Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã cho thấy những quan điểm trái ngược của họ về chính sách đối ngoại.
4 “điểm nóng” chính sách đối ngoại trong cuộc tranh luận Biden – Trump
Ngày 27/6 giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trong cuộc đua vào Nhà Trắng tại trường quay của đài CNN ở thành phố Atlanta, tiểu bang Geogria.
Đây là cuộc tranh luận tổng thống sớm nhất trong lịch sử nước Mỹ vì diễn ra trước ngày bỏ phiếu tới hơn 4 tháng (ngày 5/11) và cũng là cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trong lịch sử giữa một tổng thống đương nhiệm và một cựu tổng thống Mỹ.
Các chủ đề được ông Trump và Biden tranh luận rất đa dạng từ kinh tế, chính trị, y tế, xã hội đến hàng loạt vấn đề đối ngoại của nước Mỹ.
Lần gần đây nhất ông Trump và Biden đối đầu nhau trên sân khấu tranh luận trong cuộc chạy đua tổng thống là cách đây 4 năm, khi đó chính sách đối ngoại không được đề cập nhiều. Tuy nhiên, trong “màn so găng” đầu tiên trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng lần này, ông Trump và Biden đã cho thấy cách tiếp cận chính sách đối ngoại của mình trong một loạt các vấn đề từ cuộc chiến Nga – Ukraine, xung đột Israel – Hamas ở Dải Gaza, vấn đề nhập cư đến vị thế toàn cầu của nước Mỹ. bầu cử tổng thống Mỹ
Cuộc chiến Nga – Ukraine
Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump xung đột gay gắt về lập về lập trường của Mỹ đối với cuộc chiến Nga – Ukraine, phạm vi viện trợ của Mỹ cho Kiev và những đóng góp của Washington cho NATO.
Ngay từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, chính quyền Biden đã dồn toàn lực để hỗ trợ Kiev bất chấp sự phản đối của nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng như triển vọng ngày càng xấu về việc Kiev có thể giành chiến thắng hoặc lấy lại các phần lãnh thổ đã mất.
Kể từ tháng 2/2022 đến nay, chính quyền Biden đã viện trợ quân sự trị giá khoảng 175 tỷ USD cho Kiev, trong đó ông Biden luôn bảo vệ quan điểm Mỹ giữ vai trò dẫn dắt trong việc tập hợp sự ủng hộ quốc tế cho cuộc chiến của Kiev.
Trong khi đó, ông Trump quan điểm rằng, các hành động của chính quyền Biden đã “khuyến khích Nga” phát động cuộc chiến với Ukraine, đồng thời cho rằng đây là hệ quả từ việc “Mỹ rút quân khỏi Afghanistan một cách hỗn loạn vào tháng 5/2021”. Tuy ông Trump tuyên bố nếu được bầu làm tổng thống Mỹ tiếp theo, ông sẽ “giải quyết” cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, nhưng lại không chỉ rõ sẽ hiện thực hóa việc này bằng cách nào.
Các nhà quan sát chính trị đánh giá, nếu ông Trump tái đắc cử, chính sách của Mỹ với Ukraine sẽ có thay đổi lớn và rất có khả năng Mỹ sẽ cắt hết các khoản viện trợ cho Kiev
Xung đột Israel – Hamas
Chính quyền Trump trước đây và chính quyền Biden hiện nay đều có cách tiếp cận tương đồng trong vấn đề Trung Đông và cho dù ai giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới, chính sách của Mỹ đối với thế giới Ả Rập được dự đoán sẽ không có nhiều sự khác biệt. Trong đó, chính sách của Mỹ nói chung đều thể hiện sự ủng hộ đối với “giải pháp hai nhà nước” nhằm giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine, đồng thời quan điểm rằng một nhà nước Palestine độc lập nên được thiết lập thông qua đàm phán trực tiếp giữa hai bên.
Trong cuộc tranh luận trực tiếp vừa qua, cả ông Biden và Trump đều thể hiện quan điểm ủng hộ đối với Israel và cuộc chiến tại Dải Gaza, tuy nhiên, với mức độ và cách thức khác nhau.
Ông Biden đề cập đến liên minh chặt chẽ của Mỹ với Israel, nhấn mạnh rằng Mỹ đang “cung cấp cho Israel tất cả vũ khí cần thiết khi họ cần”.
Ông Biden đã ca ngợi “kế hoạch 3 giai đoạn” khi được đề cập đến việc “làm thế nào để kết thúc chiến tranh ở Gaza giữa Israel và Hamas”, trong đó bao gồm trao đổi con tin để đổi lấy tù nhân Palestine và một “lệnh ngừng bắn với các điều kiện bổ sung”, đồng thời cho biết Mỹ đang nỗ lực để Hamas chấp nhận đề xuất này.
Trong khi đó, ông Trump nhấn mạnh, nếu ông là tổng thống Mỹ thì cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 “sẽ không bao giờ diễn ra”; đồng thời ám chỉ rằng ông Biden quá tôn trọng người Palestine nhưng lại không giành được sự tôn trọng của họ. Ông Trump không khẳng định sự ủng hộ đối với việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập và cho biết sẽ phải xem xét vấn đề đó.
Rõ ràng cuộc xung đột Israel – Hamas ở Dải Gaza sẽ là một vấn đề chính sách đối ngoại đầy nan giải và thách thức đối với bất kỳ ai trở thành tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo.
Vấn đề nhập cư
Một trong những vấn đề tranh cãi nảy lửa trong cuộc tranh luận giữa ông Trump và Biden là vấn đề nhập cư. Chính quyền Trump đã triển khai nhiều chính sách nhập cư cứng rắn và gây tranh cãi và một số chính sách hiện vẫn được áp dụng cho đến hiện tại dưới thời chính quyền Biden.
Trong khi ông Trump cáo buộc chính quyền Biden không ngăn chặn được dòng người di cư ở biên giới phía Nam nước Mỹ, đang có nguy cơ “biến nước Mỹ thành khu ổ chuột của tội phạm” và biến nước Mỹ thành một quốc gia “thiếu văn minh”, ông Biden đáp trả bằng cách tấn công di sản nhập cư của Trump, trong đó có việc “tách trẻ sơ sinh khỏi người mẹ” theo chính sách chia cắt gia đình của chính quyền Trump.
Theo chính sách này, chính quyền ông Trump đã tách khoảng 2.600 trẻ em khỏi cha mẹ của chúng.
Ông Biden khẳng định, chính quyền hiện tại đã nỗ lực để đạt được sự đồng thuận lưỡng đảng về chính sách nhập cư, nhấn mạnh “tình hình tốt hơn nhiều”.
Vị thế toàn cầu của nước Mỹ
Nhà sử học Jeremi Suri từ Đại học Texas đánh giá, ông Biden và Trump có quan điểm khác biệt về cách tiếp cận quan hệ quốc tế so với hầu hết các ứng viên tổng thống Mỹ trong thời gian gần đây.
Trong khi ông Biden tìm cách khôi phục vị thế toàn cầu của nước Mỹ, nối lại và củng cố các mối quan hệ của Washington với các đồng minh truyền thống thì ông Trump dường như “theo đuổi một học thuyết biệt lập hơn nhiều”.
Trong cuộc tranh luận, cả ông Trump và Biden đều chỉ trích lẫn nhau vì cho rằng vị thế của Mỹ trên thế giới đang bị suy giảm. Ông Trump liên tục tấn công Biden về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan “một cách hỗn loạn”, coi đây là “ngày đáng xấu hổ nhất trong lịch sử đất nước”, thậm chí còn gọi đây là “màn trình diễn kinh dị ở Afghanistan”.
Trong khi đó, ông Biden chỉ trích ông Trump về việc có ý định rút Mỹ khỏi NATO hay những phát ngôn tiêu cực của ông Trump về hình ảnh toàn cầu của nước Mỹ, đồng thời nói rằng ông Trump “không có ý thức về nền dân chủ Mỹ”.
Trong cuộc tranh luận, ông Trump và Biden cũng đề cập đến một số vấn đề chính sách đối ngoại khác như quan hệ của Mỹ với châu Âu, NATO, Iran… Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, điều đáng ngạc nhiên lớn nhất trong cuộc tranh là vấn đề Trung Quốc – đối thủ toàn cầu lớn nhất của Mỹ ít được 2 ứng viên tổng thống đề cập đến.
Các chuyên gia cho rằng, có lẽ đây là vấn đề chính sách đối ngoại mà cả ông Trump và Biden có quan điểm “gần nhau” hơn bất kỳ vấn đề đối ngoại nào. Trong một số trường hợp, ông Biden còn có quan điểm cứng rắn hơn khi giữ nguyên nhiều mức thuế mà chính quyền Trump đã áp đặt với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, thậm chí chính quyền Biden còn tăng cường các hạn chế đối với chất bán dẫn và xe điện của Trung Quốc.
Cuộc “so găng” đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã kết thúc sau 90 phút tranh luận đầy căng thẳng. Theo thăm dò nhanh của CNN, ông Trump đang chiếm ưu thế hơn ông Biden sau cuộc “đấu khẩu” đầu tiên.
Tuy nhiên, kết quả thăm dò cũng cho thấy, 81% số người theo dõi cho rằng cuộc tranh luận không ảnh hưởng tới sự lựa chọn tổng thống Mỹ của họ, 14% cho biết sẽ xem xét lại nhưng không thay đổi quyết định, 5% cho biết sẽ suy nghĩ lại về việc bỏ phiếu cho ai.
Dự kiến vào tháng 9 tới, ông Biden và ông Trump sẽ có thêm một cuộc tranh luận nữa do hãng tin ABC tổ chức sau khi đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tổ chức xong đại hội toàn quốc để chính thức lựa chọn ứng cử viên tổng thống của đảng mình ra tranh cử.
Cuộc chạy đua và Nhà Trắng vẫn là một cuộc đấu đầy cam go và được cả thế giới quan tâm bởi nó không chỉ tác động đến chính trị nội bộ của Mỹ mà còn cả các vấn đề quốc tế.