Việc Philippines tham gia vào sứ mệnh Pegase 24 thường niên của Không quân Pháp nêu bật tầm quan trọng của an ninh và thương mại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với Paris.
Pháp lần đầu đưa Philippines vào sứ mệnh không quân thường niên ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm xây dựng mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Manila kể từ khi hai nước bắt đầu đàm phán về việc tăng cường hợp tác quân sự vào tháng 12.2023, theo South China Morning Post ngày 19.7.
Theo đó, một nhóm máy bay Pháp sẽ dừng chân tại căn cứ không quân Clark (Philippines) như một phần của khuôn khổ Pegase 24 – sứ mệnh thường niên của Lực lượng Không quân và Vũ trụ Pháp tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để chứng minh khả năng triển khai sức mạnh không quân.
Tham gia nhiệm vụ, Pháp điều 2 chiến đấu cơ đa nhiệm Rafale, một máy bay vận tải chiến thuật A400M và một máy bay vận tải tiếp nhiên liệu đa năng A330.
Bình luận về thông tin trên, Bộ Quốc phòng Philippines hôm 15.7 cho biết trong thời gian dừng chân, các hoạt động song phương dự kiến sẽ giúp xây dựng nền tảng cho hợp tác không đối không giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh động thái này sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ quốc phòng Philippines – Pháp.
“Đáng chú ý là trong 3 năm qua, Pháp đã mở rộng hợp tác quốc phòng với Philippines. Một thỏa thuận sâu sắc hơn, toàn diện hơn dường như là một tiến triển tự nhiên”, ông Don McLain Gill tại Khoa Nghiên cứu quốc tế của Đại học De La Salle (Philippines) nhận định.
Philippines sắp mua tiêm kích đa nhiệm mới
Trước đó, Đại sứ Pháp tại Philippines Marie Fontanel tuần trước cho biết họ sẽ chứng minh cam kết duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không như một việc cần thiết để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và toàn diện.
Vào tháng 6, Pháp cũng bổ nhiệm một tùy viên quốc phòng thường trú tại Philippines, chỉ vài tháng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. và Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Pháp Sebastien Lecornu gặp nhau và cam kết tăng cường quan hệ quốc phòng song phương. Hồi tháng 4, hải quân Pháp cũng lần đầu tiên tham gia khuôn khổ tập trận Balikatan tại Philippines.
Theo báo Philippine Daily Inquirer, cả hai nước cũng đang đàm phán một hiệp ước quốc phòng cho phép cử lực lượng quân sự đến lãnh thổ của nhau để tập trận chung.
Ông Joshua Espena tại tổ chức nghiên cứu chính sách Hợp tác Phát triển và An ninh Quốc tế (Phillipines) đánh giá việc hợp tác với các quốc gia như Philippines sẽ cho phép Pháp tiếp cận và tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Ông Espena nói thêm: “Bằng cách xây dựng bức tranh riêng, Paris có thể đa dạng hóa các lựa chọn để vượt qua trong thời đại bất định này”.
Ngoài hợp tác quốc phòng, các nhà phân tích cho biết Philippines cũng có thể hưởng lợi từ sự hợp tác chặt chẽ hơn với Pháp trong nhiều lĩnh vực như thu hút nguồn đầu tư hay thúc đẩy thương mại song phương.