Tuesday, January 21, 2025
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnPhán quyết của trọng tài Biển Đông sau 8 năm: Giá trị...

Phán quyết của trọng tài Biển Đông sau 8 năm: Giá trị pháp lý của phán quyết và ý nghĩa đối với tranh chấp Biển Đông

Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) ra Phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến các yêu sách và hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông. Ngày 12/7/2024 là dấu mốc kỷ niệm 8 năm Phán quyết. Sau 8 năm, Phán quyết vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và vẫn có ý nghĩa lớn về nhiều mặt đối với các bên tranh chấp và trật tự pháp lý trên biển ở Biển Đông.

Giá trị pháp lý của Phán quyết

Theo quy định tại Điều 296 UNCLOS, bất kỳ phán quyết nào được đưa ra bởi một tòa án hay tòa trọng tài có thẩm quyền theo UNCLOS đều có tính chung thẩm và phải được tất cả các bên tranh chấp tuân thủ. Điều 11 Phụ lục VII UNCLOS quy định thêm rằng phán quyết của Tòa trọng tài “có giá trị chung thẩm và không thể phúc thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận trước đó về một thủ tục phúc thẩm”. Trong vụ kiện trọng tài Biển Đông, Philippines và Trung Quốc không có thỏa thuận nào trước vụ kiện về khả năng phúc thẩm Phán quyết của Tòa trọng tài. Do đó, Phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12/7/2016 có giá trị chung thẩm và có hiệu lực ràng buộc đối với Philippines và Trung Quốc, bất chấp nỗ lực của Trung Quốc hạ thấp giá trị của Phán quyết trong suốt 8 năm qua.

Lịch sử đàm phán UNCLOS cho thấy Trung Quốc đã tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán nên nhận thức đầy đủ về nội dung Công ước, bao gồm quy định về tính ràng buộc và giá trị chung thẩm của quyết định của các cơ chế giải quyết tranh chấp, bao gồm Phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước. Bằng việc phê chuẩn UNCLOS, Trung Quốc đã đồng ý với thẩm quyền của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS và đồng ý chấp nhận các nghĩa vụ có liên quan của quốc gia thành viên, bao gồm nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.

Điều 9 Phụ lục VII của UNCLOS quy định việc một bên tranh chấp không tham gia tiến trình xét xử sẽ không cản trở việc Tòa trọng tài tiếp tục tiến trình xét xử trên cơ sở yêu cầu của bên tranh chấp còn lại. Tòa án công lý quốc tế (ICJ) trong vụ Các hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua giữa Nicaragua và Mỹ năm 1986 đã khẳng định, “quốc gia không tham gia tiến trình xét xử phải chấp nhận hậu quả của quyết định của mình, đầu tiên là tiến trình xét xử sẽ tiếp tục mà không có sự tham gia của quốc gia đó; quốc gia đó vẫn là một bên trong vụ việc và bị ràng buộc bởi phán quyết cuối cùng của Tòa”. Đối với tranh chấp Biển Đông, việc Trung Quốc không tuân thủ Phán quyết của Tòa là sự vi phạm quy định của UNCLOS, đồng thời là sự vi phạm nguyên tắc cơ bản về giải quyết tranh chấp quốc tế. Theo Điều 12 Phụ lục VII của UNCLOS, một bên tranh chấp có thể đưa vấn đề thực hiện Phán quyết lên tòa trọng tài để Tòa xem xét và quyết định về vi phạm của bên còn lại. Vì vậy, trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục từ chối thực thi Phán quyết, Philippines có thể viện dẫn quy định tại Điều 12 Phụ lục VII để khởi động một vụ kiện mới, tạo thêm áp lực và củng cố thêm cơ sở pháp lý để bảo vệ các vùng biển được xác lập trên cơ sở UNCLOS.

Ý nghĩa của Phán quyết

Thực tế 8 năm qua tại Biển Đông cho thấy, kể cả khi Trung Quốc từ chối thực thi Phán quyết ngày 12/7/2016 thì Phán quyết của Tòa trọng tài được đưa ra với sự nhất trí của cả 05 trọng tài viên vẫn có ý nghĩa pháp lý và chính trị sâu rộng đối với tranh chấp Biển Đông.

Thứ nhất, Phán quyết kết luận yêu sách “đường đứt đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông là trái với quy định của UNCLOS và không có giá trị pháp lý khi vượt quá các giới hạn địa lý và thực chất của các quyền lợi biển mà Trung Quốc có thể được hưởng theo Công ước. Việc Tòa bác bỏ yêu sách “đường đứt đoạn” của Trung Quốc rất có ý nghĩa đối với tranh chấp Biển Đông vì qua đó Phán quyết đã giải quyết về pháp lý cái gọi là “quyền lịch sử” mơ hồ ở Biển Đông do Trung Quốc tạo nên nhằm đòi hỏi “khu vực chồng lấn” trong vùng biển của nước khác. Hệ quả là, Phán quyết không chỉ bác bỏ yêu sách về “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với tài nguyên sinh vật và không sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, mà còn gián tiếp bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc trong vùng biển của các nước khác như Indonesia, Malaysia, Brunei và Việt Nam được xác lập phù hợp với UNCLOS. Trong công hàm lưu hành tại Liên hợp quốc ngày 12/6/2020, Indonesia đã viện dẫn Phán quyết để bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ hai, Phán quyết khẳng định, không có bất kỳ cấu trúc nổi nào tại Trường Sa, kể cả các cấu trúc nổi lớn như Ba Bình, Thị Tứ, Trường Sa lớn được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Kết luận này có ý nghĩa pháp lý không chỉ đối với Trung Quốc và Philippines, mà còn đối với các nước khác do đã làm rõ phạm vi khu vực tranh chấp tại quần đảo Trường Sa theo hướng thu hẹp rất đáng kể phạm vi tranh chấp. Cụ thể, với kết luận của Tòa trọng tài, phạm vi chồng lấn thật sự giữa các nước ở khu vực quần đảo Trường Sa giờ chỉ là 12 hải lý từ các cấu trúc nổi đang là đối tượng tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa các bên có liên quan. Hệ quả là bối cảnh pháp lý của tranh chấp ở Biển Đông sau Phán quyết trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Tất cả các hoạt động hoặc yêu sách của Trung Quốc ở những khu vực nằm ngoài phạm vi 12 hải lý của các cấu trúc nổi và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của của các quốc gia ven biển khác tại Biển Đông đều không có giá trị pháp lý. Vùng biển bên ngoài 12 hải lý của các cấu trúc nổi, đồng thời bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông sẽ là vùng biển quốc tế nơi mà các nước đều được hưởng quyền tự do biển cả theo quy định UNCLOS. Trên thực tế, kể từ sau Phán quyết, tàu thuyền của Mỹ đã thực hiện chế độ tự do hàng hải khi đi qua vùng biển bên ngoài 12 hải lý của các cấu trúc nổi ở Biển Đông.

Thứ ba, Phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về việc quần đảo Trường Sa có đường cơ sở thẳng bao quanh và từ đó có các vùng biển riêng. Nội dung này của Phán quyết cũng rất có ý nghĩa vì Tòa không chỉ căn cứ vào UNCLOS mà còn khẳng định không có một thực tiễn nào mang tính tập quán quốc tế cho phép Trung Quốc yêu sách quần đảo Trường Sa như là một thực thể thống nhất. Cụ thể, theo UNCLOS, chỉ quốc gia quần đảo mới có quyền áp dụng đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo rồi xác lập nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa từ đường cơ sở quàn đảo. Tòa khẳng định Trung Quốc không phải là quốc gia quần đảo, vì vậy không được phép áp dụng đường cơ sở quần đảo. Kể cả trường hợp giả định Trung Quốc là quốc gia quần đảo thì Trường Sa cũng không đáp ứng điều kiện của UNCLOS về tỉ lệ diện tích nước so với đất. Hơn nữa, “thực tiễn quốc gia” mà Trung Quốc viện dẫn không đủ để tạo thành một quy định tập quán mang tính rang buộc. Nội dung này trong Phán quyết của Tòa trọng tài đã được nhiều nước trong và ngoài khu vực viện dẫn để bác bỏ yêu sách “Tứ Sa” mà Trung Quốc công khai tại Liên hợp quốc năm 2019, chẳng hạn tài liệu “Ranh giới trên biển” số 150 mà Bộ Ngoại giao Mỹ xuất bản năm 2022.

Thứ tư, Phán quyết kết luận các bãi cạn lúc nổi lúc chìm mà không thuộc lãnh hải của các cấu trúc nổi nào, chẳng hạn bãi Mischief hay bãi Second Thomas, không phải là đối tượng để các nước yêu sách về chủ quyền lãnh thổ và cũng không có vùng biển riêng mà thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Philippines do nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. Phán quyết đã tạo cơ sở pháp lý để Philippines tiến hành các hoạt động ở bãi Second Thomas và huy động được sự ủng hộ của các nước đồng minh, đối tác và dư luận quốc tế trong thời gian qua. Phán quyết có ý nghĩa đối với các nước ven biển khác ở Biển Đông vì ở Biển Đông có một số bãi cạn lúc chìm lúc nổi và bãi ngầm luôn chìm dưới mặt nước không nằm trong phạm vi 12 hải lý của các cấu trúc nổi, các nước khác có thể vận dụng Phán quyết của Tòa để bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với các bãi cạn lúc chìm lúc nổi và các bãi ngầm này. Tương tự, các nước khác cũng có thể vận dụng kết luận của Tòa về việc Trung Quốc vi phạm các quy định liên quan của UNCLOS khi can thiệp vào hoạt động dầu khí của Philippines tại Reed Bank để bác bỏ việc Trung Quốc yêu sách, đe dọa, cản trở hoạt động dầu khí được các nước tiến hành tại thềm lục địa được xác lập phù hợp với UNCLOS. Trên thực tế, trước yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với bãi Tư Chính trong vụ việc vi phạm của tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc vào năm 2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định “khu vực mà Trung Quốc gọi là “bãi Vạn An” thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này”.

Thứ năm, Phán quyết kết luận, thông qua việc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bao trùm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và không giới hạn việc áp dụng lệnh cấm này chỉ với các tàu mang cờ quốc tịch Trung Quốc đã vi phạm Điều 56 UNCLOS liên quan đến quyền chủ quyền của Philippines đối với các tài nguyên sinh vật thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Nội dung này trong Phán quyết cũng có ý nghĩa đối với các bên tranh chấp khác Biển Đông nói chung vì cho thấy lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước là không có cơ sở pháp lý. Trong thời gian qua, các nước ven Biển Đông đã vận dụng nội dung này trong Phán quyết để bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc công bố mỗi năm.

Cuối cùng, xét ở khía cạnh chiến lược, Phán quyết của Tòa trọng tài cho thấy UNCLOS và cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc được quy định tại Công ước đã tạo ra một “sân chơi” bình đẳng qua đó tất cả các quốc gia, dù nước lớn hay nước nhỏ, đều bị ràng buộc bởi cùng một khung pháp lý và đều có thể sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp có tính bắt buộc và ràng buộc để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các nước nhỏ hơn trong tranh chấp với các nước lớn với sức mạnh và tiềm năng vượt trội về quân sự, chính trị và kinh tế. Thực tế cho thấy, trong 8 năm qua, các nước ven Biển Đông đều đã có các bước đi cụ thể sử dụng UNCLOS nhằm phát huy tính chính nghĩa, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động sự ủng hộ của quốc tế, qua đó tăng sức mạnh tổng hợp của mình trong tương quan lực lượng với Trung Quốc. Phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông, vì vậy, có ý nghĩa lớn về pháp lý và chính trị trong 8 năm qua, và sẽ tiếp tục tác động đến việc giải quyết, quản lý tranh chấp và hợp tác ở Biển Đông, đóng góp quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển ở Biển Đông trong thời gian tới.

Song An

RELATED ARTICLES

Tin mới