Monday, January 27, 2025
Trang chủĐiểm tinXe điện TQ đổ bộ Đông Nam Á

Xe điện TQ đổ bộ Đông Nam Á

Giữa bối cảnh gặp khó tại thị trường Mỹ và châu Âu, các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc đang đẩy mạnh sang thị trường Đông Nam Á và đã gây quan ngại.

Đến nay, cả EU lẫn Mỹ đều đã tăng thuế nhằm vào ô tô điện (EV) của Trung Quốc vì lý do các nhà sản xuất đại lục nhận được nhiều ưu đãi từ chính quyền. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng nhà máy ở châu Âu hay Mỹ nhằm né thuế chưa thể sớm hoàn thiện. Chính vì thế, Đông Nam Á trở thành thị trường mục tiêu được các hãng EV Trung Quốc nhắm đến.
Đổ bộ toàn diện

Tuần qua, Hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc là BYD đã chính thức mở nhà máy ở Thái Lan. Đây cũng chính là nhà máy đầu tiên của BYD tại Đông Nam Á như một dấu nhấn trong việc mở rộng thị trường này. Nhà máy trên có công suất dự kiến đạt 150.000 xe/năm, bao gồm 2 loại EV là xe thuần điện (BEV) và xe hybrid cắm sạc (PHEV).

Trong quý 1/2024, doanh số EV toàn cầu đã tăng 18%, mà tác động chủ yếu đến từ Trung Quốc vốn đang là thị trường EV lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, doanh số EV tại Trung Quốc dự kiến sẽ chững lại, nên các nhà sản xuất EV nước này càng có lý do tập trung nhiều hơn vào các thị trường khác như Đông Nam Á. Trong khi đó, tờ South China Morning Post dẫn báo cáo từ EY-Parthenon, bộ phận tư vấn chiến lược của Ernst & Young, dự báo doanh số EV ở Đông Nam Á sẽ tăng từ mức 2 tỉ USD vào năm 2021 lên 80 – 100 tỉ USD vào năm 2035.

Các thương hiệu EV Trung Quốc như BYD, Xpeng và Geely đang bơm hàng tỉ USD để đầu tư vào Indonesia, Thái Lan và Malaysia, nhằm nâng cao thị phần ở các thị trường này. Tại VN, các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc như BYD và Wuling đã có mặt, hay Geely cũng đã có thông tin sẽ sớm bán ra sản phẩm.

Quan ngại cạnh tranh không lành mạnh

Tuy nhiên, cũng trong tuần qua, tờ South China Morning Post đưa tin Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan đã nhận được khoảng 70 khiếu nại kể từ khi bắt đầu cuộc điều tra về việc các đại lý BYD giảm giá quá mức, khiến một số người mua cảm thấy họ đã trả quá nhiều cho xe điện Trung Quốc.

Cụ thể, BYD tổ chức đợt khuyến mãi với cam kết chỉ ưu đãi giá thấp cho khách hàng đã mua trong đợt ưu đãi. Thế nhưng, sau khi kết thúc chương trình thì giá xe của BYD còn giảm thấp hơn khiến khách hàng cảm thấy bị “sụp hầm” và không biết đâu là giá đúng của các dòng EV do BYD sản xuất.

Vấn đề EV Trung Quốc bán giá thấp nhờ sự hỗ trợ quá mức và không công bằng từ chính phủ là điều khiến nhiều nước quan ngại. Lý do cạnh tranh không lành mạnh này cũng đã khiến EU và Mỹ tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc.

Theo một báo cáo được công bố bởi Viện Kinh tế thế giới Kiel (Đức), sự hỗ trợ của chính phủ dành cho ngành này bao gồm các khoản vay dưới lãi suất thị trường, thép và pin chiết khấu dành cho các nhà sản xuất ô tô. Ước tính, từ năm 2009 – 2022, Trung Quốc đã chi khoảng 173 tỉ USD trợ cấp để hỗ trợ lĩnh vực xe sử dụng năng lượng mới, gồm xe thuần điện và xe hybrid. Trong đó, báo cáo trên còn trích dẫn từ chính báo cáo thường niên của BYD cho hay hãng xe này đã nhận hỗ trợ từ chính phủ lên đến 3,5 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2018 – 2022.

RELATED ARTICLES

Tin mới