Saturday, January 11, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKhi nào Việt Nam lọt vào top “cường quốc đóng tàu”

Khi nào Việt Nam lọt vào top “cường quốc đóng tàu”

Trước đó, Việt Nam đã lọt top 7 cường quốc đóng tàu. Đề nghị mới hứa hẹn giúp Việt Nam sớm thu hẹp khoảng cách và vươn lên vị trí thứ 5, hoặc thậm chí thứ 4 trong bảng xếp hạng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong khuôn khổ WEF 2024.

Việt Nam đưa đề nghị đặc biệt với Ba Lan
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (WEF Đại Liên 2024, diễn ra từ ngày 25-27/6), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.

Tại cuộc gặp này, Thủ tướng đã đề nghị Ba Lan hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo cơ bản và lĩnh vực đóng tàu.

Ba Lan là một quốc gia có truyền thống lâu đời trong ngành công nghiệp đóng tàu và được biết đến với năng lực đào tạo nhân lực vô cùng mạnh mẽ.

Các trường đại học và viện nghiên cứu tại Ba Lan, như Đại học Bách khoa Gdin (nơi chuyên đào tạo các kỹ sư về ngành đóng tàu tại Ba Lan) cung cấp các chương trình đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực này. Học viên của họ được trang bị kiến thức kỹ thuật cần thiết và kỹ năng thực hành thông qua cơ sở vật chất hiện đại và các chương trình thực tập cụ thể.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật để phản ánh những tiến bộ công nghệ mới nhất trong ngành đóng tàu, bảo đảm rằng nhân lực của Ba Lan luôn có khả năng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đào tạo với doanh nghiệp đóng tàu giúp học viên có cơ hội tiếp xúc thực tế, từ đó nâng cao kỹ năng và kiến thức của mình.

Kết quả của quá trình đào tạo chất lượng cao này là sự tham gia của Ba Lan vào nhiều dự án lớn trên thế giới và sự ghi nhận từ các đối tác quốc tế về chất lượng công nhân, cũng như kỹ sư đóng tàu của họ.

Nhân lực đóng tàu của Ba Lan không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có khả năng cạnh tranh và làm việc tại nhiều nước khác trên thế giới, đóng góp vào sự phát triển của ngành đóng tàu toàn cầu.

Từ những năm 60 cho tới những năm 90 của thế kỷ XX, Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học, cùng hơn 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các lĩnh vực khai thác than, đóng tàu.

Tiến tới top 5 cường quốc đóng tàu
Trước đó, trong danh sách “Top 15 cường quốc đóng tàu” mới nhất – do tờ Insider Monkey (Mỹ) đưa ra vào tháng 4/2023 dựa trên dữ liệu trích xuất từ tài liệu của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển [trong đó liệt kê tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng so với toàn cầu của các quốc gia] Việt Nam đang đứng vị trí thứ 7.

Xếp phía trên Việt Nam lần lượt là Đức, Italia, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo ông Carl Thayer – Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales (Australia), có thể thấy, trong top 5 cường quốc đóng tàu, chỉ có một quốc gia Đông Nam Á duy nhất lọt vào danh sách. Đó là Philippines, với vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, ông Thayer cho rằng, Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách và vươn lên vị trí thứ 5 hoặc thứ 4 trong bảng xếp hạng này. Sự chênh lệch hoàn toàn có thể thay đổi do kết quả xếp hạng được đưa ra dựa trên số tàu đã đóng trong một khoảng thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, Việt Nam nắm giữ ít nhất 3 lợi thế trong lĩnh vực đóng tàu: có đường bờ biển dài 3.260km giáp với các tuyến vận tải nhộn nhịp thứ hai thế giới; chính phủ Việt Nam chú trọng chính sách và ưu tiên phát triển kinh tế biển; ngành đóng tàu thừa hưởng nhiều lợi ích nhờ việc chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ… từ các công ty đóng tàu hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam.

Song, cũng theo vị giáo sư, để đạt được thứ hạng cao hơn, Việt Nam cần nâng cao đào tạo nhân lực, mở rộng cơ sở công nghiệp trong nước để sản xuất nguyên vật liệu, cũng như thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Do đó, với sự hỗ trợ của Ba Lan trong việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực đóng tàu, Việt Nam có thể tiếp tục phát triển và cải thiện vị trí của mình trong danh sách các cường quốc đóng tàu trên thế giới.

Việc hợp tác với Ba Lan sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được những kiến thức và kỹ năng mới, từ đó nâng cao năng lực đào tạo nhân lực và cải thiện chất lượng sản xuất tàu thủy. Điều này có thể đóng góp tích cực cho ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.

Thỏa thuận vay cho dự án đóng mới 6 tàu
Ngoài đề nghị hỗ trợ đào tạo nhân lực đóng tàu, trong khuôn khổ cuộc gặp tại WEF Đại Liên 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho hai phía sớm ký kết thỏa thuận vay phục vụ dự án đóng mới 6 tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ mà chính phủ Ba Lan đã cam kết cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam.

Đáp lại những sự hỗ trợ của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của Ba Lan [như tàu biển và máy móc] nhập khẩu vào Việt Nam.

Trước đó, vào năm 2017, Ba Lan đã hỗ trợ Việt Nam đóng 6 tàu tìm kiếm và cứu hộ. 2 chiếc đầu tiên đóng tại nhà máy đóng tàu Remontowa ở Gdańsk (Ba Lan), 4 tàu tiếp theo được đóng tại Việt Nam theo hình thức chuyển giao công nghệ và thiết bị từ Ba Lan.

Theo tạp chí IHS Janes’s của Anh, trong quá trình đóng các tàu này, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ công ty Cenzin thuộc Tập đoàn nhà nước Ba Lan (PGZ).

Qua những nỗ lực này, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan trong lĩnh vực đóng tàu và cứu hộ đã được củng cố và phát triển tích cực.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới