Dường như bị tụt lại phía sau trong phát triển vũ khí siêu thanh, Mỹ đang muốn hợp tác với Nhật Bản để phát triển hệ thống phòng thủ loại vũ khí tiên tiến này.
Theo Breaking Defense, Washington và Tokyo vào ngày 15/5 vừa qua đã ký một thỏa thuận chính thức để cùng phát triển Dự án Phát triển Hợp tác Đánh chặn Pha Lượn (Glide Phase Interceptor, GPI).
Theo thỏa thuận này, Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm sản xuất động cơ tên lửa và các cấu kiện đẩy dùng cho thiết bị đánh chặn, được sử dụng để bắn hạ vũ khí siêu thanh (Hypersonic Glide Vehicle, HGV) của đối phương trong giai đoạn lượn. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chương trình chung sẽ tiến triển theo thời gian và cuối cùng sẽ cung cấp khả năng phòng thủ khu vực, trở thành một phần của cấu trúc phòng thủ tổng thể chia theo từng lớp.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (Missile Defense Agency, MDA) của Mỹ được giao chủ đạo phát triển tổng thể dự án này và dự kiến sẽ chọn tập đoàn công nghiệp quân sự khổng lồ Northrop Grumman hoặc Raytheon Technologies (RTX) làm nhà thầu chính. Tại Nhật Bản, ông Yonekura Kazuya – Giám đốc Cục Quản lý dự án tên lửa của Bộ Quốc phòng Nhật Bản – cho biết Nhật Bản sẽ trao hợp đồng cho dự án này trước tháng 3 năm 2025.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Breaking Defense hôm 22/5, ông Yonekura Kazuya tiết lộ: “Đối với các công ty Nhật Bản tham gia dự án GPI, chúng tôi sẽ tiến hành đấu thầu rộng rãi và sau đó mới trao hợp đồng”. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ công ty nào dự kiến sẽ tham gia đấu thầu.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản không cho biết liệu có nhiều công ty tham gia đấu thầu hay không. Người phát ngôn của Bộ này chỉ cho biết: “Chúng tôi sẽ chọn một công ty thông qua đấu thầu công khai vào thời điểm thích hợp”.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch chi 75,7 tỉ yen (khoảng 480 triệu USD) cho dự án GPI trong năm tài chính này. Một công ty được coi là đối tượng tham gia tiềm năng là Mitsubishi Heavy Industries (MHI), nhà thầu quốc phòng lớn nhất Nhật Bản.
MHI đã đưa ra sơ đồ khái niệm về GPI trong báo cáo chiến lược kinh doanh quốc phòng vào tháng 11/2023 và liệt kê đây là một trong những dự án đáng quan tâm nhất. Người phát ngôn của Mitsubishi Heavy Industries đã xác nhận công ty quan tâm đến dự án GPI nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Nếu Northrop Grumman giành được hợp đồng chính, công ty có kế hoạch chia sẻ một nửa công việc với Nhật Bản. Jonathan Welch, Giám đốc phát triển kinh doanh phương tiện phóng của Northrop Grumman cho biết: “Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với Nhật Bản và Cơ quan Phòng thủ Tên lửa MDA trong một năm rưỡi qua để xác định việc phân bổ công việc”.
Mặc dù chính phủ Mỹ áp đặt các hạn chế đối với một số công nghệ GPI, Jonathan Welch cho biết các nhà thầu chính GPI tiềm năng có thể đàm phán các điều khoản phân bổ công việc cụ thể với các công ty Nhật Bản. Ông Welch lưu ý rằng Nhật Bản có “thành tựu xuất sắc” trong một số lĩnh vực phát triển phòng thủ tên lửa, nhưng có những lĩnh vực công nghệ khác mà nước này cần cải thiện năng lực sản xuất và phát triển công nghệ. “Chúng tôi tin rằng thỏa thuận hợp tác phát triển này sẽ phát huy tối đa thế mạnh của cả hai lĩnh vực”.
Raytheon Technologies và Northrop Grumman được giao nhiệm vụ phát triển GPI vào tháng 6/2022, sau khi đối thủ là hãng Lockheed Martin bị loại bỏ trước đó. Dự án đã bước vào giai đoạn “phát triển công nghệ” hồi tháng 4/2023.
Cách đây một tháng, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) đã quyết định đẩy nhanh toàn bộ quá trình dự án lên 5 năm, tức là chọn một nhà thầu duy nhất trong năm nay (2024) và dự kiến việc triển khai hệ thống này sẽ được thực hiện vào năm 2035.
T.P