Ngày 10/7, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ mở các cuộc điều tra về vấn đề cản trở tự do thương mại, liên quan đến việc Liên minh châu Âu (EU) liên tục tăng thuế một số mặt hàng và áp đặt rào cản thương mại đối với nền kinh tế số 2 thế giới.
Trên trang mạng chính thức, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố, sẽ tiến hành một cuộc điều tra về rào cản thương mại và đầu tư, đối với các hoạt động liên quan được EU áp dụng trong cuộc điều tra các doanh nghiệp Trung Quốc. Bộ này cũng cho biết thêm, cuộc điều tra sẽ được tiến hành bắt đầu từ ngày 10/7 thông qua bảng câu hỏi, điều trần công khai, kiểm tra thực địa và có thể kéo dài đến ngày 10/4/2025.
Trong thông cáo báo chí, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh quyết định tiến hành cuộc điều tra, sau khi có khiếu nại của Phòng Thương mại Quốc gia về Xuất nhập khẩu máy móc và thiết bị điện tử liên quan đến các sản phẩm như đầu máy xe lửa, quang điện, năng lượng gió và thiết bị kiểm tra an ninh. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc không đề cập đến cuộc điều tra chống bán phá giá của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc đã hoàn tất vào tháng 6/2024.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, đây là hành động trả đũa của Trung Quốc nhắm vào việc nâng thuế nhập khẩu đối với ô tô điện sản xuất tại nền kinh tế thứ 2 thế giới. Trước đó, ngày 4/7, EU đã chính thức áp thuế bổ sung tạm thời lên tới hơn 38% dành cho xe ô tô điện Trung Quốc nhập khẩu với lý do trợ cấp nhà nước không công bằng. Động thái này khiến một số quốc gia thành viên khối 27 lo ngại sẽ khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại mới giữa song phương.
Thuế bổ sung dành cho xe ô tô điện Trung Quốc, sẽ được tiếp tục nghiên cứu trước khi được các nước thành viên EU đánh giá lại và thông qua vào ngày 2/11 tới. Hiện, Đức và Thụy Điển đã lên tiếng phản đối, trong khi Pháp và một số quốc gia khác ủng hộ biện pháp này.
Trên thực tế, việc áp dụng thuế bổ sung đối với ô tô điện có nguồn gốc Trung Quốc là con giao 2 lưỡi. Biện pháp này đã gián tiếp làm tăng giá xe điện tại châu Âu một số hãng như Tesla của Mỹ hay BMW của Đức. Thậm chí, một số hãng xe điện của châu Âu cũng phải chịu cảnh tăng giá chung giao động từ 1.000 – 1.500 USD do sử dụng nhiều bộ phận có xuất xứ từ Trung Quốc.
Xét về ngắn hạn, đây có thể coi là một trong những nỗ lực của EU trong việc giành lại thị phần xe ô tô điện, nhưng về lâu dài, chính việc áp thuế này cũng gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp châu Âu và làm chậm quá trình xanh hóa mà lục địa già đang nhắm đến.
T.P