Tuesday, January 21, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNỗi lo của ASEAN?

Nỗi lo của ASEAN?

Ngày 29-5, Chính phủ Campuchia đã chính thức đổi tên đường vành đai 3 ở Phnom Penh thành “đại lộ Tập Cận Bình” để vinh danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc.

Đại lộ Tập Cận Bình ở Campuchia

Theo đó, đại lộ mang tên nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình được xây dựng với kinh phí 273 triệu USD, bằng nguồn vốn ưu đãi từ Trung Quốc là chủ yếu. Đại lộ này kết nối quốc lộ 4 ở quận Por Senchey, Phnom Penh với quận Kien Svay, tỉnh Kandal; dài tới 53km, bao gồm 4 cầu vượt và 8 cây cầu, đi qua 15km ở Phnom Penh và 38km ở tỉnh Kandal, do Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải của Trung Quốc thực hiện, khởi công từ tháng 1/2019 và được hoàn thành sau 4 năm.

Nghi lễ được phía Campuchia tiến hành một cách long trọng tại Cung Hòa bình ở thủ đô Phnom Penh, với sự tham dự của thủ tướng nước này, ông Hun Manet; thượng khách, không ai khác, là đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên.

Trên trang cá nhân, cùng với hoan nghênh sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc như một đóng góp to lớn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, ông Manet đã dành những ngôn từ tốt đẹp nhất để tôn vinh, tri ân ông Tập Cận Bình cũng như quốc gia láng giềng phương Bắc đối với đất nước Chùa Tháp: “Mối quan hệ Campuchia – Trung Quốc” có từ lâu đời và đã phát triển đến mức không thể tách rời. Mối quan hệ này thể hiện các giá trị của sự tin cậy lẫn nhau, đặc biệt là sự tin cậy về chính trị. Sự hỗ trợ của Trung Quốc không chỉ giúp phát triển kinh tế – xã hội ở Campuchia mà còn củng cố nền độc lập chính trị của đất nước…”.

Hình ảnh nhà lãnh đạo trẻ Campuchia nắm tay “sứ thần” của Bắc Kinh, cả hai cùng rạng rỡ khuôn mặt, ngập tràn báo chí và truyền thông khu vực, cho thấy Phnom Penh cũng như Bắc Kinh hoan hỷ tới mức nào; sự kiện này được dư luận quan tâm ra sao.

Việc lấy tên một danh nhân nước ngoài đặt tên cho các con đường lớn ở thủ đô Phnom Penh từng có tiền lệ. Năm 1965, Quốc vương Campuchia khi đó là ông Norodom Sihanouk (1922 – 2012) – một người thân thiết với Trung Nam Hải từ giữa những năm 1950 của thế kỷ trước – đã lấy tên Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đặt cho một con đường lớn ở Phnom Penh. Cùng thời điểm này, Phnom Penh còn có các đại lộ mang tên cố thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, thủ tướng Pháp Charles de Gaulle, và cả lãnh tụ Triều Tiên Kim Il Sung (Kim Nhật Thành).

Tuy nhiên, các sự kiện trên, thời đó không thể thu hút sự quan tâm của dư luận như trường hợp đổi tên đường vành đai 3 thành đại lộ Tập Cận Bình. Nhiều người cho rằng, thời đó, truyền thông hạn chế, dù muốn, Campuchia và các quốc gia có nhân vật được Phnom Penh vinh danh cũng không thể làm cho sự kiện trở nên đình đám hơn.

Phản biện lại, không ít người nhìn vấn đề ở giác độ khác.

Thứ nhất, về tầm vóc và quy mô, đại lộ Tập Cận Bình đang là con đường quy mô, dài, hiện đại nhất ở Campuchia. Riêng việc đó đủ chứng tỏ Phnom Penh dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc sự tôn vinh đặc biệt.

Thứ hai, việc đổi tên đường diễn ra trong thời kỳ quan hệ Campuchia – Trung Quốc mặn nồng khăng khít nhất.

Về kinh tế, chỉ riêng việc 2/3 tổng vốn đầu tư vào Campuchia hiện nay đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đủ thấy, vai trò của Bắc Kinh quan trọng như thế nào với “xứ sở Chùa Tháp”.

Từ cách đây hàng chục năm, viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia được cho là “vô điều kiện”. Hầu như lĩnh vực nào: công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, giao thông…, bóng dáng nhà đầu tư Trung Quốc cũng hiển hiện đậm nét. Theo số liệu công bố năm 2023 của Ngân hàng Quốc gia Campuchia, tính tới tháng 3 năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư vào nước này tới hơn 20,4 tỷ USD, và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất. Dữ liệu hải quan Campuchia cho thấy, tổng thương mại hai chiều Campuchia – Trung Quốc năm 2023 đạt tới 12,2 tỉ USD…

Bất chấp cảnh bảo về “bẫy nợ”; và trong thực tế, từng có công trình Campuchia ưu ái cho nhà đầu tư Trung Quốc thành “thành phố ma” (như một số công trình ở tỉnh Sihanoukville; dự án một sân bay được dự kiến xây dựng ở tỉnh Mondulkiri, gần biên giới với Việt Nam), các chuyên gia quốc tế tin, về ngắn hạn, Trung Quốc vẫn là lựa chọn khó thay thế cho tham vọng phát triển kinh tế của Phnom Penh.

Về chính trị, việc ông Hun Manet, ngay sau nhậm chức tuyên bố tiếp tục chính sách đối ngoại của chính phủ tiền nhiệm (do cha ông làm thủ tướng), đã thực hiện chuyến công du chính thức đầu tiên tới Trung Quốc cùng kết quả hai bên thống nhất thắt chặt quan hệ vì một tương lai chung với việc xây dựng “Cộng đồng Campuchia – Trung Quốc”, cho thấy sự coi trọng đặc biệt của Phnom Penh với Bắc Kinh.

Mới nhất, tại buổi tiếp ông Shohrat Zakir – phó ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 14 tại trụ sở Thượng viện Campuchia ngày 23-5, trong cương vị Chủ tịch Thượng viện Campuchia, ông Hun Sen đã long trọng cam kết: “Tôi đã đề nghị những người bạn Trung Quốc của chúng tôi hãy coi Campuchia là người bạn đáng tin cậy. Trung Quốc có thể yên tâm rằng việc thay đổi thủ tướng Campuchia không làm thay đổi lập trường của Campuchia trong quan hệ với Trung Quốc”…

Như vậy, việc Phnom Penh thực hiện nghi lễ đổi tên đường vành đai 3 ở Phnom Penh thành “đại lộ Tập Cận Bình” là điều phải đến. Ngoài sự tôn vinh đặc biệt, có thể coi sự kiện trên một lần nữa thể hiện thông điệp về sự trung thành tuyệt đối của “người em” Campuchia đối với “người anh” Trung Quốc vậy.

Nếu sự trung thành đó chỉ có ý nghĩa trong bang giao hai nước thì hẳn đã không thành sự kiện ầm ĩ trong dư luận. Nhưng điều đó khó xảy ra khi Campuchia đang là con nợ khổng lồ của Trung Quốc.

Thế nên, trong khi Campuchia đang hồ hởi với sự kiện tôn vinh ông Tập Cận Bình, thì các nước ASEAN lại lo lắng về việc Phnom Penh sẽ tiếp tục cất lên những tiếng nói khác biệt, thậm chí cản trở, khi ASEAN bàn về những vấn đề liên quan đến lợi ích chung, nhất là vấn đề Biển Đông.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới