Saturday, September 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiShangri-La 2024: bẽ mặt ai?

Shangri-La 2024: bẽ mặt ai?

Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 khai mạc ngày 31/5, và diễn ra trong 3 ngày tại Singapore. Đúng như dự đoán của dư luận, Philippines đã tận dụng diễn đàn này như một cơ hội để…làm bẽ mặt Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Marcos phát biểu tại Shangri-La 21

Đối thoại Shangri-La (Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á), do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS), trụ sở tại Anh, tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore. Hội nghị là nơi để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh, chuyên gia, học giả thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và lắng nghe, nghiên cứu, nắm bắt chiến lược của từng quốc gia.

Một năm trôi qua. Trong khi dư âm của Shangri-La lần thứ 20 còn chưa chấm dứt, thì đã Shangri-La lần thứ 21 diễn ra. Cho dù, trong cái list (danh sách) chương trình nghị sự có nhiều thay đổi, thì vẫn còn lại đó, những vấn đề, câu chuyện mà hơn 500 đại biểu tham dự Shangri-La lần thứ 20 đã bàn.

Tại sao vậy? Dễ hiểu, thời gian trôi qua 365 ngày, nhưng nhiều vấn đề, câu chuyện chưa hề cũ. Thậm chí, có chuyện cũ còn “nóng” hơn, như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cuộc chiến Ukraine, eo biển Đài Loan, Biển Đông…

Biển Đông – tất nhiên rồi. Không những không thể thiếu, chắc chắn nó còn phải là một trong những vấn đề đầu “list” nội dung, như dự đoán của dư luận.

Cơ sở cho dự đoán này ư? Thì đấy: những diễn biến mới nhất trong khu vực phản ảnh cạnh tranh ảnh hưởng không khoan nhượng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á nói riêng, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung; là tiếng ùng oàng của đại bác và tên lửa từ những cuộc tập trận riêng, chung của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Việt Nam; là những cuộc va chạm, gây hấn trên biển mà Trung Quốc nhằm vào Philippines, Việt Nam, Indonesia; là những “sự bất an về những ‘tình huống quân sự mất kiểm soát’ trong hoạt động tương tác của quân đội Mỹ với quân đội Trung Quốc trên biển và trên không” như cách mà Lầu Năm Góc diễn ngôn để hạ thấp tính chất nghiêm trọng của nó.

Đành là mỗi nước mỗi khác, nhưng Philippines hẳn là quốc gia trĩu nặng tâm can nhất. Cứ nhìn nhà lãnh đạo Philippines Ferdinand Marcos Jr thì biết: cũng là một chuyến công du mà gương mặt tuyền những u ám.

Vì sao? Cả thế giới đều thấy, những tháng qua, trên Biển Đông, nước này đã bị Trung Quốc hành hạ như thế nào trên Biển Đông, nhất là tại bãi Cỏ Mây, bãi cạn Scaborough.

Tuy nhiên, càng thế, Manila càng phải xem diễn đàn Shangri-La lần thứ 21 là cơ hội để cất lên tiếng nói dõng dạc, cứng rắn nhằm thể hiện bản lĩnh; để tố cáo hành vi cường quyền và bạo ngược, coi thường công pháp quốc tế; để báo động ở mức độ cao hơn về những diễn biến căng thẳng trên thực địa…

Cơ hội càng như nhân lên với việc tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr được “phân công” phát biểu đề dẫn Hội nghị. Trọng trách đó cho phép ông Marcos thể hiện chủ kiến của Philippines về những vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó nội dung liên quan Biển Đông hẳn phải là điểm nhấn.

Dư luận đã có dịp kiểm nghiệm phân tích mang tính dự đoán của mình qua bài phát biểu ấn tượng của nhà lãnh đạo Philippines. Sau phần mở đầu khẳng định Philippines được hình thành dựa trên các điều luật quốc tế và do đó nước này luôn thượng tôn pháp luật, ông Marcos nêu lên một loạt thách thức đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hiện nay, trong đó có thách thức đến từ các nỗ lực làm xói mòn niềm tin và các chuẩn mực quốc tế; thách thức từ cạnh tranh Mỹ – Trung làm trầm trọng thêm các điểm nóng; thách thức đang đe dọa tới sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN…

Liên quan câu chuyện Biển Đông, dư luận đặc biệt chú ý quan điểm của ông Marcos nhấn mạnh rằng: Philippines cam kết giải quyết và quản lý các vấn đề khó thông qua đối thoại và ngoại giao; cam kết giải quyết và quản lý các vấn đề khó thông qua đối thoại và ngoại giao; và đặc biệt, Manila coi “Công ước Liên hợp quốc về luật biển UNCLOS 1982 và Phán quyết Trọng tài năm 2016 mang lại nền tảng vững chắc cho việc giải quyết và quản lý tranh chấp một cách hòa bình”.

Đồng thời với thể hiện mong muốn một tương lai cho Biển Đông là “một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, nhà lãnh đạo Philippines cảnh báo: “Thật không may, tầm nhìn này cho đến nay vẫn còn là một thực tế xa vời. Các hành động vi phạm chủ quyền tiếp tục diễn ra. Nỗ lực áp dụng luật pháp và quy định trong nước ra bên ngoài lãnh thổ là vi phạm luật pháp quốc tế, làm trầm trọng thêm căng thẳng và làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực.”

Không một lời chỉ trích, phê phán trực tiếp Trung Quốc. Khéo hơn nữa, ông Marcos còn ràng trách nhiệm giữ gìn an ninh, ổn định khu vực cho cả cặp đôi Trung Quốc, Mỹ. Tuy nhiên, không khó để nhận ra, những ngôn từ vẻ như ôn hòa kia chất chứa nhiều phẫn nộ; và đích chính của nó, không thể là ai khác ngoài Trung Quốc.

Vì sao? Vì một thực tế rằng: trong khi Philippines coi đối thoại để giải quyết các vấn đề khó, thì Trung Quốc gây hấn ngang ngược; trong khi Philippines coi UNCLOS 1982 và Phán quyết Trọng tài 2016 (PCA) là nền tảng, thì Trung Quốc sỗ sàng gạt phắt Phán quyết của PCA, quyết tâm giữ yêu sách “đường 9 đoạn” trên Biển Đông của mình…, đã trả lời cho câu hỏi đó. Và nữa, sau những sóng gió trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte, thời điểm này, quan hệ đồng minh Mỹ và Philippines đã mặn nồng trở lại.

Chắc chắn, khi đang đăng đàn, ông Marcos không thể không quan tâm tới phản ứng của ông Đổng Quân, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều ngươi tin rằng, dù ông gương mặt của ông Đổng cau có hay bình thản, thì bằng bài phát biểu ấn tượng này, nhà lãnh đạo Philippines cũng đã “ghi điểm” trước hơn 550 đại biểu nhiều quốc gia tham dự, đồng thời, làm bẽ mặt đại diện Trung Quốc trước một diễn đàn cấp cao về quốc phòng được khẳng định là quan trọng bậc nhất khu vực.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới