Nhiều mặt hàng nông sản như: cá sấu, tổ yến thô, gia cầm và thủy sản khai thác đang được đàm phán để mở đường vào Trung Quốc là thị trường 1,4 tỉ dân đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức.
Vào thời điểm này, người nuôi heo có thể lạc quan vì giá heo hơi liên tục duy trì mức cao. Những dấu hiệu phục hồi thấy rõ qua việc tái đàn đang quay trở lại ở thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.
Gia cầm lo khó cạnh tranh
Tuy nhiên, với lĩnh vực chăn nuôi gia cầm vẫn còn nhiều bấp bênh. Trước đây người nuôi gà thả 4 lứa một năm thì nay giảm xuống chỉ còn 3 lứa, nguyên nhân do giá thức ăn vẫn còn cao và người chăn nuôi chưa có lãi.
Theo ông Dương Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bình Minh, cho dù lĩnh vực chăn nuôi gia cầm hiện đã bớt khó khăn hơn rất nhiều do xu thế chung là chi phí đầu vào giảm, đầu ra cũng khởi sắc, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn khá cao so với cách đây 2 năm. Bên cạnh đó đầu ra của sản phẩm chưa ổn định nên người nuôi gà vẫn còn có đợt lời, đợt lỗ.
Trong nỗ lực mở rộng đầu ra cho chăn nuôi, từ đầu năm đến nay lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã hai lần đến thăm và làm việc với Trung Quốc tìm cơ hội xuất khẩu. Theo ông Tuấn, việc tìm đầu ra cho nông sản giúp người chăn nuôi là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm gia cầm vào Trung Quốc là điều không hề đơn giản về nhiều mặt. So với nhiều thị trường khác trong khu vực thì Trung Quốc là thị trường khá bình dân nên giá thành là một thách thức. Hơn nữa, Trung Quốc cũng là quốc gia phát triển lĩnh vực này nên chúng ta còn phải cạnh tranh với hàng nội địa của nước này.
Ngược lại, những thị trường cao cấp như Singapore hay Nhật Bản, Trung Đông tuy dung lượng nhỏ hơn, yêu cầu cao nhưng tiềm năng lại rất lớn. Bởi các nước này ngành chăn nuôi không có hoặc không phát triển, nếu chúng ta đáp ứng yêu cầu về chất lượng của họ thì sẽ bán được hàng với số lượng ổn định, giá khá tốt và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho rằng nếu có thể ký nghị định thư trong lĩnh vực gia cầm thì khả năng chúng ta cũng chỉ xuất được sản phẩm trong các tháng mùa đông khi mà Trung Quốc gặp khó khăn vì về cơ bản rất khó cạnh tranh về giá.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN (VIPA), bổ sung: Giá thành sản xuất là một thách thức không nhỏ, vì thế mà thời gian qua, cộng đồng người chăn nuôi phải liên tục gửi văn bản kiến nghị, “kêu cứu” về hiện tượng gia súc, gia cầm (cả con giống và thải loại) nhập lậu tràn vào VN. Chính vì vậy, muốn xuất được hàng thì chúng ta phải tổ chức và phát triển lại ngành chăn nuôi sao cho có giá cả thật sự cạnh tranh. Đồng thời tổ chức các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu và Tổ chức Thú y thế giới. Đây là những việc rất khó và cần nhiều thời gian trước khi tính đến chuyện xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Hiện tại, trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm chúng ta đang xuất khẩu sản phẩm trứng muối sang các nước lân cận khá tốt và một ít sản phẩm thịt gà vào thị trường Nhật Bản. Điều đó cho thấy, nếu có chiến lược phù hợp thì VN vẫn thực hiện được việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Cá sấu lo không có nguồn cung
Mặt hàng cá sấu cũng đang phập phồng chờ mở rộng thị trường. Đầu năm nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam có chuyến làm việc tại Trung Quốc. Trong chuyến làm việc này, cá sấu nuôi cùng với khỉ nuôi hay tôm hùm bông là những mặt hàng được thảo luận để hướng đến việc ký kết nghị định thư. Đến đầu tháng 6 này, những mặt hàng nêu trên tiếp tục là chủ đề đàm phán của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung với Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Triệu Tăng Liên.
Là người tâm huyết với nghề nuôi cá sấu, ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà (TP.HCM), chia sẻ: “Nhu cầu tiêu thụ cá sấu ở Trung Quốc có thể khẳng định là khổng lồ, giá cao gấp 3 lần VN. Bản thân tôi cũng rất phấn khởi khi đầu năm nay được tin VN và Trung Quốc đang đàm phán, chuẩn bị ký nghị định thư. Tuy nhiên đáng buồn là việc này vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng trong khi ở chiều ngược lại, thời gian khủng hoảng thừa kéo dài vì không xuất khẩu được. Hiện mỗi trại gánh lỗ vài tỉ đồng tiền thức ăn cho cá sấu, trong đó nhiều trại không cầm cự được đành phải bỏ nghề. Thậm chí hiệp hội ngành nghề này bây giờ cũng không còn hoạt động”.
“Trại Cá sấu Hoa Cà của chúng tôi còn cầm cự được đến giờ là nhờ sản phẩm có thương hiệu và bán vào các cửa hàng quà lưu niệm ở các khu du lịch và sân bay. Bên cạnh đó, chúng tôi nghiên cứu phát triển sản phẩm cao cá sấu chữa bệnh đau nhức xương khớp”, ông Hưng giải thích.
Theo ông Hưng, trước dịch Covid-19, cá sấu nuôi chủ yếu được xuất sang Trung Quốc, chiếm đến 80 – 90% thị phần. Từ khi xảy ra dịch, Trung Quốc cũng ngưng nhập, giá cá sấu lao dốc từ 200.000 đồng/kg xuống chỉ còn 40.000 – 50.000 đồng/kg. Thời gian gần đây, cũng có một số thương lái đến thăm dò thị trường, họ đưa ra nhiều mức giá rất khác nhau nên cũng không biết đâu là giá thật. Tình trạng bỏ nghề rất nhiều, lo rằng đến khi ký nghị định thư thì chúng ta cũng không có hàng để xuất.
T.P