Wednesday, October 2, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNghị viện châu Âu xuất hiện thế lực cực hữu mới

Nghị viện châu Âu xuất hiện thế lực cực hữu mới

Nghị viện châu Âu đang chứng kiến sự khai sinh của nhóm chính trị mới theo đường lối cực hữu, mà theo người khởi xướng nhằm mục đích “thay đổi chính trường châu Âu”.

Thủ tướng Orban đang xây dựng liên minh cực hữu có ảnh hưởng trong Nghị viện châu Âu


Khuya 6.7, phong trào liên minh chính trị do Thủ tướng Hungary Viktor Orban dẫn đầu đã đạt được sự công nhận của Nghị viện châu Âu để trở thành nhóm chính trị mới nhất của cơ quan này, theo AFP hôm qua.

Liên minh cực hữu 7 nước
Đảng Vlaams Belang cực hữu của Bỉ hôm 6.7 thông báo gia nhập nhóm chính trị do Thủ tướng Orban sáng lập có tên “Những người yêu nước vì châu Âu”. Tuyên bố của đảng Vlaams Belang vào tối 6.7 (giờ Bỉ) đã nâng tổng số thành viên tham gia liên minh lên 7 nước, chính thức đáp ứng yêu cầu thành lập nhóm chính trị.

Tờ Politico đưa tin các nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu không ngồi theo vị trí quốc gia mà theo nhóm chính trị. Mỗi nhóm cần ít nhất 23 nghị sĩ đến từ 7 nước, và nhận được lợi thế về tài chính lẫn thủ tục trong quá trình hoạt động. Với sự góp mặt của Bỉ, giờ đây nhóm “Những người yêu nước vì châu Âu” tập hợp các đảng cực hữu đến từ Hungary, Áo, Bồ Đào Nha, CH Czech, Tây Ban Nha và Hà Lan.

Thủ tướng Orban tuyên bố ý định thành lập liên minh chính trị mới vào ngày 30.6, tức một ngày trước khi Hungary tiếp nhận ghế chủ tịch luân phiên EU trong vòng 6 tháng, theo Reuters. Đến hôm nay (8.7), các chính đảng tham gia liên minh sẽ họp ở Brussels (Bỉ). Khi ấy, ông Orban sẽ nhận được câu trả lời có tham gia hay không từ đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu ở Pháp sau khi đảng này có kết quả bầu cử vòng 2 quốc hội Pháp.

Tham vọng của Thủ tướng Hungary
Với 30 ghế nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu, RN sẽ trở thành thế lực chính trị lớn nhất của “Những người yêu nước vì châu Âu” nếu quyết định gia nhập. DPA dự báo sự góp mặt của RN sẽ giúp nhóm chính trị mới đủ sức vượt lên vị trí thứ ba ở nghị viện, chỉ sau đảng Nhân dân châu Âu (EPP) theo đường lối bảo thủ và liên minh Dân chủ Xã hội (SD).

Diễn biến đang theo hướng có lợi cho tham vọng của Thủ tướng Orban để trở thành thế lực cực hữu chiếm ưu thế ở Nghị viện châu Âu. Bên cạnh việc vận động bảo vệ các giá trị gia đình và chống di dân, nhóm này muốn chấm dứt sự ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Hungary vừa đối mặt phản ứng giận dữ của ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại. Sau khi Hungary tiếp nhận vai trò chủ tịch luân phiên, ông Orban hôm 5.7 công du Moscow và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một ngày sau, Thủ tướng Hungary tham gia hội nghị của Tổ chức Các quốc gia dân tộc Turk ở Azerbaijan. AFP dẫn lời ông Borrell nhấn mạnh những hoạt động trên của ông Orban chỉ đại diện cho Hungary và không nhận được sự phê chuẩn từ Hội đồng châu Âu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới