Malaysia, quốc gia ASEAN mới nhất, đã nộp đơn gia nhập BRICS – Thủ tướng Anwar Ibrahim cho hay.
Hãng thông tấn Bernama đưa tin, tại buổi tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong chuyến thăm Malaysia ngày 28.7, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết Kuala Lumpur đã nộp đơn xin gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.
“Malaysia đã gửi thư xin gia nhập tổ chức BRICS tới Nga – nước Chủ tịch BRICS năm 2024 – đồng thời bày tỏ sẵn sàng tham gia BRICS với tư cách là quốc gia thành viên hoặc đối tác chiến lược” – hãng thông tấn Bernama dẫn lời Thủ tướng Anwar Ibrahim.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tiếp Ngoại trưởng Lavrov tại Seri Perdana, Văn phòng Thủ tướng, ở Putrajaya. Ông Lavrov có chuyến thăm Malaysia trong hai ngày 27-28.7.
“Các cuộc thảo luận của chúng tôi chủ yếu tập trung vào đơn xin gia nhập của Malaysia vào liên minh BRICS, hiện do Nga làm chủ tịch” – Thủ tướng Anwar lưu ý.
Ông nói thêm: “Việc gia nhập tiềm năng này nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế mạnh mẽ”.
“Chúng tôi cũng đã tìm hiểu các hướng đi để tăng cường hợp tác song phương, đặc biệt tập trung vào việc củng cố quan hệ trong các lĩnh vực then chốt như đầu tư và thương mại, khoa học và công nghệ, nông nghiệp, quốc phòng và quân sự, giáo dục, du lịch và văn hóa” – nhà lãnh đạo Malaysia cho hay.
TASS đưa tin, Ngoại trưởng Lavrov hứa rằng với tư cách là Chủ tịch BRICS, Nga ủng hộ Malaysia gia nhập và sẽ giúp Malaysia thúc đẩy quan hệ đối tác với BRICS.
Thủ tướng Anwar đã xác nhận ý định gia nhập BRICS của Malaysia với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva vào tháng trước.
Thủ tướng Anwar và Ngoại trưởng Lavrov cũng đã thảo luận về tình hình đang diễn ra ở Palestine. Ông Anwar cho biết: “Cả Malaysia và Nga đều nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, cứu trợ nhân đạo ngay lập tức và công nhận Palestine là thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc”.
Liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraina, Malaysia nhắc lại lập trường của nước này rằng đối thoại và các nỗ lực ngoại giao là con đường dẫn đến một giải pháp bền vững.
BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Vào tháng 1 năm nay, BRICS đã chào đón Saudi Arabia, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là các thành viên chính thức.
Ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ quan tâm gia nhập BRICS. Hồi đầu tháng này, ngày 4.7, Ngoại trưởng Venezuela Yván Gil cho biết ông và Đại sứ Ấn Độ tại Caracas Shri P K đã thảo luận về việc Venezuela dự định tham gia BRICS. Theo đó, Venezuela hy vọng có thể gia nhập BRICS trong năm nay với tư cách là thành viên chính thức tại hội nghị thượng đỉnh của khối này, dự kiến được tổ chức vào tháng 10 năm nay ở Nga.
Ngày 20.6, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết Bangkok đã đệ đơn chính thức xin gia nhập BRICS tại cuộc họp cấp bộ trưởng của nhóm được tổ chức một tuần trước đó, đồng thời hy vọng sớm được chấp nhận là thành viên BRICS tại cuộc họp thượng đỉnh sắp tới ở Nga.
BRICS đang thúc đẩy mục tiêu lập đồng tiền chung để đối trọng với đồng USD, cũng như hệ thống thanh toán chung để thay thế hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của phương Tây.
Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Alexander Babakov cho biết việc thiết lập hệ thống thanh toán riêng tương tự như SWIFT sẽ giúp tạo ra một thực tế kinh tế mới cho các nước BRICS.
Ông Babakov lưu ý, việc phát triển và triển khai hệ thống thanh toán riêng sẽ giúp các nước BRICS giảm sự phụ thuộc vào các tổ chức tài chính phương Tây và tăng quyền tự chủ tài chính quốc gia.
BRICS đã khởi động chương trình phi USD hóa sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt Nga vào tháng 2.2022 vì chiến dịch quân sự ở Ukraina.
T.P