Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc trong những năm gần đây đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của nước này, khiến người tiêu dùng phổ thông mất niềm tin và nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân mất tinh thần. Để cứu nền kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã tập trung vào ngành sản xuất, đặc biệt là các lĩnh vực mà họ gọi là “tân chất sinh sản lực” (新質生產力: năng lực sản xuất mới).
Những lĩnh vực này bao gồm xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời và pin lithium. Hiện nay nền kinh tế nội địa yếu kém không thể hấp thụ chúng, trong khi các nước phát triển phương Tây trong quá khứ và hiện tại đều có nhiều lý do để chống lại thương mại với Trung Quốc. Hiện nay, công suất trong những lĩnh vực này của Trung Quốc đã vượt quá mức sử dụng nội địa.
Cả Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đều chỉ ra vấn đề năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc khiến các nước khác phải đau đầu. Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng, đây là lý do khiến Trung Quốc bán phá giá xe điện vào thị trường Châu Âu. Trên thực tế là Trung Quốc đã bán phá giá xe điện trên quy mô lớn đến mức EU đang chuẩn bị áp thuế cao đối với những sản phẩm này.
Phía Trung Quốc thì phủ nhận việc dư thừa công suất. Theo bài phát biểu gần đây, ông Tập Cận Bình nói rằng “Trung Quốc không có cái gọi là vấn đề năng lực sản xuất dư thừa”. Ông Tập cho rằng, nếu xe điện Trung Quốc tràn vào Châu Âu, thì đó chỉ là vì chúng tốt hơn và cạnh tranh hơn so với các sản phẩm của phương Tây. Về vấn đề cạnh tranh của xe điện Trung Quốc, ông Tập có thể đúng, nhưng việc Trung Quốc đang dư thừa công suất là có thật.
Ngay cả những lĩnh vực không thuộc “năng lực sản xuất mới” cũng có dấu hiệu dư thừa công suất. Ví dụ, sản lượng thép của Trung Quốc đã vượt xa nhu cầu nội địa. Năm 2001, sản lượng thép của Trung Quốc xấp xỉ nhu cầu nội địa. Đến năm 2023, sản lượng thép đã vượt nhu cầu nội địa 5%, và năm nay dường như sẽ vượt nhu cầu nội địa 8%.
Điều này phản ánh tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản khiến nhu cầu về thép giảm xuống, cho nên nguồn cung thép mới bị dư thừa.
Tấm pin năng lượng mặt trời là một trong những lĩnh vực được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ đặc biệt. Công suất lắp đặt nội địa đã tăng mạnh từ 50 gigawatt trong năm ngoái và dự tính có thể lên đến 90 gigawatt trong năm nay. Tuy nhiên, sản lượng tấm pin năng lượng mặt trời lại có thể lắp đặt được công suất vượt quá 150 gigawatt. Ngoại giới đặt câu hỏi rằng, liệu Trung Quốc dự định bán các tấm pin năng lượng mặt trời này đi đâu?
Những hiện tượng khác (mặc dù không trực tiếp) cũng cho thấy vấn đề tương tự. Năm ngoái, đúng vào lúc khái niệm “năng lực sản xuất mới” được thúc đẩy, đầu tư vào thiết bị điện và xe điện đã tăng vọt. Đầu tư vào thiết bị điện tăng 40%, vào xe điện tăng 25%, đều vượt xa mức tăng trưởng tổng thể là 5% của năng suất sản xuất.
Sự gia tăng đầu tư rõ ràng đã gây ra dư thừa công suất. Nhưng nếu khó đo lường một cách trực tiếp, thì việc giảm tỷ suất lợi nhuận của ngành sản xuất có thể là một cách khác để chứng minh Trung Quốc đang dư thừa công suất. Hiện tại, tỷ suất lợi nhuận của ngành sản xuất thấp hơn khoảng 2% so với mức trung bình.
Trong một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, giống như vai trò của nền kinh tế Trung Quốc từng đóng góp trước đây, vấn đề dư thừa công suất có thể được giải quyết trong một hoặc hai năm tăng trưởng nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nay tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc không còn nhanh như trước nữa. Cho nên, vấn đề năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tồn tại trong một thời gian tới, và làm trầm trọng thêm các vấn đề khác trong lĩnh vực kinh tế của nước này.
Bởi vì thái độ của các nước phát triển phương Tây và Nhật Bản đối với thương mại với Trung Quốc đã thay đổi, ít nhất họ không còn tham gia sâu vào thương mại với Trung Quốc như trước đây, cho nên nền kinh tế Trung Quốc sẽ cần thời gian dài hơn để thoát khỏi sự mất cân bằng.
T.P