đầu dành những khoản ngân sách khổng lồ vào nghiên cứu, phát triển nhân tài và ứng dụng AI.

Ảnh minh hoạ


Trong thập kỷ qua, trí tuệ nhân tạo (AI) dần biến đổi mọi ngành công nghiệp. Từ chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải đến tài chính – ngân hàng, khả năng của AI đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển sản phẩm, tối ưu hóa hoạt động và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Các công ty khởi nghiệp AI toàn cầu đã huy động được hơn 54 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm vào năm 2021, tăng hơn gấp đôi so với năm 2020. Các Chính phủ cũng đã phân bổ hàng tỷ USD để hỗ trợ các chiến lược phát triển AI quốc gia.

Mỹ
Mỹ hiện đang dẫn đầu cuộc đua AI với tổng vốn đầu tư 249 tỷ USD. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khẳng định vị thế thống trị AI. Các “gã khổng lồ” công nghệ như Google, Microsoft, Amazon, Facebook và Apple đang đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển AI. Nước này cũng sở hữu một hệ sinh thái mạnh mẽ gồm các công ty khởi nghiệp AI nhận được nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đáng kể.

Chính phủ Mỹ đã ưu tiên phát triển AI thông qua các sáng kiến như Đạo luật sáng kiến AI quốc gia nhằm thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) AI, nâng cấp các tiêu chuẩn kỹ thuật và đào tạo lực lượng lao động sẵn sàng cho cuộc đua ứng dụng AI.

Các cơ quan Chính phủ như DARPA và IARPA tài trợ cho các nghiên cứu AI tiên tiến để duy trì lợi thế công nghệ của Mỹ. Các trung tâm nghiên cứu học thuật như MIT, Stanford và Carnegie Mellon trở thành đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và phát triển AI.

Nước này cũng có lợi thế thu hút nhân tài AI toàn cầu thông qua các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ.

Trong khi Trung Quốc đang chạy đua để giành được chỗ đứng thì Mỹ vẫn là trung tâm thu hút AI với sự kết hợp giữa 3 yếu tố: Đổi mới ở khu vực tư nhân, tài trợ của Chính phủ và khả năng tiếp cận nhân tài. Việc duy trì vị trí dẫn đầu này đòi hỏi phải tăng cường đầu tư vào cả nghiên cứu và ứng dụng AI trong các ngành công nghiệp khác nhau.

Trung Quốc
Trung Quốc đã nổi lên như một đối thủ chính của Mỹ trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo toàn cầu. Với tổng đầu tư AI ước tính là 95 tỷ USD, Trung Quốc có mức tài trợ vào AI cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ.

Có nhiều yếu tố thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc về AI. Năm 2017, Trung Quốc công bố Kế hoạch Phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới đến năm 2030, đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất thế giới trong lĩnh vực AI với dự đoán sẽ thu hút khoảng 150 tỷ USD từ ngành này.

Những “ông lớn” công nghệ như Baidu, Alibaba và Tencent rót hàng tỷ USD vào việc phát triển ứng dụng AI. Nghiên cứu của họ tập trung vào các lĩnh vực như thị giác máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói và xe tự hành.

Thêm vào đó, dữ liệu dồi dào từ hơn 800 triệu người dùng internet của Trung Quốc có thể được tận dụng để đào tạo các thuật toán AI. Năm 2019, các công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc đã nhận được nhiều nguồn vốn đầu tư mạo hiểm hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên toàn cầu.

Trung Quốc cũng sở hữu đội ngũ nhân tài công nghệ cao gồm các nhà nghiên cứu và kỹ sư AI, với các trung tâm công nghệ ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Nghiên cứu mới nhất cho thấy Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong một số tiêu chí để trở thành nơi sản sinh những nhân tài AI bậc nhất. Theo thống kê, đất nước tỷ dân tạo ra gần một nửa số chuyên gia AI hàng đầu thế giới. Ngược lại, chỉ có khoảng 18% nhà nghiên cứu đến từ các tổ chức đại học của Mỹ.

Kết quả này cho thấy một bước nhảy vọt của Trung Quốc, khi mà 3 năm trước nước này chỉ cung cấp khoảng 1/3 nhân tài AI hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Mỹ dường như giậm chân tại chỗ.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, nguồn dữ liệu khổng lồ và đầu tư lớn ở khu vực tư nhân, Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong cuộc đua AI toàn cầu. Các sáng kiến quan trọng như kế hoạch “Made in China 2025” nhằm nâng cấp năng lực sản xuất công nghệ cao của đất nước này đang đẩy nhanh tiến trình đưa Trung Quốc trở thành siêu cường về AI.

Vương quốc Anh
Vương quốc Anh đứng ở vị trí thứ ba về tổng đầu tư vào AI với 18 tỷ USD và khẳng định mình là quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và phát triển AI, phần lớn nhờ vào các trường đại học đẳng cấp thế giới như Oxford, Cambridge, Edinburgh và University College London. Những trường đại học này cung cấp một phần đáng kể các nhân tài AI hàng đầu của Vương quốc Anh.

Chính phủ Vương quốc Anh đã ưu tiên AI và thông qua Thỏa thuận ngành AI để thúc đẩy sự phát tiển của ngành này. Thỏa thuận này bao gồm hơn 1 tỷ USD tài trợ cho nghiên cứu và phát triển tài năng. Một số sáng kiến AI quan trọng được Chính phủ hỗ trợ bao gồm sáng kiến của Viện Alan Turing, Trung tâm Đạo đức Dữ liệu và Đổi mới sáng tạo (CDEI) cùng hơn 200 học bổng Tiến sĩ dành riêng cho nghiên cứu AI.

Ngoài giới học thuật, Vương quốc Anh còn có lĩnh vực AI tư nhân phát triển mạnh. Các công ty công nghệ lớn như DeepMind, Swiftkey, Babylon Health và BenevolentAI được thành lập ở Anh và đang có những bước tiến vượt trội trong phát triển AI.

Israel
Israel đã đầu tư khoảng 11 tỷ USD vào các sáng kiến trí tuệ nhân tạo. Nước này hiện có hơn 1.100 công ty AI cốt lõi trong các lĩnh vực như tài chính, xe tự hành, an ninh mạng và chăm sóc sức khỏe. Các công ty khởi nghiệp của Israel đã thu hút hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm tập trung vào AI vào năm 2021.

Chính phủ Israel đã định hướng AI là ưu tiên quốc gia. Các trường đại học hàng đầu như Đại học Do Thái và Viện Công nghệ Technion đều có các trung tâm nghiên cứu AI quy mô lớn. Các công ty công nghệ lớn như Intel, Google, Microsoft, IBM và Amazon đều có trung tâm nghiên cứu AI ở Israel. Họ đang khai thác lực lượng lao động công nghệ tài năng của đất nước này.

Lực lượng Phòng vệ Israel cũng có các đơn vị AI chuyên biệt của riêng họ, tập trung vào thị giác máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và phân tích dự đoán. Quân đội là động lực tiến hành nghiên cứu các AI tiên tiến.

Israel đặt mục tiêu trở thành một cường quốc toàn cầu về AI. Nước này có một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ và các tài năng nghiên cứu để hỗ trợ các mục tiêu AI đầy tham vọng trong cả khu vực công lẫn tư.

Canada
Canada là một “ngôi sao đang lên” trong cuộc đua AI toàn cầu. Nước này đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD vào các sáng kiến trí tuệ nhân tạo. Mặc dù “chưa thấm vào đâu” so với các cường quốc AI như Mỹ và Trung Quốc, Canada vẫn nổi lên như một đối thủ đáng gờm trong một số lĩnh vực AI nhất định.

Phần lớn sức mạnh AI của Canada bắt nguồn từ trung tâm công nghệ sôi động ở Toronto-Waterloo, thường được gọi là “Thung lũng Silicon phía Bắc”. Khu vực này là nơi đặt trụ sở của các tổ chức nghiên cứu AI được công nhận trên toàn cầu như Viện Vector. Các gã khổng lồ công nghệ Google, Nvidia và OpenAI đều có các hoạt động AI lớn ở đó.

Canada công bố Chiến lược AI quốc gia vào tháng 3/2017, mang tên “Chiến lược AI Pan-Canada” trong 5 năm, với mức đầu tư 125 triệu đô la Canada (92 triệu USD) vào nghiên cứu và đào tạo tài năng AI. Nước này đã thành lập các viện nghiên cứu AI như Viện trí tuệ máy Alberta (Amii) và Viện trí tuệ nhân tạo Quebec (Mila) để tiến hành các hoạt động R&D tiên tiến.

Canada đặc biệt mạnh về các ứng dụng học sâu và học máy, với những người tiên phong về AI được công nhận trên toàn cầu như Yoshua Bengio và Geoffrey Hinton (đi đầu về kiến trúc mạng lưới thần kinh).

Sức mạnh của ngành công nghệ Canada trong các lĩnh vực như điện toán lượng tử cũng có thể mang lại lợi thế cho nước này trong việc phát triển các ứng dụng AI thế hệ tiếp theo. Mặc dù có thể thiếu ngân sách khổng lồ như Mỹ và Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận tập trung hơn của Canada có thể cho phép nước này giành được ưu thế trong một số lĩnh vực AI tiên tiến được chọn lọc.

Pháp
Tính đến năm 2022, Pháp đã đầu tư khoảng 7 tỷ USD vào các sáng kiến trí tuệ nhân tạo. Mặc dù con số này ít hơn đáng kể so với các cường quốc AI như Mỹ và Trung Quốc, nhưng Pháp có một số điểm mạnh giúp họ vươn lên trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về AI.

Cụ thể, Pháp có lĩnh vực công nghệ phát triển mạnh, nơi đặt các phòng thí nghiệm nghiên cứu AI lớn của các công ty như Google, Facebook và Samsung. Chính phủ cũng đã tài trợ cho các viện và trung tâm nghiên cứu AI mới.

Chính phủ Pháp đã công bố chiến lược AI quốc gia vào năm 2018, cam kết chi 1,6 tỷ USD trong 5 năm cho các sáng kiến nghiên cứu và đào tạo AI. Con số này bao gồm hơn 700 triệu USD cho nghiên cứu công và tư cũng như các chương trình học thuật mới về AI.

Pháp đặt mục tiêu trở thành “quốc gia AI” thông qua đầu tư vào các ứng dụng giao thông, chăm sóc sức khỏe và phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường. Các sáng kiến chính bao gồm cơ sở hạ tầng phương tiện tự động, công cụ chẩn đoán AI và tối ưu hóa hệ thống năng lượng.

Pháp có lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và đã đơn giản hóa quy trình cấp thị thực để thu hút nhân tài AI trên toàn cầu. Bốn trường đại học của Pháp được xếp hạng trong top 100 toàn cầu về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.

Mặc dù chưa đạt mức đầu tư như Trung Quốc và Mỹ, Pháp đã có những bước tiến trong việc phát triển hệ sinh thái AI thông qua tài trợ công-tư, các sáng kiến giáo dục và chiến lược quốc gia hướng dẫn phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Các quốc gia đáng chú ý khác
Một số quốc gia khác cũng đã đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển AI, mặc dù chưa tương xứng với mức chi tiêu của các quốc gia hàng đầu.

Đâu tiên phải kể đến Ấn Độ. Nước này đã cam kết đầu tư khoảng 8 tỷ USD vào nghiên cứu và ứng dụng AI trong vài năm tới. Ấn Độ coi AI là cơ hội để đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nông nghiệp và thành phố thông minh. Tuy nhiên, việc thiếu nhân tài AI và những hạn chế về cơ sở hạ tầng đặt ra nhiều thách thức.

Nhật Bản có kế hoạch đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào công nghệ AI, tập trung sử dụng AI trong các lĩnh vực như di động, sản xuất, bán lẻ và dịch vụ khách hàng. Nhật Bản phải đối mặt với những thách thức về nhân khẩu học mà AI có thể giúp giải quyết điều này.

Đức đã phân bổ khoảng 7 tỷ USD cho nghiên cứu và thương mại hóa AI. Nước này đang hướng tới các ứng dụng sáng tạo của AI trong các lĩnh vực như lái xe tự động và mong muốn xây dựng một trung tâm quốc tế về nghiên cứu AI. Nhưng Đức cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu chuyên gia AI.

Singapore đã cam kết khoảng 5 tỷ USD để hỗ trợ chiến lược “quốc gia thông minh” tập trung vào việc áp dụng AI. Quốc gia này coi AI là điều kiện tiên quyết để duy trì khả năng cạnh tranh kinh tế. Dù vậy, Singapore phải “nhập khẩu” hầu hết nhân tài AI do quy mô dân số nhỏ.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, nguồn dữ liệu khổng lồ và đầu tư lớn ở khu vực tư nhân, Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong cuộc đua AI toàn cầu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới