Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhông quân Việt Nam có “xe tăng bay” Il-2

Không quân Việt Nam có “xe tăng bay” Il-2

Khi nói về câu chuyện bí mật quân sự của Việt Nam, quả thật phải ca ngợi rằng đúng là tài, tài thật sự. Có nhiều thứ mua công khai mà không ai biết, chẳng ai hay, chưa nói tới câu chuyện viện trợ trước năm 1991 mà điển hình là khẩu pháo tự hành chống tăng ASU-85 chẳng hạn. Kể mà không phá niêm, đem ra sau bao năm thì đến cả thế giới cũng bó tay, vì không có bất cứ tài liệu nào từ Nga ghi nhận việc Liên Xô gửi ASU-85 cho Việt Nam.

Máy bay Il-2.

Mới đây lại có thêm một bí mật quân sự Việt Nam được giải khai sau gần một thế kỷ giấu mặt qua một câu chuyện được các bác cựu chiến binh của lực lượng không quân ở cái tuổi đã gần đất xa trời chia sẻ. Vừa qua, Báo Quân Đội Nhân Dân đã tổ chức buổi giao lưu “hành trình trinh phục bầu trời” nhân kỷ niệm 65 năm Trung đoàn Không quân Vận tải 919, đơn vị bay vận tải quân sự đầu tiên của Việt Nam được thành lập mà nay hậu duệ của Đoàn Bay 919 chính là Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines) và các trung đoàn trực thăng.

Với tư cách là Đoàn Bay Vận Tải có số má trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Dĩ nhiên, phần nhiều câu chuyện được chia sẻ sẽ xoay quanh tới chiến công của đơn vị trong việc vận chuyển hàng hóa, cán bộ chiến sĩ đáp ứng yêu cầu của các chiến dịch quy mô lớn. Dẫu vậy, ẩn sau bạt ngàn câu chuyện về một thời hào hùng, lại có thông tin có thể nói là lần đầu tiên được biết tới, nghe tới tại Việt Nam. Đó là câu chuyện kể về truyện học bay của Bác Phạm Huy Vận, nguyên Phó Đoàn Trưởng Đoàn Bay 919, là lớp phi công thứ ba của Trung Đoàn Không Quân Vận Tải 919, tốt nghiệp năm 1968 cho biết: lúc đó nước ta đang trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, lớp học phi công vừa học vừa sơ tán và tìm chỗ trú ẩn tránh bom. Đặc biệt, những mô hình học về bay là không có nên phải vừa học vừa tưởng tượng lại những lời dạy từ kinh nghiệm của phi công đi trước mà thực hành. Phi công quân sự giai đoạn đó gặp phải rất nhiều tình huống bất ngờ chưa được huấn luyện nhưng vẫn phải vượt qua.

Khi đối mặt với khoảnh khắc sinh tử, phi công phải bình tĩnh để mà tự xử lý. Ngày ấy, khoa học công nghệ chưa phát triển, dòng máy bay cường kích Ilyushin Il-2 của Liên Xô chế tạo không có điều hòa, nhà vệ sinh. Bay càng cao thì càng bị tác động bởi nhiệt độ bên ngoài, càng rét và lạnh. Có lúc, tay chạm vào thành máy bay mà như cảm giác bị điện giật, do không có radar dẫn đường, có đám mây là mặc nhiên chui vào khi nào thấy ánh sáng thì lại bay ra. Thậm chí, có lần đang bay nhìn ra ngoài thấy cánh quạt đứng yên vì lạnh quá nên động cơ bị chết. Lúc đó, phi công xử lý bằng cách cầm vào tay ga, lắc đi lắc lại một chút, động cơ sẽ chạy lại. Ông Vận hồi tưởng, các bạn có nghe rõ chuyện lần đầu tiên không ?

Tại sao lại có Ilyushin Il-2 ở đây thế nhỉ? Lịch sử Không Quân Nhân Dân Việt Nam về mặt công khai chưa bao giờ có sự tồn tại của một dòng máy bay như Ilyushin Il-2. Chính xác thì ta từng sử dụng máy bay quân sự của Ilyushin, nổi bật nhất là dòng máy bay ném bom chiến thuật Il-28. Tuy nhiên, đó là một dòng máy bay ném bom sử dụng động cơ phản lực. Còn Il-2 là dòng máy bay cường kích cánh quạt và được biết tới nhiều hơn trên thế giới với biệt danh “xe tăng bay” huyền thoại, là cơn ác mộng của phát xít Đức trên chiến trường.

Thậm chí ngày nay, sự nổi tiếng của Il-2 còn lan tới các hãng game khi có riêng một game mô phỏng về Il-2, chắc tôi không cần phải nói gì thêm về lịch sử của Il-2 với cộng đồng đam mê quân sự phải không ạ? Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng sự liên quan của Il-2 tới Không Quân Việt Nam thì không ai biết, cho tới phát biểu của Bác Vận vào ngày 23/4, quá là đáng kinh ngạc, quá nhiều bí mật không thể tưởng tượng nổi.

Chỉ có điều đúng với bí mật cho tới nay, ngoài lời nói của Bác Vận, khó mà chứng minh bằng hình ảnh về sự tồn tại của máy bay cường kích IL-2 trong không quân Việt Nam. Thực tế là chưa bao giờ có một bức ảnh tư liệu nào cũng như bất cứ tài liệu nào đối chứng từ phía Nga về sự tồn tại của IL-2 ở Việt Nam. Thực ra, để biết chính xác quan hệ của IL-2 với Việt Nam, cần phải hỏi lại chính bác Vận, người tiết lộ câu chuyện này. Chỉ có điều, Bác chỉ kể tới đâu phần còn lại thì không thấy nữa.

Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm về trước, chúng tôi cũng gặp một bối cảnh tương tự trong câu chuyện với Trung tướng Phan Thu, Nguyên Tư lệnh Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế. Khi đó, cả nhóm đang nghe câu chuyện của ông với cuộc chiến điện tử vạch nhiễu bắt B-52. Đến gần trưa, trời Ba Đình mát mẻ, gió hưu hưu thổi cả nhóm buồn ngủ ríu cả mắt. Đột nhiên, ông chuyển câu chuyện, kể về chuyện tăng tầm tên lửa đạn đạo Scat từ 300 đến 500 cây, rồi 700 cây và đang dự tính chế tạo tên lửa đạn đạo thì Mỹ gây sức ép, buộc phải dừng kế hoạch. Cả nhóm tỉnh như sáo, đang muốn hỏi thêm thì ông trở lại câu chuyện cũ. Biết đâu câu chuyện ngắn của ông Vận cũng có ý giúp cánh phóng viên nhà đài tỉnh ngủ.

Đúng là bí mật, chỉ biết mỗi cái tên thôi cũng đã là vô cùng quý giá rồi, phần còn lại, đừng có mà mơ. Thành ra, sau câu chuyện ngắn của bác Vận, thật khó để chúng tôi có thể tìm kiếm thêm điều gì chế với chút ít dữ kiện như trên. Thay vào đó, hãy cùng chúng tôi đảo qua một chút về lịch sử, tính năng của huyền thoại xe tăng bay Ilyushin IL-2 của Liên Xô.

Như đã đề cập ở trên, IL-2 là một trong những dòng máy bay chiến đấu đã đi vào huyền thoại hàng không thế giới. Không chỉ về số lượng chế tạo mà còn vì nó có một vai trò quan trọng trên chiến trường. Đến nỗi, khi một nhà máy sản xuất máy bay IL-2 chậm tiến độ, lãnh tụ Stalin đã gửi một thông điệp cho lãnh đạo nhà máy trong đó nhấn mạnh chúng quan trọng với Hồng Quân như không khí và bánh mì. Thế để thấy danh xưng huyền thoại của IL-2 không phải là viển vông nói quá mà sự thật nó là như vậy.

Được biết, theo các tài liệu lịch sử công khai IL-2 do cuộc thiết kế Ilyushin phát triển vào cuối thập niên 30, đáp ứng vai trò tấn công mặt đất, yểm trợ bộ binh và xe tăng, đi vào sản xuất từ năm 1941, giữa lúc cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ dữ dội. Thế mà, các nhà máy ở Liên Xô vẫn chế tạo được 36.183 chiếc IL-2. Và nếu kết hợp với phiên bản kế nhiệm gọi là IL-10 thì tổng số lượng dòng máy bay này phải lên tới 42.330 chiếc.

Điều đó khiến IL-2 trở thành kiểu máy bay quân sự được chế tạo với số lượng lớn nhất trong lịch sử hàng không. Còn nếu tính cả dòng máy bay dân dụng thì IL-2 chỉ đứng thứ hai thế giới sau dòng Cessna 172 và PL-2.

Với số lượng khổng lồ như vậy, bất chấp việc Hồng Quân mất tới 26.600 chiếc IL-2 trong 5 năm chiến sự, trong đó có khoảng một nửa bị quân Đức bắn hạ, thì những chiếc IL-2 và Hồng Quân vẫn là người chiến thắng. Rốt cuộc, một cuộc chiến tranh thường được quyết định bởi nguồn lực của mỗi bên, ai nhiều hơn, duy trì được lâu hơn thì người đó sẽ thắng. Nhưng nghe con số thì thật là kinh khủng, gần 27.000 chiếc IL-2 bị bắn hạ. May là thời đó chưa có mạng xã hội, chiến tranh chưa được tường thuật trực tiếp, chứ nếu không, dân tình chắc phát khiếp.

Nói vui vậy thôi, chứ thực ra, chiến tranh luôn đi kèm với thiệt hại, chỉ là nhiều hay ít mà thôi. Đôi khi, đem ra ít thì mất ít, đem ra nhiều thì mất nhiều. Không có thứ vũ khí nào được gọi là bất bại, chỉ là hiệu quả của nó có thể đem lại trên chiến trường mà thôi.

Về thiết kế của IL-2, về cơ bản, nó tuân theo truyền thống thiết kế của máy bay động cơ cánh quạt thời chiến tranh thế giới thứ hai, nó có chiều dài 11,65 m, sải cánh 14,6 m, cao 4,17 m, trọng lượng 4,4 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 6,36 tấn. Nó được trang bị động cơ piston AM-38F với cánh quạt ba chấu có đường kính 3,6 m. IL-2 đạt tốc độ tối đa 410 km/h ở độ cao 1500 m, tầm bay cực đại 765 km với tốc độ trung bình 275 km/h, thời gian hoạt động liên tục 2,75 tiếng, trần bay chiến đấu tối đa 4525 m. Nếu chỉ đọc thông số thì chỉ có vậy, nhưng điểm nổi bật của IL-2 không phải là ở câu chuyện bay nhanh mà đúng với tiêu chuẩn của máy bay cường kích từ lịch sử tới hiện tại, bộ giáp của nó được ca ngợi hết lời.

Với vai trò là máy bay tiến công mặt đất trên tiền tuyến, yểm trợ hỏa lực trực tiếp cho bộ binh, hầu như mọi máy bay cường kích từ quá khứ tới hiện tại đều phải hoạt động tác chiến ở độ cao thấp tới cực thấp, bổ nhào tấn công mục tiêu mà như vậy sẽ khiến máy bay cường kích phải hứng chịu hỏa lực phòng không như mưa của đối phương, nhất là súng bộ binh, đại liên, pháo cao xạ.

Do đó, các máy bay cường kích thường phải được bọc giáp để tăng khả năng sống sót. Với IL-2, trọng lượng rỗng của loại máy bay này là 4,5 tấn, với lớp vỏ giáp nặng 700 kg, chiếm khoảng 15% trọng lượng. Bộ giáp 700 kg này được phân bổ để bảo vệ buồng lái, động cơ, bộ tản nhiệt và thùng nhiên liệu. Lớp giáp bọc động cơ và buồng lái dày từ 5 – 12 mm, có khả năng chống được các loại đạn súng máy.

Quá trình tham chiến, các kỹ sư Liên Xô còn sáng tạo một lớp vỏ bằng vật liệu tổng hợp để bảo vệ phần đuôi. Khi đạn va chạm với lớp vỏ tổng hợp, quân Đức tưởng rằng họ đã bắn hạ IL-2, thực tế vỏ thép bên trong máy bay vẫn nguyên vẹn và vẫn bổ nhào tấn công đều đều. Tổng kết lịch sử cho thấy đã có hàng trăm chiếc IL-2 trở về sân bay với hàng chục vết đạn chi chít. Tuy nhiên, nhờ lớp vỏ được thiết kế rời và nhẹ, chỉ trong một ngày, những người thợ máy có thể thay vỏ mới và vá lại mọi lỗ thủng.

Tất nhiên, với một chiếc xe tăng, kể cả là xe tăng bay đi chăng nữa, vỏ giáp dày thì cần một bộ vũ khí tốt. IL-2 có cả hai thứ này. Các mẫu ban đầu của IL-2 được trang bị pháo 20 mm, rồi 23 mm, đến đầu năm 1943 là pháo 37 mm. Với xe tăng thời bấy giờ, pháo 20-37 mm đã là quá sức nguy hiểm, có thể dễ dàng xuyên thủng, xe tăng hạng trung tới hạng nặng. Bên cạnh đó, ở các điểm treo trên cánh, IL-2 còn được trang bị 8 quả rocket 82 mm RS-82 hoặc bốn đạn RS-132 cỡ 132 mm, đạt tầm bắn 7,1 km.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế, hiệu quả sử dụng đạn rocket trong tác chiến khá thấp, chủ yếu là do độ chính xác kém, dù uy lực mỗi quả đạn đủ sức phá hủy các xe tăng, xe bọc thép.

Từ năm 1943, IL-2 có thêm bom chống tăng mini PTAB. Loại này có trọng lượng 1,5 kg, chứa nửa kg thuốc nổ, với hiệu ứng nổ lõm có thể xuyên 70 mm thép. Nó đặc biệt nguy hiểm do được ném vào từ trên cao xuống nóc xe tăng, nơi có vỏ giáp rất mỏng, không một loại xe tăng nào thời đó có giáp nóc chống được PTAB. Theo thiết kế, IL-2 có khả năng mang theo tới 220 quả bom PTAB trong bốn khoang chứa bom hoặc trong bốn thùng chứa bom gắn ngoài, mỗi thùng 48 quả.

Khi sử dụng bom PTAB, một chiếc IL-2 có thể tấn công kiểu ném bom giải thảm khi bay ngang với tốc độ 360 km/h ở độ cao 200 m, chỉ trong vòng vài giây, IL-2 có thể giải 200 đến 300 quả bom, tạo thành một vệt bom dài hơn 300 m. Trong vệt bom đó, trung bình cứ 15 m2 sẽ có một quả bom rơi xuống, với mật độ bom rơi dày đặc như vậy thì những mục tiêu nằm trong phạm vi giải bom rất khó có thể sống sót. Do có hiệu quả cao, bom PTAB được sử dụng với số lượng rất lớn. Cuối năm 1943, đã có 1,17 triệu quả bom PTAB được sử dụng. Năm 1944, đã có hơn 5 triệu quả được sử dụng và chỉ tính riêng trong bốn tháng đầu năm 1944, đã có 3,24 triệu quả bom PTAB được sử dụng.

Một trong những trận đánh nổi tiếng với bom PTAB là vào ngày 5/7/1943 trong khuôn khổ trận Vòng Cung Quốc. Trong trận này, các máy bay IL-2 thuộc Sư đoàn Không quân 29 đã sử dụng bom PTAB để phá hủy hoặc đánh hỏng tới 30 xe tăng Đức chỉ trong vòng 24 tiếng. Vệt giải bom PTAB dài gần 300 m, đủ để quét trúng hai đến ba chiếc xe tăng chạy cách xa nhau 60 -75 m. Ngày hôm sau, Lữ đoàn Không quân số 3 và số 9 thuộc Quân đoàn 17 báo cáo đã dùng bom PTAB phá hủy, đánh hỏng 90 xe tăng, xe bọc thép của quân địch. Rồi ngày 15/7, bốn chiếc IL-2 đã ném 1190 quả bom vào đội hình 25 xe tăng của Đức, phá hủy bảy chiếc, bao gồm bốn chiếc Tiger 1 đắt tiền.

Ngoài các vũ khí tiến công mặt đất, IL-2 còn có một loại vũ khí để phòng không. Dĩ nhiên, không phải là tên lửa không đối không hiện đại mà đó là một ụ súng máy 12.7 ly với xạ thủ ngồi quay lưng với ghế của phi công chính để phòng chống tiêm kích bám đuôi. Ụ súng máy này tỏ ra có hiệu quả trong cuộc chiến không đối không. Chỉ riêng quá trình thử nghiệm vào tháng 10/1942, các xạ thủ đuôi đã hạ bảy chiếc BF-109.

Đặc biệt, tháng 2/1945, phi công xuất sắc nhất của người Đức, Otto Kittel, người đã giành 267 chiến thắng trên không, đã bị một xạ thủ IL-2 bắn hạ, hưởng dương, 27 tuổi. Do vậy, xạ thủ đuôi không được bảo vệ tốt, thành ra họ phải chịu tỉ lệ thương vong cao gấp bốn lần phi công lái máy bay.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, IL-2 đã có một thời gian phục vụ trong không quân một số anh em xã hội chủ nghĩa, bao gồm Hungary, Bulgaria, Mông Cổ, Tiệp Khắc, Ba Lan, Nam Tư, nhưng không còn tham chiến. Cho tới cuối thập niên 50 hầu như tất cả đã được cho nghỉ hưu.

Xin nhắc lại, tất cả các tài liệu lịch sử nước ngoài tới giờ đều không có bất cứ thông tin nào về việc IL-2 từng được viện trợ cho Việt Nam. Đó quả thực là một điều vô cùng bí ẩn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới