Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKích hoạt “Hiệp ước phòng thủ chung…”: việc không đơn giản

Kích hoạt “Hiệp ước phòng thủ chung…”: việc không đơn giản

Manila và Washington có Hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1951. Theo đó, Mỹ và Philippines giúp đỡ lẫn nhau khi có một bên bị tấn công. Ngỡ người dân Philippines sẽ trông cậy lắm vào điều khoản này. Vậy mà không…

Tập trận chung thường niên giữa quân đội Mỹ và Philippines mang tên « Balikatan » tại Laoag, Ilocos Norte, Philippines, ngày 06/05/2024

Một cuộc thăm dò do Pulse Asia (một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu, thực hiện các khảo sát chính trị về châu Á, có trụ sở tại Philippines) thực hiện trong 5 ngày, từ 5 tới 9/5, khảo sát 1500 công dân Philippines trên cả nước với câu hỏi: Nên giải quyết tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc như thế nào? Sau gần 2 tháng, kết quả công bố ngày 5/7 cho thấy: chỉ gần 8% cho rằng, Manila nên yêu cầu Mỹ trợ giúp để chống lại những hành động gây hấn của Trung Quốc.

Với nhiều nhà quan sát, đó là kết quả bất ngờ. Nó trái với suy nghĩ lâu nay của họ về việc người dân đảo quốc Đông Nam Á này sẽ ỷ thế và trông cậy chủ yếu vào Washington trong việc bảo vệ lợi ích đất nước. Thậm chí, con số bé nhỏ còn khiến một số người nghĩ về khả năng người dân Philippines vô cảm với thời cuộc vì bị cuốn đi bởi những khó khăn chồng chất của cuộc mưu sinh sau trận cuồng phong đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 3 năm.

Tuy nhiên, một số liệu khác, cũng của cuộc khảo sát của Pulse Asia, đã bác bỏ suy diễn đó. Cùng trong bảng trả lời, tới 97% người cho biết, họ luôn quan tâm và cập nhật diễn biến tình hình Biển Đông.

Tin đi. Không thế sao được khi chỉ một “vụ Cỏ Rong” (tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm tháng 6/2019), hàng vạn người dân Manila đã xuống đường biểu tình phản đối hành vi bạo ngược này. Nói cách khác, quốc gia nào cũng vậy, chủ quyền, lợi ích Tổ quốc luôn là điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm, đầy nhạy cảm.

Vậy, kết quả gần như tuyệt đối: 92% người Philippines “lắc đầu” với trợ giúp của đồng minh Mỹ phản ảnh điều gì? Mỹ không còn “thiêng” trong con mắt người Philippines chăng? Hay người dân Philippines tự tin nước này đủ khả năng để chèo chống, giải quyết câu chuyện căng thẳng trên Biển Đông với Trung Quốc, bằng các giải pháp phi quân sự?

Liên quan câu hỏi thứ nhất: chưa hẳn hết “thiêng”, nhưng cái sự “thiêng” của Washington với người Philippines có lẽ chỉ còn là tương đối. Nếu có thể coi 12 năm trước là “lịch sử”, thì “lịch sử” đó vẫn đang gặm nhấm nỗi đau của người Philippines về việc mất quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough về tay Trung Quốc.
Khi đó, Mỹ – đồng minh thân cận của Philippines – đã làm gì để chứng tỏ trách nhiệm? Đã án binh bất động, mặc cho Bắc Kinh muốn làm gì thì làm.

Từ động thái “bất động” (!) đó, có người còn đặt ra khả năng, cũng như trước kia đã “bật đèn xanh” cho Bắc Kinh cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, không loại trừ, Mỹ đã dụng lại cách hành xử lá mặt lá trái đó trong vụ Scaborough năm 2012. Như vậy, đòi hỏi sao được người Philippines đặt cuộc hoàn toàn số phận quốc gia vào một ông đồng minh thiếu tin tưởng?

Về câu hỏi thứ hai: hơi khó tin, dù đó là điều người dân đảo quốc Philippines mong muốn. Một là, xét về thực lực, Philippines chỉ “bé hạt tiêu” so với gã “khủng long” Trung Quốc. Hai là, xét về độ ngang ngược, trước Trung Quốc, liệu ai đủ tự tin để tôn Philippines là côn đồ?

Và đây mới là điều quan trọng nhất: dẫu đã sở hữu tới 9,6 triệu km2, Bắc Kinh vẫn muốn nhiều hơn nữa. Vì thế, họ mới đơn phương đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” bao gồm tới 90% Biển Đông. Cũng vì thế, tình hình Biển Đông mới ngày một diễn biến phức tạp, nóng bỏng như hiện nay. Những gì diễn ra trong hai tháng gần đây tại khu vực bãi cạn Cỏ Mây càng chứng minh một điều: Bắc Kinh từ bỏ tham vọng là điều không thể trông đợi…

Phàm tham lam quá thì khó tỉnh ngộ. Không tỉnh ngộ thì sao có thể có được thiện chí. Bắc Kinh không thiện chí, thì Manila trông mong gì vào việc tự mình giải quyết được xung đột thông qua đối thoại hòa bình.

Những gì diễn ra cho thấy, Manila dường như cũng đã kiềm chế hết mức, chịu đựng hết mức, cùng đó là nỗ lực cao nhất để hy vọng vãn hồi tình hình, kiểm soát xung đột…Vậy mà xung đột vẫn ngày một leo thang hơn. Điển hình là vụ “va chạm nguy hiểm” làm bị thương một số binh sĩ tiếp tế hậu cần cho nhóm lính đồn trú trên chiếc tàu cũ BRP Sierra Madre ở bãi cạn Cỏ Mây ngày 17/6 mới đây.

Thậm chí, đầu tháng 7 này, chưa kịp mừng với việc Manila và Bắc Kinh đồng ý khôi phục và xây dựng lòng tin sau nhiều tuần căng thẳng vì các vụ chạm trán ở bãi Cỏ Mây, dư luận và người dân Philippines đã lại phải lo lắng, phẫn nộ với loan báo ngày 6/7 từ Cảnh sát biển Philippines (PCG): tàu Hải cảnh mệnh danh là “quái vật” dài 165m của Trung Quốc đã xuất phát từ đảo Hải Nam vào ngày 1/7 và xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines ngày 2/7.

Tóm lại, khả năng Manila có thể tự giải quyết câu chuyện căng thẳng trên Biển Đông với Bắc Kinh, bằng các giải pháp phi quân sự, tới thời điểm này, nếu chưa khẳng định là không tưởng, thì cũng còn mờ mịt và xa lắc tận phía chân trời.

Vậy thì tại sao, người dân Philippines vẫn không trông đợi vào sự hỗ trợ của Mỹ. Câu trả lời là: thiểu số, nhưng 8% người “lắc đầu” đề nghị Mỹ trợ giúp kia mới là khôn ngoan, tỉnh táo. Cứ cho là trường hợp này Washington thật lòng không bỏ mặc đồng minh đi, nhưng hai siêu cường này mà xung đột thật sự với nhau trên Biển Đông, không chừng đó sẽ là mồi lửa làm bùng một cuộc chiến khủng khiếp. Hậu quả khôn lường là tất nhiên, với cả khu vực, thậm chí là toàn cầu, nhưng trước hết, Philippines sẽ là quốc gia gánh trọn.

Mới biết, dù có Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ và Philippines, nhưng kích hoạt nó là điều không hề đơn giản.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới