Trung Quốc tuyên bố Phúc Kiến tự đóng là tàu sân bay chạy bằng động cơ thông thường lớn nhất thế giới, đồng thời hé lộ thêm những chi tiết mới.
Trong bài đánh giá chuyên sâu đầu tiên về hệ thống năng lượng và vận hành của tàu sân bay Phúc Kiến, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV tuyên bố con tàu đã làm được điều mà trước giờ bị xem là bất khả thi, khi trang bị máy phóng điện từ tiên tiến trên một con tàu chạy bằng động cơ truyền thống.
Trước đây, người ta cho rằng chỉ các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân mới có thể tạo ra đủ điện để phóng máy bay bằng công nghệ này.
“Phúc Kiến hiện là tàu sân bay chạy bằng năng lượng thông thường lớn nhất thế giới tính theo lượng giãn nước”, CCTV cho hay. “Lượng giãn nước càng lớn thì sức mạnh chiến đấu của nó càng cao”.
Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba và là tàu tiên tiến nhất của Trung Quốc, hoàn toàn được thiết kế và chế tạo trong nước, hạ thủy vào tháng 6/2022.
Thời điểm đó, các nhà chức trách cho biết lượng giãn nước đầy tải của Phúc Kiến là hơn 80.000 tấn. Đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá khả năng vận chuyển, tầm hoạt động, tốc độ và khả năng cơ động của tàu.
Xét về kích thước, nó thường được so sánh với các siêu tàu sân bay lớp Kitty Hawk đã ngừng hoạt động của hải quân Mỹ, trong đó chiếc lớn nhất là USS America với lượng giãn nước đầy tải khoảng 85.000 tấn.
Tàu Phúc Kiến được cho là đã kết thúc chuyến thử nghiệm trên biển lần thứ hai vào đầu tháng này, sau chuyến đi thử nghiệm đầu tiên kéo dài 8 ngày hồi tháng 5.
Phúc Kiến là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được trang bị máy phóng điện từ, một cải tiến cho phép phóng máy bay với tần suất cao hơn.
USS Gerald R. Ford chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ hiện là tàu sân bay duy nhất khác trên thế giới có khả năng tiên tiến này. Tàu có trọng tải 100.000 tấn, dẫn đầu thế giới về lượng giãn nước đầy tải.
CCTV bình luận: “Sự xuất hiện của tàu Phúc Kiến không chỉ làm sáng tỏ lý thuyết thiết kế cho rằng chỉ các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân mới có thể sử dụng máy phóng điện từ, mà còn nâng khả năng chiến đấu của các tàu sân bay sản xuất trong nước trong tương lai lên một tầm cao mới”.
Nhà phân tích quân sự Cao Weidong cho rằng về mặt nào đó, thiết kế của Phúc Kiến “phức tạp hơn nhiều” so với các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân vì phải đảm bảo cung cấp đủ điện cho tất cả các thiết bị.
Ông cho biết tàu Phúc Kiến có thể mang nhiều máy bay hơn và nhờ vào công nghệ máy phóng điện từ, tàu có thể phóng máy bay cảnh báo sớm cánh cố định để cải thiện thời gian bay trên không, hiệu suất radar và khả năng chỉ huy.
Nhà phân tích nói thêm, máy phóng điện từ cũng đồng nghĩa máy bay chiến đấu có thể cất cánh khi mang theo đầy đủ nhiên liệu và đạn dược, giảm nhu cầu tiếp nhiên liệu trên không và giải phóng hiệu quả không gian để mang thêm máy bay không người lái, máy bay vận tải và máy bay tác chiến điện tử.
CCTV cho biết thêm thông tin về máy bay hoạt động trên tàu Phúc Kiến sẽ sớm được công bố.
Ngoài ra, CCTV còn cung cấp hình ảnh cho thấy tàu Phúc Kiến có thể chuyển hướng đột ngột, lưu ý rằng tàu sân bay đã giảm bớt luồng sóng một cách hiệu quả, qua đó làm giảm khả năng xác định vị trí và tấn công tàu của vũ khí đối phương.
Ông Cao cho biết sẽ mất đến hai năm để hoàn thành các cuộc thử nghiệm tàu Phúc Kiến và nhấn mạnh Trung Quốc có thể sẽ đóng thêm nhiều tàu sân bay, bao gồm cả tàu sử dụng năng lượng hạt nhân.
Trung Quốc đặt tên 3 tàu sân bay dựa theo các tỉnh ven biển: Tỉnh Liêu Ninh ở vùng Đông Bắc, Sơn Đông ở miền Đông và Phúc Kiến ở vùng Đông Nam.
Trong số 2 hàng không mẫu hạm còn lại, Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được hoán cải từ chiến hạm cũ mua của Ukraine. Sau khi biên chế tàu Liêu Ninh năm 2012, quân đội Trung Quốc đã đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên là Sơn Đông, biên chế vào tháng 12/2019.