TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế – tài chính cho rằng, lãi suất tăng sẽ không có nhiều tác động đến thị trường bất động sản thời điểm hiện tại. Bởi, thị trường bất động sản hiện nay khác với thời điểm trước đây ở mặt bằng giá.
Thời gian gần đây, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng trở lại. Cụ thể, sáng 3/6, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã tăng lãi suất huy động thêm 0,3%/năm với các kỳ hạn từ 1 – 12 tháng. Theo đó, lãi suất mới nhất kỳ hạn 1-2 tháng là 2%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 2,3%/năm và kỳ hạn 6-11 tháng là 3,3%/năm. VietinBank giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại. Kỳ hạn 12-18 tháng là 4,7%/năm và kỳ hạn 24-36 tháng là 5%/năm.
Cũng trong sáng 3/6, biểu lãi suất tiết kiệm của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TP Bank) cũng chính thức điều chỉnh tăng mạnh tại tất cả các kỳ hạn với mức trung bình từ 0,3 – 0,4%/năm.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm với kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng thêm 0,4%, lên mức lần lượt là 3,2%/năm và 3,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 3 – 4 tháng cũng được điều chỉnh tăng 0,4% lên mức 3,5%/năm. Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,3% lên 4,1%/năm. Cùng mức tăng 0,3 điểm phần trăm, các khoản tiền tại kỳ hạn 9 tháng được ấn định mức lãi suất là 4,3%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 18 tháng tăng 0,3% lên 5,4%/năm. Còn lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 36 tháng tăng 0,4% lên mức 5,7%/năm.
Thực tế, từ năm 2022, khi lãi suất huy động liên tục tăng cao kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư bất động sản có phần e ngại xuống tiền, khiến thị trường rơi vào trầm lắng.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng bối cảnh thị trường bất động sản đã khác, giá không còn cao nên sẽ không bị tác động tiêu cực như thời điểm trước.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế – tài chính cho rằng, lúc lãi suất huy động giảm thị trường bất động sản còn không có xung lực tăng trưởng thì lúc lãi suất tăng cũng sẽ không có nhiều tác động đến thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản hiện nay khác với thời điểm trước đây ở mặt bằng giá.
“Thị trường hiện giờ đã qua thời mua cao bán cao, lý do là giá đã được đẩy lên quá cao rồi. Mức giá cao nhưng giá trị khai thác trên bất động sản đó lại thấp. Đối với nhà đầu tư cá nhân thực tế vẫn còn chùn tay khi xuống tiền vào nhà đất, chưa có niềm tin vào sự phục hồi của thị trường nên mua bán nhà đất vẫn ít giao dịch. Trong khi đó, nhà đầu tư nhà đất lướt sóng không dám xuống tiền, còn nhà đầu tư nhà đất trung hạn vẫn còn quan sát”, ông Hiển nói.
Do đó, theo ông Hiển, dù lãi suất huy động có biến động nhưng cũng không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Nhận định về triển vọng năm 2024, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, xét trong bối cảnh kinh tế thế giới có sự phục hồi, xuất khẩu ổn định và nền kinh tế thị trường nội địa thuận lợi hơn,…, kịch bản thị trường bất động sản tan băng khá rõ nhưng sẽ tập trung ở khu vực dân cư đô thị, vùng có thể đầu tư khai thác được. Lúc này, mặt bằng giá sẽ giảm hoặc đi ngang, không có chuyện tăng.
Bên cạnh đó, theo ông Hiển, trong năm nay, khả năng dòng tiền nhàn rỗi quay lại thị trường bất động sản sẽ không cao. Rất nhiều người ôm đất hiện nay đang phải gồng lãi vay ngân hàng từng ngày. Đồng thời, thị trường sẽ không xuất hiện các nhà đầu tư mới đổ tiền mua bất động sản giống như một làn sóng trước đây. Số lượng người ôm đất mong muốn thoát hàng ra đang nhiều hơn số lượng người có sẵn tiền để ôm hàng, tức là cầu thấp hơn cung.
“Với khả năng phục hồi của thị trường, ở đây chúng ta cần hiểu là, nơi nào có tiềm năng phục hồi do tích tụ dân cư, khu công nghiệp và khai thác được, thì nơi đó sẽ sớm phục hồi; nơi nào không có tiềm năng phục hồi thì sẽ còn kéo dài sự ảm đạm. Sự phục hồi sẽ tập trung ở đô thị chủ chốt, điển hình như TP.HCM do nhu cầu đầu tư bất động sản, mua nhà đất còn rất lớn và khả năng thanh toán vẫn tốt”, ông Hiển cho biết.
Ông Hiển cũng cho rằng: “Bên cạnh đó, một số nơi, nhà đầu tư đón đầu sự phát triển hạ tầng ở những khu vực trực tiếp hưởng lợi từ cao tốc, là nơi tập trung phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa. Còn đa số những khu vực khác sẽ là trạng thái chờ và quan sát”.
T.P