Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAL bắt chước giọng nói của bà Kamala Harris

AL bắt chước giọng nói của bà Kamala Harris

Một đoạn video bị chỉnh sửa bắt chước giọng nói của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris làm dấy lên quan ngại về sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.

Tỉ phú Elon Musk đã chia sẻ đoạn video mà không ghi rõ là nó đã bị chỉnh sửa

Đoạn video đã thu hút sự chú ý sau khi tỉ phú công nghệ Elon Musk chia sẻ nó trên nền tảng mạng xã hội X của mình vào tối thứ Sáu (26/7) mà không đề cập rõ ràng rằng ban đầu nó được phát hành dưới dạng video nhại lại, mang tính chất châm biếm.

Video sử dụng nhiều hình ảnh giống như một quảng cáo thực tế mà bà Kamala Harris, Phó Tổng thống Mỹ, đã phát hành vào tuần trước để khởi động chiến dịch tranh cử của mình. Tuy nhiên, đoạn video đã hoán đổi âm thanh, lồng tiếng bằng một giọng nói khác mạo danh bà Harris khiến người nghe nghĩ là thật.

“Tôi, Kamala Harris, là ứng cử viên đảng Dân chủ cho chức Tổng thống của các bạn vì Joe Biden cuối cùng đã bộc lộ tình trạng suy giảm do tuổi tác của mình tại cuộc tranh luận”, giọng trong video nói.

Nó cũng tuyên bố bà Harris là một “người được thuê có tính đa dạng” bởi vì bà là một phụ nữ và một người da màu, và thêm rằng bà không biết “điều quan trọng nhất về việc điều hành đất nước”. Đoạn video vẫn giữ nhãn hiệu “Harris for President”. Nó cũng bổ sung thêm một số clip xác thực về quá khứ của bà Harris.

Mia Ehrenberg, người phát ngôn chiến dịch của bà Harris, cho biết trong một email gửi tới hãng thông tấn AP: “Chúng tôi tin rằng người dân Mỹ muốn có sự tự do, cơ hội và an ninh thực sự mà Phó Tổng thống Harris đang mang lại; không phải là những lời dối trá giả tạo, bị thao túng của Elon Musk và Donald Trump”.

Đoạn video được chia sẻ rộng rãi là một ví dụ về cách mà các hình ảnh, video hoặc clip âm thanh do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra một cách sống động như thật đã bị lạm dụng để đánh lừa chính trị, trong bối cảnh Mỹ tiến gần tới kỳ bầu cử Tổng thống.

Sự việc cũng cho thấy rằng, khi các công cụ AI chất lượng cao ngày càng dễ tiếp cận hơn, chính quyền Mỹ nói riêng và các nước nói chung vẫn chưa có nhiều hành động để điều chỉnh việc sử dụng chúng, khiến các quy tắc hướng dẫn sử dụng AI trong chính trị phần lớn chỉ được áp dụng cho các tiểu bang và nền tảng truyền thông xã hội.

Sự việc cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về cách sử dụng AI sao cho phù hợp, đặc biệt nếu nội dung mà AI sinh ra thuộc thể loại châm biếm.

Người dùng ban đầu đăng đoạn video này, một YouTuber có tên Mr Reagan, đã tiết lộ cả trên YouTube và trên X rằng video được chỉnh sửa là một video nhại lại. Nhưng bài đăng của Musk, đã được xem tới hơn 123 triệu lần, lại không ghi rõ như vậy mà chỉ kèm chú thích “Điều này thật tuyệt vời” với một biểu tượng cảm xúc gây cười.

Người dùng X quen thuộc với nền tảng này có thể biết cách nhấp qua bài đăng của Musk để đến bài đăng gốc, nơi hiển thị thông tin tiết lộ. Nhưng chú thích của Musk không hướng dẫn những người chưa thành thạo làm như vậy.

Mặc dù một số người tham gia vào tính năng “ghi chú cộng đồng” của X để thêm ngữ cảnh vào bài đăng đã đề xuất gắn nhãn cho bài đăng của Musk, nhưng tính đến chiều 28/7, vẫn không có nhãn nào như vậy được thêm vào bài đăng đó.

Một số người dùng trực tuyến đặt câu hỏi liệu bài đăng của Musk có vi phạm chính sách của X hay không, trong đó nói rằng người dùng “không được chia sẻ nội dung tổng hợp, bị chỉnh sửa hoặc ngoài ngữ cảnh có thể đánh lừa hoặc gây nhầm lẫn cho mọi người và dẫn đến tổn hại”.

Chính sách này có ngoại lệ đối với meme và nội dung châm biếm miễn là chúng không gây ra “sự nhầm lẫn đáng kể về tính xác thực của nội dung truyền thông.”

Được biết, Elon Musk đã lên tiếng ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, vào đầu tháng này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới