Nhà khoa học Trung Quốc chỉnh sửa gene người nhận được lời mời triệu đô làm việc tại Mỹ.
Nhà khoa học Hạ Kiến Khuê cho biết, sẽ cân nhắc lời mời từ nhà đầu tư Thung lũng Silicon để giúp thành lập công ty nghiên cứu tập trung vào bệnh Alzheimer.
Hạ Kiến Khuê đã gây chấn động toàn cầu vào năm 2018 khi tạo ra những em bé được chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới. Ngày 25.7, ông cho biết, đang cân nhắc lời đề nghị làm việc tại Mỹ.
SCMP dẫn lời Hạ Kiến Khuê phát biểu tại một bàn tròn trực tuyến rằng, một nhà đầu tư từ Thung lũng Silicon đã đưa ra lời mời 1 triệu USD để giúp thành lập một công ty tại Mỹ tập trung vào công nghệ chỉnh sửa gene nhằm ngăn ngừa bệnh Alzheimer.
“Đó là một đề xuất rất thú vị và tôi sẽ cân nhắc. Tôi sẽ rất vui khi được làm việc tại Mỹ nếu có cơ hội tốt” – ông nói tại bàn tròn do tạp chí MIT Technology Review tổ chức.
Cuối năm 2019, tòa án ở Trung Quốc kết án Hạ Kiến Khuê 3 năm tù và phạt 430.000 USD vì vi phạm các quy định và nguyên tắc đạo đức khi tiến hành chỉnh sửa gene trái phép để ba đứa trẻ được sinh ra.
Hạ Kiến Khuê đã phải vật lộn để giành lại chỗ đứng trong cộng đồng nghiên cứu kể từ khi ra tù vào năm 2022.
Ngoài một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, Hạ Kiến Khuê cho biết ông cũng đã mở một cơ sở tương đối mới và độc lập tại Tam Á, tỉnh đảo Hải Nam phía nam, với nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ Mỹ và các công ty Trung Quốc.
Trong cuộc họp bàn tròn, Hạ Kiến Khuê tiết lộ, có người từ “một quốc gia Đông Âu nhỏ” và một quốc đảo đã mời ông tiếp tục nghiên cứu ở đó nhưng ông từ chối những lời đề nghị này. “Tôi cần nghiên cứu ở Mỹ và Trung Quốc hoặc các quốc gia lớn khác” – ông nói.
Hạ Kiến Khuê được đào tạo tại Mỹ, có bằng Tiến sĩ tại Đại học Rice và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Stanford. Hạ Kiến Khuê cho biết ông quyết định nghiên cứu bệnh Alzheimer vì mẹ ông mắc căn bệnh này.
Ông đề xuất sử dụng một công nghệ chỉnh sửa gene tương đối mới, được gọi là chỉnh sửa cơ bản, để đưa một đột biến gene cụ thể vào phôi người nhằm chống lại nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng mất trí nhớ.
Hạ Kiến Khuê nhấn mạnh, công trình của ông sẽ chỉ giới hạn ở chuột, khỉ và phôi người không có khả năng sống, không có ý định cấy ghép phôi để tạo ra thai kỳ hoặc bất kỳ đứa trẻ nào sau đó. Phần nghiên cứu cơ bản có thể hoàn thành trong hai năm.
Tuy nhiên, ông không rõ khi nào công nghệ này có thể được đưa vào thử nghiệm trên người, điều đó sẽ tùy thuộc vào xã hội.
Theo Hạ Kiến Khuê, chỉnh sửa phôi bị cấm ở Trung Quốc và Mỹ, cũng như một số quốc gia khác, nhưng “sẽ phổ biến như thụ tinh trong ống nghiệm” trong 50 năm nữa. Ông nói thêm, tất cả trẻ sơ sinh sẽ được sinh ra mà không mắc các bệnh đã biết.
“Tôi tin cuối cùng xã hội sẽ chấp nhận rằng chỉnh sửa gene là một điều tốt, vì nó cải thiện sức khỏe của con người. Tôi đang chờ xã hội chấp nhận điều đó” – Hạ Kiến Khuê nói.
T.P