Sunday, June 30, 2024
Trang chủQuân sựQuan hệ Nga - Mỹ 'nóng rực' vì tên lửa ATACMS nổ...

Quan hệ Nga – Mỹ ‘nóng rực’ vì tên lửa ATACMS nổ ở Crimea

Cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS có trang bị đầu đạn chùm của Ukraine trên bầu trời Sevastopol ở bán đảo Crimea đã tạo ra bầu không khí rất căng thẳng giữa Nga và Mỹ.

Bãi biển ở thành phố Sevastopol trở nên vắng vẻ, vài giờ sau vụ tấn công bằng tên lửa ATACMS vào bán đảo Crimea vào hôm 23-6

Trước đây đã có thông tin Ukraine dùng hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa do Mỹ cấp để tấn công Crimea, nhưng vụ việc ngày 23-6 có lẽ nghiêm trọng và gây chú ý hơn nhiều khi nhìn vào con số thương vong và phản ứng mạnh của Nga. Matxcơva cho rằng Washington “đã trở thành một bên tham gia trong xung đột”.

Leo thang nguy hiểm
Ngày 24-6, Điện Kremlin cáo buộc thẳng thừng Mỹ về cuộc tấn công vào thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea. Nga nói Ukraine đã dùng các tên lửa ATACMS do Mỹ cấp để thực hiện vụ tấn công khiến ít nhất 4 người chết (trong đó có 2 trẻ em) và 151 người bị thương (gồm hàng chục trẻ em).

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các hệ thống phòng không đã đánh chặn được 4 tên lửa ATACMS trên không trung, còn quả thứ 5 đi chệch khỏi quỹ đạo và phát nổ đầu đạn chùm ở khoảng không phía trên bãi biển đông đúc.

Kết quả là các mảnh đạn chùm rơi xuống khiến nhiều dân thường bị thương. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng giới chuyên gia Mỹ đã thiết lập tọa độ bay cho các tên lửa ATACMS dựa trên thông tin từ vệ tinh do thám của Mỹ.

Việc Nga đổ lỗi cho Mỹ trong vụ tấn công ở Crimea được coi là một bước leo thang. Theo Reuters, giới chức Nga nhận định cuộc xung đột này đang bước vào giai đoạn leo thang nguy hiểm nhất từ trước đến nay.

“Các bạn nên hỏi những đồng nghiệp của tôi, các thư ký báo chí ở châu Âu, và trên hết ở Mỹ, tại sao chính phủ của họ lại giết hại trẻ em Nga” – người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trước báo giới hôm 24-6, sau thông tin ít nhất 2 trẻ em thiệt mạng trong vụ tấn công ở Sevastopol.

Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Matxcơva Lynne Tracy cùng ngày 24-6 và nói với bà rằng Washington đang “tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Nga và thực sự đã trở thành một bên tham gia trong xung đột”. Bộ này nhấn mạnh: “Các biện pháp trả đũa chắc chắn sẽ được thực hiện sau đó”.

Về phía Mỹ, Đại sứ Tracy cho biết Washington lấy làm tiếc về bất cứ tổn thất nào đối với dân thường. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói Washington cung cấp vũ khí cho Ukraine “để nước này có thể bảo vệ lãnh thổ có chủ quyền của mình”.

Tuy nhiên, ông Miller nói Mỹ không có đánh giá nào về cuộc tấn công ở Crimea cuối tuần qua. Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Charlie Dietz nói “Ukraine tự đưa ra quyết định về mục tiêu nhắm đến và tự tiến hành các hoạt động quân sự của mình”.

Thời gian sẽ trả lời
Thời gian qua, một số nước phương Tây do dự trong việc cung cấp các loại vũ khí có tầm tấn công xa hơn và tinh vi hơn cho quân đội Ukraine vì lo ngại có thể khiêu khích Nga.

Tuy nhiên, vào những thời điểm Kiev gặp khó khăn trong việc giữ vững phòng tuyến trước quân đội lớn hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn của Nga, các nhà lãnh đạo phương Tây đã dần vượt qua những “lằn ranh đỏ” và hỗ trợ nhiều hơn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel hồi tháng 4 xác nhận Mỹ đã bí mật cung cấp cho Ukraine các tên lửa ATACMS tầm xa theo chỉ đạo của Tổng thống Biden.

Với tầm bắn 300km, các tên lửa ATACMS này cho phép Ukraine tấn công vào bất kỳ nơi nào trên các phần lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát, trong đó có bán đảo Crimea (Nga sáp nhập năm 2014). Trước vụ tấn công ngày 23-6, Ukraine từng dùng tên lửa ATACMS để tấn công Crimea. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov, hồi tháng 5 có 10 quả ATACMS nhắm tới cầu Crimea đã bị bắn hạ.

Tháng 7 năm ngoái, Mỹ cũng tuyên bố sẽ cung cấp đạn chùm cho Ukraine, sự việc khiến Nga nổi giận. Lúc đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói quyết định này là “rất khó khăn” nhưng cần thiết vì Kiev cần đạn dược trong cuộc phản công.

Tuy nhiên, Nga ngày càng chỉ trích Mỹ và các nước phương Tây khác về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để nhắm vào các mục tiêu của Nga. Matxcơva coi họ là những bên can dự trực tiếp vào cuộc xung đột đã kéo dài hơn 2 năm tại Ukraine.

Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo Nga có thể sẽ cung cấp vũ khí cho Triều Tiên, coi đây là phản ứng tương tự đối với việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói trước báo giới hôm 24-6: “Tất nhiên, sự can dự trực tiếp của Mỹ vào các hoạt động thù địch khiến dân thường Nga thiệt mạng sẽ dẫn tới hậu quả. Chính xác là gì thì thời gian sẽ trả lời”.

Ông Peskov nhắc lại bình luận rằng tổng thống Nga đã xem xét việc trang bị vũ khí tương tự cho đối thủ của các nước phương Tây để phản ứng với việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới