Wednesday, November 13, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhững ai được thả trong cuộc trao đổi tù nhân lịch sử...

Những ai được thả trong cuộc trao đổi tù nhân lịch sử Nga – phương Tây?

Cuộc trao đổi tù nhân lịch sử giữa phương Tây và Nga ngày 1.8 là thành quả của nhiều tháng đàm phán vận động và một cuộc gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và gia đình nhà báo Alsu Kurmasheva đón chào bà trở về khuya 1.8

Ngày 1.8, Nga và phương Tây bất ngờ tiến hành vụ trao đổi tù nhân, theo đó Nga nhận 8 công dân và 2 trẻ em là con của những người này. Đổi lại, 16 công dân, thường trú nhân phương Tây và các nhân vật đối lập người Nga di chuyển theo chiều ngược lại.

Cuộc trao đổi mà ông Biden gọi là “kỳ tích ngoại giao” này là thành quả của nhiều tháng vận động và làm việc cật lực âm thầm của các quan chức.

“Con cá lớn” của Nga
Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan của Nhà Trắng miêu tả cuộc đàm phán là quá trình gian khó và trở nên phức tạp hơn bởi xung đột tại Ukraine cũng như mối quan hệ suy thoái toàn diện giữa phương Tây với Nga, theo AFP. Cuộc đàm phán ban đầu chủ yếu tập trung vào việc cứu ông Paul Whelan, cựu binh Mỹ bị vào năm 2018 khi ông Donald Trump còn làm Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, việc đàm phán sau đó trở nên khó khăn hơn khi Nga bắt ông Gershkovich và nhà báo Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva.

Theo CNN, các quan chức Mỹ đã âm thầm thảo luận với những người đồng cấp Đức trong nhiều tháng qua về khả năng thả ông Vadim Krasikov, người bị kết án tù chung thân tại Đức vì sát hại một cựu binh người Chechnya tại Berlin hồi năm 2019. Tòa án Đức cho rằng ông này hành động đại diện nhà nước Nga.

Người bị sát hại là ông Zelimkhan Khangoshvili, từng chiến đấu chống Nga trong xung đột Chechnya và sau đó sống ở Georgia. Ông Khangoshvili bị coi là cái gai trong mắt lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Putin hồi tháng 2 gợi ý về việc đưa ông Krasikov về nước khi nói rằng có thể đạt thỏa thuận thả một người “đã trừ khử một tên cướp tại một thủ đô châu Âu” vì “lòng yêu nước”.

“Ông ta (Krasikov) chắc chắn là con cá lớn nhất mà người Nga muốn đưa về. Không ai làm ngơ trước tội lỗi và mối liên kết của ông ta với tình báo Nga. Nhưng nhằm đảm bảo sự tự do của những người Mỹ và nước ngoài vô tội, bạn phải đưa ra vài quyết định khó khăn”, các quan chức Mỹ nói.

“Việc trở nên rõ ràng rằng người Nga sẽ không đồng ý thả những người này mà không bao gồm ông Vadim Krasikov, một phạm nhân Nga đang trong nhà tù Đức, không phải người mà chúng tôi có thể tự đề xuất. Việc này đòi hỏi sự liên lạc ngoại giao sâu rộng với các đối tác Đức của chúng tôi, bắt đầu từ trên cao nhất là Tổng thống Biden, người đã làm việc trực tiếp về vấn đề này với Thủ tướng Scholz”, ông Sullivan cho hay.

Theo AFP, ông Biden có đóng góp then chốt cho thỏa thuận vào ngày 21.7, chỉ vài giờ trước khi ông công bố chấm dứt chiến dịch tái tranh cử tổng thống Mỹ. Khi đó, ông đang cách ly điều trị Covid-19 tại nhà ở bang Delaware và đã gọi điện cho lãnh đạo Slovenia để kêu gọi hỗ trợ hoàn tất thỏa thuận. Slovenia sau đó đồng ý thả 2 người Nga đã bị kết tội gián điệp.

Nỗ lực hậu trường

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu vấn đề với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock tại hội nghị G7 hồi tháng 4.2023 nhưng bà Baerbock không đồng ý, theo lời một quan chức Mỹ. Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan của Nhà Trắng cũng đã nhiều lần đề cập việc thả ông Krasikov với người đồng cấp Đức.

Trong một cuộc gọi hồi tháng 1, Tổng thống Biden nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về dự định sẽ thảo luận với nhà lãnh đạo Đức tại Nhà Trắng về một cuộc trao đổi với Nga bao gồm ông Krasikov. Trong chuyến thăm Nhà Trắng vào tháng 2, hai nhà lãnh đạo đã bàn bạc và giới chức Mỹ cảm nhận được mọi việc đang tiến triển đúng hướng.

Sau đó, ông Sullivan thường xuyên chuyển danh sách những người Nga có thể được thả cho Đức. Phương Tây ban đầu muốn đổi ông Krasikov lấy nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny. Tuy nhiên, kế hoạch phá sản khi ông Navalny chết trong nhà tù tại Nga hồi tháng 2.

Ngay khi biết tin, ông Sullivan gọi cho cha mẹ của phóng viên Evan Gershkovich, người đang bị giam tại Nga. “Đội ngũ cảm thấy mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát về nỗ lực đưa Paul (Whelan) và Evan về nhà. Tuy nhiên, Jake nhìn nhận một cách khác và nhấn mạnh với bà Ella và ông Mikhail rằng ông ấy vẫn thấy một con đường”, một quan chức cấp cao của Mỹ nói.

Ông Sullivan chỉ đạo trợ lý đưa ra những lựa chọn khác khả dĩ về mặt chính trị, đặc biệt là có thể được người Đức chấp nhận. Kết quả là cuộc trao đổi như trong ngày 1.8.

Song song đó, Mỹ cũng liên hệ các đồng minh đang giam giữ gián điệp Nga để có thể đưa ra đề nghị mà Moscow không từ chối.

Một quan chức Mỹ cho hay Thủ tướng Scholz đồng ý vào đầu tháng 6, sau khi nhận được một bức thư tay của Tổng thống Biden vào cuối tháng 4. Phía Nga gật đầu khoảng 2 tuần trước.

Tổng thống Biden ngày 1.8 cảm ơn Thủ tướng Scholz, ca ngợi quyết định “mạnh mẽ và dũng cảm” của các đồng minh. “Các nước khác cũng quan trọng cho thỏa thuận này, gồm Na Uy, Slovenia và Ba Lan, những bên có giam giữ công dân Nga nằm trong lần trao đổi này. Chúng tôi cũng rất biết ơn Thổ Nhĩ Kỳ vì sự hỗ trợ hậu cần quan trọng giúp cho thỏa thuận này có thể xảy ra”, ông Sullivan nói.

Tin đồn về cuộc trao đổi được lan truyền vào đầu tuần này khi nhiều nhân vật trong danh sách biến mất khỏi nơi giam giữ tại Nga, khiến luật sư và gia đình họ báo động.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới