Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgười Việt ở Campuchia

Người Việt ở Campuchia

Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia có chung đường biên giới. Trong cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam có người Khmer. Trong cộng đồng các nhóm dân tộc ở Campuchia, bên cạnh người Khmer còn có cộng đồng người Việt. Cộng đồng người Việt tại Campuchia còn gọi là người Campuchia gốc Việt là cộng đồng dân tộc thiểu số lớn nhất tại xứ sở chùa tháp. Chúng ta chỉ biết rằng ở Campuchia có cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc nhưng họ đến đây từ bao giờ, cùng với đó là những vấn đề về đời sống kinh tế của họ hiện nay ra sao, là một dấu hỏi lớn.

Một làng nổi người Việt tại Siem Reap, Campuchia

Người Việt tại Campuchia thời phong kiến

Giai đoạn đầu tiên, diễn ra vào khoảng thế kỷ XVII, khi Việt Nam và Cao Miên (tên gọi của Campuchia khi đó) đã có mối giao hảo. Đàng trong cai quản bởi chúa Nguyễn. Khi người Việt đến Sài Gòn, đây đã là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc trong đó có người Khmer. Năm 1620 chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái của mình là công chúa Tôn Nữ Ngọc Vạn cho Quốc vương Cao Miên Chey Chetta II. Phần mình, Quốc vương xứ này cũng muốn mượn ảnh hưởng của Chúa Nguyễn để chống lại Xiêm La.

Sau đó khi các Chúa Nguyễn đang quản lý một số vùng đất ở Nam Bộ thì một bộ phận người Việt đã đến định cư ở các vùng giáp ranh biên giới giữa miền Nam Việt Nam và Cao Miên. Tuy nhiên đến khi các vương quốc Cao Miên và các Chúa Nguyễn đạt được một thỏa thuận cho người Việt Nam đến định cư ở xứ sở chùa tháp và họ sẽ được hưởng quyền lợi ngang hàng với người Khmer, dòng người Việt mới bắt đầu đổ về vương quốc này sinh sống.

Đến sau năm 1658, rất nhiều người Việt Nam bao gồm cả những người có mặt trong bộ máy chính quyền, dân thường và thương gia đã có mặt ở Cao Miên. Như vậy ở giai đoạn thế kỷ XVII, bên cạnh người Thái và người Hoa thì người Việt cũng đã có sức ảnh hưởng đáng kể trên đất Cao Miên.

Giai đoạn thứ hai, có thể bắt đầu từ thế kỷ XVIII. Giai đoạn này các Chúa Nguyễn tiếp tục giúp các Vương Triều Cao Miên hai lần đánh thắng quân Xiêm La, vào năm 1714 và 1718. Từ đây, một bộ phận rất đông các cư dân ở vùng Nam Bộ đã ngược dòng Tiền Giang và Hậu Giang để đến buôn bán ở các địa phương của xứ sở chùa tháp. Sau đó, một bộ phận quay về quê hương nhưng cũng không ít người cảm thấy nơi đây cũng giống như quê nhà của mình nên đã ở lại, cùng những bà con sang đây từ trước họ xây dựng nên một cộng đồng vững chắc.

Giai đoạn di cư thứ ba diễn ra dưới Triều nhà Nguyễn, đặc biệt thời vua Minh Mạng, khi Cao Miên đã là một phần của Đại Nam với tên gọi là Trấn Tây Thành. Trong thời gian trị vì, vua Minh Mạng đã ban hành nhiều đạo dụ khuyến khích người dân đến Cao Miên sinh sống. Do vậy trong khoảng thời gian từ năm 1835 – 1839 có rất đông người Việt di cư đến đất nước chùa tháp, sống cộng cư với người Khmer, người Hoa và người Chăm.

Tuy nhiên, sau khi Minh Mạng qua đời vào năm 1841, người kế vị là vua Thiệu Trị đã không quản lý được Trấn Tây thành nên ông đã ra lệnh cho các quan lại và binh lính rút khỏi đây. Điều này cũng khiến một bộ phận người Việt cảm thấy bất an nên nhân đó họ cũng theo chính quyền hồi hương. Từ đây, dân số người Việt ở đất nước chùa tháp liên tục giảm và cho đến năm 1874 khi này Campuchia đã nằm dưới sự bảo hộ của Pháp dân số người Việt ở đây chỉ còn lại khoảng 4.452 người người.

Người Việt tại Campuchia Thời kỳ Pháp thuộc

Trong thời kỳ Pháp chiếm Đông Dương và thực hiện công khai cuộc khai thác thuộc địa, chính quyền Pháp cũng đã tổ chức đưa hàng vạn lao động và công nhân người Việt sang Campuchia. Nhóm thứ nhất với trình độ học vấn cao cùng điều kiện kinh tế khá giả sẽ tham gia vào bộ máy công chức của Pháp hoặc trở thành các thương nhân. Nhóm thứ hai đa số, không có học vấn sẽ tham gia vào công việc khai thác thuộc địa, làm việc ở các hầm mỏ, đồn điền và các công trường.

Việt Nam, Lào và Campuchia là ba nước cấu thành Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, vì vậy biên giới quốc gia trong quá khứ đã biến thành biên giới hành chính, nhờ đó mà việc đi lại giữa ba nước dễ dàng. Nhiều người Việt, vì hoàn cảnh khó khăn đã tìm mọi cách để sang Campuchia làm ăn sinh sống. Do không thuộc diện di dân của chính quyền thuộc địa nên mọi thông tin về họ gần như là không có. Vì vậy, số lượng người Việt ở Campuchia thời kỳ Pháp thuộc được công bố không thống nhất.

Theo thống kê trong tư liệu lịch sử về phong trào Việt kiều yêu nước ở Campuchia, từ năm 1902 có khoảng 63.786 người, năm 1911 là 79.050 người, năm 1921 đã tăng lên 140.222 người, sau này đến năm 1945 số người Việt tại Campuchia đã tăng lên 300.000 người và đến năm 1950 là 319.596 người. Như vậy từ thời Pháp thuộc cho đến khi Campuchia độc lập năm 1953, số người Việt ở Campuchia dao động ở mức trên 300.000 người.

Thời kỳ đầy biến động của người Việt

Khoảng thời gian từ sau độc lập tức năm 1953 đến hết thế kỷ XX, là một thời kỳ đầy biến động của Campuchia. Đây cũng là giai đoạn đen tối nhất của người Việt ở xứ sở chùa tháp. Họ bị chính quyền phân biệt đối xử, thậm chí trở thành mục tiêu của những cuộc thanh trừng đẫm máu. Khởi đầu cho kỷ nguyên độc lập của Campuchia là thời kỳ Hoàng thân Nonorom Sihanouk cầm quyền, giai đoạn 1953 -1970, theo thống kê chưa đầy đủ, trong giai đoạn này lượng, Việt kiều ở Campuchia dao động từ khoảng 400.000 – 450.000 người.

Sau khi giành được độc lập từ tay Pháp, nhà cầm quyền Campuchia đã nỗ lực điều chỉnh hoạt động của các cộng đồng nhập cư trong nước trong đó có cả người Việt, nhằm khẳng định tinh thần độc lập và tự chủ của dân tộc Khmer. Khi đó chính quyền Phnom Penh đã ban hành nhiều Đạo Luật liên quan đến ngoại kiều, điển hình là Luật Ngoại kiều năm 1956. Bộ luật này chia ngoại kiều thành hai dạng: ngoại kiều không di trú, và ngoại kiều di trú.

Mặc dù bộ luật được xây dựng lên nhằm điều chỉnh các hoạt động của ngoại kiều nói chung trên đất Campuchia sau ngày giành được độc lập, nhưng trên thực tế những nội dung của nó đã tác động rất tiêu cực đến cộng đồng người Việt. Nội dung quy định rằng: Ngoại kiều muốn được lưu trú ở Campuchia bắt buộc phải đóng một số tiền thế chấp, đủ để trả các phí tổn khi bị bắt buộc phải trở lại quê hương. Số tiền thế chấp sẽ được quy định cụ thể cho từng đối tượng.

Ngoài việc thế chấp tiền, ngoại kiều phải có đủ các điều kiện khác như: phải có đầy đủ sức khỏe để hành nghề, phải có tiết hạnh đạo đức tốt và phải có năng lực về kinh tế xã hội. Chưa hết, những giấy tờ trên phải có xác nhận của một y sĩ Nguyên Quốc đối với điều kiện sức khỏe và nhà cầm quyền Nguyên Quốc đối với tiêu chuẩn đạo đức và chúng phải được các nhà Đương cục Ngoại giao hay Lãnh sự quán thông qua.

Trong lĩnh vực kinh tế, luật này cũng cấm ngoại kiều hoạt trong 18 lĩnh vực, điển hình như các ngành dịch vụ đánh bắt cá và sản xuất…. Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực giáo dục hay y tế, người Việt Nam ở Campuchia cũng bị chính quyền hạn, chế đa số kiều báo khi đó bị vướng vào những ngành nghề mà bộ luật cấm và họ cũng bị kiềm chế nhiều bề. Điều này đã khiến cho một số người có nhiều tiền tìm mọi cách để nhập quốc tịch Campuchia để có thể yên ổn làm ăn. Những người thiếu thốn sẽ đổi nghề khác, hoặc thậm chí phải trở về cố hương.

Thời kỳ Lon Nol và Pol pot

Sau khi Lon Nol đảo chính Nonorom Sihanouk vào tháng 3/1970, chính thể cộng hòa Khmer đã được thành lập. Một mặt Lon Nol thực hiện chính sách thân Mỹ, mặt khác ông ta thực hiện chính sách bài Việt Nam, với lý do cộng đồng người Việt ở Campuchia sẽ là chỗ dựa để quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xâm nhập vào Campuchia từ đó tràn xuống miền Nam Việt Nam.

Từ đây, các chiến dịch tuyên truyền chống lại cộng đồng người Việt diễn ra trên khắp cả nước. Sau đó, những chiến dịch trên nhanh chóng chuyển thành các cuộc bạo động nhắm vào người Việt. Văn phòng và nơi ở tại thủ đô Phnom Penh thuộc các đại diện Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã bị cướp phá, bạo lực chống lại người Việt đến đỉnh điểm khi các phần tử thuộc lực lượng vũ trang và cảnh sát tham gia vào các vụ tấn công. Đây cũng là nguyên nhân gây nên cái chết của hàng nghìn người Việt tại Campuchia trong thời kỳ Lon Nol cầm quyền.

Nhà chức trách của cộng hòa Khmer còn đề xuất nhiều biện pháp phân biệt đối xử, điển hình như người Việt chỉ được phép đi lại từ 7:00 – 11:00 sáng. Họ không được đến trường và đi làm, bị thu hồi giấy phép đánh bắt cá. Ngoài ra, các tổ chức cũng như các nhà máy xí nghiệp thuộc sở hữu của Nhà nước và cả tư nhân bị cấm thuê mướn lao động người Việt. Nhà cầm quyền còn cấm kiều bào không được dùng tiếng Việt ở nơi công cộng, ai trái lệnh có thể bị bắt và bỏ tù.

Trước sự việc này chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã can thiệp một cách chính thức. Họ đã lập nên các trại tị nạn ở một số thành phố lớn của Campuchia, rồi từ từ di tản người Việt về nước. Sau đó do cả hai bên đều là đồng minh của Mỹ nên nhà cầm quyền cộng hòa Khmer và chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã đạt được một thỏa thuận về vấn đề người Việt ở Campuchia vào ngày 27/ 5/1970. Từ đây, một số chính sách bài Người Việt hay cấm người Việt sử dụng tiếng mẹ đẻ đã bị xóa bỏ. Chính quyền Lon Nol còn kêu gọi người dân Campuchia tích cực bảo vệ người Việt trên tinh thần duy trì mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước. Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu mới, người Việt ở xứ chùa tháp vẫn tìm tới các trại tị nạn tại một số thành phố của quốc gia này và chủ yếu là ở Phnom Penh.

Cuối tháng 5/1970 lượng người Việt trong các trại tị nạn đã lên đến con số đỉnh điểm là 90.000 người, được chuyển dần về nước. Ngày 13/8/1970 trại tị nạn cuối cùng bị đóng cửa tại Phnom Penh. Tuy nhiên, cuộc di cư của người Việt từ Campuchia về quê hương vẫn tiếp tục và tới cuối tháng 9/1970 tổng cộng đã có gần 200.000 người chính thức về Việt Nam.

Đến ngày 17/04/1975 Pol Pot lật đổ Lon Nol, thành lập nhà nước Campuchia dân chủ. Sự kiện này đánh dấu một thời kỳ cực kỳ đen tối trong lịch sử Campuchia nói chung và người Việt nói riêng. Với chủ trương làm cho dân tộc Khmer thuần khiết hơn, Pol Pot đã tiến hành truy bức người Việt trên một quy mô rộng lớn, với một mức độ triệt để hơn và tàn bạo hơn cả thời kỳ Lon Nol. Hàng chục nghìn người bị giết, hơn 100.000 người đã rời bỏ nơi làm ăn và sinh sống của bao thế hệ để chạy về Việt Nam lánh nạn. Một số người giàu có tìm cách đi sang các nước thứ ba như Thái Lan, Malaysia… những ai may mắn sống sót nhưng không thể chạy về Việt Nam đều phải mai danh ẩn tích, phải sống chui lủi, lén lút ngay trên đất nước Campuchia. Có thể nói, về cơ bản thời kỳ này người Việt gần như hoàn toàn biến mất khỏi Campuchia.

Quá trình người Việt được công nhận

Sau năm 1979 dưới chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia, nhiều người Việt trước đây bị chính quyền Lon Nol và Pol Pot truy bức phải chạy về Việt Nam đã có điều kiện trở lại Campuchia. Họ không bị phân biệt đối xử, ngược lại được tạo điều kiện thuận lợi để làm ăn sinh sống. Ngày mùng 7/5/1982, Ban Bí thư Trung ương đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia ra chỉ thị 142, về việc giải quyết đời sống và công ăn việc làm cho người Việt tại Campuchia. Tiếp đến vào ngày mùng 9/10/1982, Hội đồng Bộ trưởng Campuchia đã hướng dẫn việc tổ chức và quản lý đối với Việt kiều đang làm ăn sinh sống tại xứ chùa tháp.

Theo thống kê của nhiều tổ chức, số lượng người Việt ở Campuchia khi đó đã đạt mức gần nửa triệu người. Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm, chính quyền Campuchia còn cấp các giấy tờ tùy thân để khẳng định địa vị cư chú hợp pháp. Cùng thời gian này, Hội Việt Kiều đã được thành lập ở tám tỉnh của Campuchia với những hoạt động tích cực, phong phú.

Những chính sách ngầm phân biệt

Sau Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 23/ 10/1991, lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam và đảng Nhân dân Campuchia đã gặp nhau tại Hà Nội tháng 11/1991, Đảng Nhân dân Campuchia khi đó đã thỏa thuận giữ nguyên trạng chính sách đối với Việt kiều ở Campuchia, và chờ chính quyền mới sau tổng tuyển cử sẽ giải quyết.

Sau đó, ở một số địa phương, chính quyền đã tiến hành thu hồi chứng minh thư do các cơ quan chính quyền Campuchia cấp cho Việt kiều. Một số nơi còn cấp lại thẻ ngoại kiều. Tuy nhiên việc cấp thẻ này không được làm một cách nhất quán, nhiều nơi thu chứng minh thư nhưng lại không cấp giấy tờ gì cho họ, có nơi cấp, có nơi không; có nơi cấp rồi lại thu hồi.

Sau tổng tuyển cử tháng 5/1993, và thành lập Chính phủ Liên hiệp với hai Thủ tướng, Norodom Ranariddh trên cương vị Thủ tướng thứ nhất và Hunsen cương vị Thủ tướng thứ hai. Cả hai vị này đều sang thắm Việt Nam và cam kết bảo đảm an ninh cho cộng đồng người Việt ở quốc gia này. Năm 1994, sau chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tới Campuchia, tuyên bố chung Việt Nam – Campuchia đã được thông qua, nêu rõ: “Hai bên thỏa thuận thành lập một nhóm làm việc cấp chuyên viên, để thảo luận và giải quyết các vấn đề Việt kiều ở Campuchia, trên cơ sở tôn trọng cơ sở pháp luật quốc gia Campuchia cùng pháp luật và thông lệ quốc tế”.

Campuchia dần đi vào ổn định, xứ chùa tháp cũng tăng cường hợp tác với các nước bên ngoài, nhất là sau khi nước này gia nhập ASEAN và trở thành thành viên của WTO. Từ đây mối quan hệ với Việt Nam cũng ngày càng được coi trọng. Mặc dù vậy, về phương diện pháp lý, cộng đồng người Việt đã và đang phải đối diện với nhiều thách thức không dễ vượt qua.

Ví dụ như; 26/8/1994 Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã thông qua luật nhập cư mới với những điều khoản bất lợi cho cộng đồng người Việt, Ngày 26/ 6/1996, chính quyền Phnom Penh đã ban hành xác luật số 30SL, về thủ tục cho phép người nước ngoài thuộc diện nhập cư ra vào và cư trú trên lãnh thổ Vương Quốc Campuchia, hay luật quốc tịch được ban hành cùng năm… những văn bản luật pháp và sắc lệnh này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cộng đồng người Việt ở Campuchia, điển hình là luật nhập cư mới. Theo luật này, người nước ngoài muốn nhập cư phải đáp ứng đủ bảy điều kiện, trong đó có ba điều kiện hết sức khó khăn đối với người Việt ở Campuchia: phải chứng tỏ khả năng có thể tạo ra lợi ích cho kinh tế xã hội khoa học và văn hóa của Campuchia, phải đóng góp một khoản tiền nhằm bảo đảm chi phí đi về hoặc hồi hương và phải có tiền đảm bảo để có thể sinh sống bằng tài sản của mình, phải thực hiện đầy đủ các điều kiện về an ninh theo yêu cầu của Vương Quốc Campuchia.

Mặt khác, luật này cũng quy định áp dụng hồi tố, nghĩa là dù người nước ngoài đã định cư ở Campuchia trước khi luật có hiệu lực vẫn bị điều chỉnh bởi những quy định của luật này. Quy định này đã trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của đại bộ phận người Việt đã định cư lâu đời, vì nhiều người đã định cư ở Campuchia trước khi có Khmer đỏ.

Theo luật quốc tịch năm 1996, một trong những nguyên tắc để xác định quốc tịch Khmer là phải sinh ra trên đất Campuchia. Ngoài ra luật cũng quy định người nước ngoài kết hôn với công dân Khmer có thể xin nhập quốc tịch Khmer nếu đã chung sống 3 năm. So với các điều luật trước.

Tuy nhiên, do trình độ còn nhiều hạn chế nên sau khi ban hành các bộ luật và một số sắc lệnh có liên quan, chính quyền Campuchia vẫn chưa có các văn bản dưới luật để thực thi các văn bản đã ban hành. Hậu quả, các văn bản này đã tạo ra nhiều kẽ hở để cấp chính quyền địa phương vận dụng tùy tiện, phân biệt đối xử đối với cộng đồng người Việt gây khó khăn hoặc sách nhiễu đối với họ.

Ngày 17/01/1996 Thủ tướng Campuchia khi đó là Nonorom Ranariddh Chủ tịch Đảng Funcinpec (FUN) đã dựng lên vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia để gây sức ép chống Đảng Nhân dân Campuchia, phụ họa với âm ưu của Ranariddh là các phần tử cực đoan cũng đồng loạt lên tiếng, gây ra tình trạng căng thẳng về chính trị ở Campuchia. Lúc này tình hình người Việt đã được đặt vào tình trạng báo động đỏ.

Ngày 15/2/1996, Bộ Nội vụ Campuchia đã đơn phương ngưng cấp thị thực xuất nhập nhập cảnh cho Việt kiều. Đồng thời trong một thời gian dài họ chỉ cấp thị thực xuất cảnh mà không cho người Việt nhập cảnh. Khi Việt Nam kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp, đồng thời đến tháng 7/1997 nhóm cực đoan FUN bị lật đổ, tháng 1/1998 họ mới cấp lại visa hai chiều cho người Việt Nam.

Người Việt dần được công nhận

Ngày mùng 7/10/1999 Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã thành lập Ủy ban kiểm soát người nước ngoài. Ngày 20/10/1999 Ủy ban này đã đưa ra các hình thức xử lý người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Campuchia. Cụ thể, họ đã tiến hành chiến dịch thống kê người nước ngoài nhập cư, nhằm giúp những người nhập cư lâu năm có thể làm mới hoặc bổ sung giấy tờ tùy thân. Ngoài ra, chiến dịch cũng nhằm mục đích hồi hương những đối tượng nhập cư bất hợp pháp.

Nhìn tổng thể, chính quyền Phnom Penh dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia chưa có văn bản nào biểu hiện công khai phân biệt đối xử với người Việt, thậm chí họ còn tạo điều kiện cho bà con Việt kiều, điển hình như hai sắc lệnh do Thủ tướng Hunsen ban hành đó là bỏ trạm gác bất hợp pháp trên các tuyến đường giao thông, bãi bỏ một số lô cá trên biển hồ và không thu thuế đánh bắt hải sản năm 2000. Điều này đã giúp cải thiện đáng kể đời sống sinh hoạt đi lại hành nghề của người dân Campuchia nói chung, nhất là đối với Việt kiều ở vùng sâu vùng xa.

Tháng 7/2014 Tổng cục Nhập cư Campuchia đã tổ chức tiến hành thống kê ngoại kiều nói chung mà chủ yếu là thống kê người Campuchia gốc Việt trên phạm vi toàn quốc. Sau đó đến tháng 8/ 2015 Bộ Nội vụ Campuchia tiến hành thêm đợt kiểm tra mới đối với người nước ngoài, đợt kiểm tra này được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Việt kiều trong việc đăng ký và tách hộ khẩu.

Đặc biệt, ngày 27/02/2018 chính phủ Campuchia đã họp báo và cam kết có kế hoạch để những người Việt không có quốc tịch ở Campuchia có thể sớm trở thành công dân hợp pháp của nước này. Kế hoạch mới của chính phủ Phnom Penh đối với những cư dân không có quốc tịch và không giấy tờ, sẽ giống như chương trình thẻ xanh của Mỹ.

Theo quy định hiện hành người nước ngoài sau thời gian 7 năm sinh sống ở nước này nói thông thạo tiếng Khmer có thể nộp đơn xin trở thành công dân Campuchia.

Tình hình người Việt ở Campuchia hiện nay

Năm 2014 theo Tổng cục Nhập cư thuộc Bộ Nội vụ Campuchia cho biết, có khoảng 100.000 người Việt. Trong số đó, có khoảng trên 70.000 người đã đăng ký ngoại kiều và chỉ còn trên 30.000 người chưa đăng ký và nhiều người trong số đó đã về Việt Nam sinh sống. Mới đây, theo thống kê của Tổng hội người Campuchia gốc Việt, trong báo cáo định kỳ gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số lượng người Việt ở Campuchia hiện nay dao động từ 200.000 – 250.000 người, trong khi con số thực tế có thể dao động ở mức 400.000 người.

Hiện nay, bà con người Việt đang sinh sống và làm ăn ở khắp 25 tỉnh của Campuchia, trong đó nơi tập trung đông nhất là tỉnh Kandal, Thủ đô Phnom Penh, tỉnh Pray Veng và 5 tỉnh giáp biển hồ bao gồm tỉnh Tbong Khnum, tỉnh Pursat, tỉnh Battambang, tỉnh Siem Reap và tỉnh Kampong Thom. Ở mỗi khu vực, bà con người Việt lại sống tập trung thành từng làng đặc biệt là khu vực biển hồ Tonle Sap. Khi thấy làm ăn ở nơi cũ khó khăn bà con tự ý di chuyển đến nơi khác dù vẫn có giấy tờ đăng ký ở địa điểm cũ.

Hiện nay vẫn chưa có tiêu chí nào mang tính chính thức để phân loại đặc điểm của người Việt ở Campuchia, nhưng qua thực tế có thể thấy nổi lên bốn nhóm với các đặc điểm riêng biệt:

Nhóm thứ nhất, bao gồm những người có nguồn gốc nhiều thế hệ đã sinh sống tại Campuchia, thông thạo tiếng Khmer. Nhiều người tham gia vào phong trào cách mạng của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có mặt trong các tổ chức đoàn thể và lực lượng vũ trang của Việt Nam. Sau năm 1979, họ chuyển về các đơn vị và cơ quan nhà nước Campuchia. Cho đến nay, họ là những người có tài sản cố định, có địa vị xã hội. Một số là dân thường nhưng sống xen kẽ với người Khmer ,có điều kiện cho con cái học hành, toàn nhóm này ước tính chiếm khoảng 8% dân số người Việt và họ sống chủ yếu ở các thành phố, thị xã, đặc biệt là ở Phnom Penh. Đây là nhóm được công nhận rộng rãi nhất vì họ đã được “Khmer hóa”, nhưng cơ bản vẫn có tình cảm về quê hương đất nước.

Nhóm thứ hai, những người cư trú lâu đời tại Campuchia nhưng chưa được “Khmer hóa”, sống chủ yếu trên vùng biển hồ dọc sông Mê Kong các tỉnh phía Đông Bắc và Thủ đô Phnom Penh. Từ năm 1970 -1975 do chính sách kỳ thị chủng tộc của Lon Nol và Khmer Đỏ, nên một bộ phận người Việt đã phải chạy về Việt Nam lánh nạn. Sau năm 1979 thì họ đã trở lại, vẫn định cư thành những cụm riêng rẽ trên mặt nước hoặc trên bờ tách biệt khỏi người Khmer, chuyên làm nghề đánh bắt cá, dịch vụ, thợ nghề. Số người này chiếm khoảng từ 60 – 65% người Việt tại Campuchia. Ngoại trừ một số ít sống ở thành phố, phần đông họ sống chủ yếu ở vùng biển hồ dọc sông Mekong với cuộc sống rất bấp bênh, nghèo khổ, ít chú trọng đầu tư cho con cái học hành. Đặc biệt khu vực Biển hồ có khoảng 60% người Việt mù chữ, cả tiếng Việt lẫn tiếng Khmer.

Nhóm thứ ba, những người không có nguồn gốc sinh ra tại Campuchia, nhưng theo họ hàng hoặc theo chân quân tình nguyện sang làm ăn, rồi ở lại Campuchia từ những thập niên 80. Nhóm này chiếm khoảng 20% dân số người Việt tại Campuchia, chủ yếu tập trung ở Thủ đô Phnom Penh, tỉnh Sihanoukville, tỉnh Kadal, tỉnh Koh Kong, tỉnh Prey Veng và tỉnh Takeo. Họ làm nghề buôn bán nhỏ, thợ xây dựng, thợ mộc, dịch vụ… phần lớn họ đã từng bước hợp pháp hóa về giấy tờ tùy thân, do phía chính quyền Campuchia cấp và hòa nhập được vào cuộc sống của người dân Campuchia.

Nhóm thứ tư, những người đến Campuchia sau năm 1990 cho đến nay. Lực lượng này gồm nhiều thành phần phức tạp với nhiều mục đích khác nhau. Một số làm nghề buôn bán, thợ nghề, làm thuê khi thuận lợi thì ở không thuận lợi thì lại về Việt Nam, một số là những đối tượng trộm cướp, gái bán hoa, những thành phần bất hảo hay thậm chí là cả những người bị lừa bán sang Campuchia, đại đa số không có giấy tờ tùy thân sống trà trộn trong các nhà trọ, quán bar, casino… Là nhóm người nhập cư bất hợp pháp họ không có giấy tờ hoặc là thuộc diện bảo lãnh của các công ty xuất khẩu lao động. Do vậy họ không được cơ quan chức năng sở tại chấp nhận và có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

Chính vì vậy, khi Việt Nam và Campuchia phối hợp với nhau để phòng chống lao động trái phép và buôn bán người, một bộ phận người lao động bất hợp pháp sẽ tìm cách trở về về Việt Nam. Điển hình như vào thời điểm cuối năm 2022, ở khu vực biên giới Việt Nam Campuchia, đặc biệt là tại các cửa khẩu quốc tế, đã tiếp nhận hàng ngìn người Việt Nam hồi hương.

Như vậy có thể nói, bằng nhiều con đường và hình thức khác nhau người Việt đã có mặt ở Campuchia từ rất sớm. Tuy nhiên lịch sử của người Việt ở Campuchia lại khá phức tạp, sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt tại Campuchia qua các thời kỳ phụ thuộc vào tình hình chính trường Campuchia, cũng như thăng trầm trong quan hệ hai nước.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới