Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDự án kênh đào Phù Nam – Campuchia gặp khó

Dự án kênh đào Phù Nam – Campuchia gặp khó

Dự án kênh đào Phù Nam mấy tháng gần đây gây căng thẳng giữa Việt Nam và Campuchia nói riêng, giữa các nước có chung nguồn lợi từ sông Mekong nói chung. Đặc biệt, khi Campuchia đã kiên quyết không chia sẻ thông tin dự án này cho các quốc gia khác theo Hiệp định sông Mekong năm 1995. Tuy nhiên, khi còn chưa động thổ, theo thông tin mới nhất, việc hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc đã xảy ra vấn đề. Vậy vấn đề đó là gì?

Dự án Kênh đào phù Nam Kecho của Campuchia đang gặp khó khăn.

Nhắc chút về dự án kênh đào Phù Nam. Tháng 8/2023, dự án đường thủy đầy tham vọng trị giá 1,7 tỷ USD. Khi hoàn thành nó sẽ là kênh đường thủy đầu tiên ở Campuchia, nối cảng tự trị Phnom Penh với tỉnh ven biển Kep bằng cách cắt ngang qua bốn tỉnh Kandal, Takéo, Kampot và Kep. Kênh rộng 100m với độ sâu ổn định là 5,4m, có thể tiếp cận các tàu chở hàng với trọng tải lên tới 3.000 tấn, dự án này cũng bao gồm việc xây dựng ba hệ thống âu tàu, 11 cây cầu và 208km đường ven.

Ngay khi có thông tin, Việt Nam và các quốc gia có chung nguồn lợi từ sông Mekong đã lên tiếng, yêu cầu Campuchia phải chia sẻ thông tin theo Hiệp định năm 1995. Người kế nhiệm, ông Hun Sen cũng là con trai ông là Hun Manet, đã khẳng định, ông ta sẽ làm bằng được con kênh đào này bất chấp nhiều lời chỉ trích từ các quốc gia xung quanh và những lo ngại của Việt Nam.

Campuchia công bố hồi năm 2023, dự án này có nguồn vốn 100% đến từ phía Trung Quốc, như một phần của dự án “Vành đai và Con đường” do ông Tập Cận Bình khởi thảo. Theo hợp đồng về kênh đào Phù Nam, công ty của phía Trung Quốc sẽ quản lý con kênh bao gồm việc bảo trì và thu lợi nhuận từ việc thu phí qua kênh. Công ty của phía Trung Quốc cũng sẽ chuyển giao quyền quản lý kênh cho chính phủ Campuchia sau một khoảng thời gian khoảng từ 40, 50 năm. Kênh Phù Nam sẽ là một trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Trung Quốc tại Campuchia. Theo đúng kế hoạch, kênh đào động thổ vào tháng 8 năm nay và dự kiến là sẽ hoàn thiện trong khoảng thời gian là 4 năm. Tuy nhiên, theo những gì rò rỉ vẻ như đã có sự trục trặc giữa hai bên.

Nếu năm 2023, Campuchia tuyên bố dự án này có nguồn vốn 100% đến từ Trung Quốc, mới đây, tháng 5/2024, tờ Khmer Times đã đưa tin ông Hun Manet trong lần dự lễ khánh thành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Campuchia đã phát biểu: “Chúng tôi sẽ không trì hoãn công việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, khi việc xây dựng con kênh này bắt đầu, hầu hết người dân Campuchia sẽ tham gia. Tất nhiên, chúng tôi đang đàm phán với một công ty đầu tư Trung Quốc vì họ có công nghệ và một số khoản đầu tư, chúng tôi sẽ khởi công vào tháng 8”. Như vậy, so sánh các nguồn thông tin từ năm 2023 – 2024, ta thấy được một số vấn đề như sau:

1. Đã xuất hiện những manh mối khác hoàn toàn với những tuyên bố trước kia về kênh đào Phù Nam

Theo lời ông Hun Manet, Campuchia sẽ đóng góp phần lớn nguồn vốn đầu tư cho kênh đào nhưng vẫn cần tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư Trung Quốc để hỗ trợ công nghệ và huy động phần vốn còn lại. Ông Hun Manet cũng tuyên bố hoan nghênh bất cứ ai tới nước này, để tham gia dự án xây dựng kênh đào phục vụ cho lợi ích của người dân.

Ông Hun Manet cũng nói: Người dân đoàn kết Campuchia sẽ hoàn thành dự án kênh đào Phù Nam Techo dù cho nhà đầu tư nước ngoài có tham gia hay không. Từ phát biểu như trên của ông Hun Manet, ta đã thấy có sự khác biệt lớn so với các thông tin trước đây mà họ từng đưa; Trung Quốc sẽ tài trợ hoàn toàn 1,7 tỷ USD.

Như vậy, chưa đầy một năm, thông tin đã có nhiều pha đảo chiều gần như là 180 độ. Từ thái độ tự tin hồi năm 2023 về một mối quan hệ Campuchia – Trung Quốc đầy tốt đẹp với biểu tượng là kênh đào Phù Nam Techo, bây giờ là sự khẳng định phía Campuchia, họ vẫn sẽ làm dù không có Trung Quốc tài trợ. Điều đó, cho thấy mọi thứ không màu hồng như người ta dự đoán hồi năm 2023.

2. Việt Nam không phải bên duy nhất quan tâm tới kênh đào này.

Với Trung Quốc mà nói, dự án này chỉ như một hạt cát trong sa mạc nguồn vốn của dự án “Vành đai Con đường”. Tuy nhiên, các học giả của Trung Quốc cũng đặt ra những lo ngại về mức độ khả thi, vấn đề kinh tế của dự án này. Các trang báo của Trung Quốc như Tencent, Hoàn Cầu Thời Báo mới đây cũng đặt ra những hoài nghi và lon ngại đề kinh tế với con kênh này như sau:

2.1. Lo ngại dự án này sẽ thua lỗ

Thực ra đây không phải dự án đầu tiên của Trung Quốc bị thua lỗ tại Campuchia. Ví dụ như là dự án đường cao tốc Phnom Penh – Sihanoukville dài 187 km, Trung Quốc được phép thu phí và quản lý dự án này trong 50 năm. Các tài xế sẽ phải trả từ 12 USD cho một chiếc xe hơi nhỏ và lên tới 60 USD cho một chiếc xe tải chở hàng khi di chuyển một chiều trên đường cao tốc này. Thế nhưng dự án này sau đó đã chết hoàn toàn, do nhu cầu vận tải của Campuchia thấp hơn nhiều so với quy mô dự tính.

Với kênh đào Phù Nam, phía Trung Quốc nhìn tới khả năng Việt Nam giảm mạnh giá cước đối với tàu thuyền Campuchia quá cảnh qua đường thủy Việt Nam, kênh sẽ mất khách và không đạt được lợi nhuận như kỳ vọng. Hiện nay, 33% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Campuchia đi qua hạ lưu sông Mekong ở Việt Nam, đó là một con số khổng lồ không thể thay đổi trong một sớm một chiều, kể cả khi có Phù Nam Techo.

Trong trường hợp xây xong, hiệu quả kinh tế vẫn mù mờ, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol ước tính thu nhập từ thu phí trên kênh là khoảng 88 triệu USD năm đầu và 570 triệu USD cho 25 năm sau. Tăng trưởng như vậy tương đương với mức 7,5% trong suốt 25 năm. Đây được xem là một điều hoang tưởng.

2.2. Dự án quá nhỏ so với kế hoạch phát triển kinh tế trong dài hạn

Kênh đào của Campuchia chỉ cho phép tàu có trọng tải tối đa là 3.000 tấn hoạt động. Tàu lớn hơn vẫn buộc phải quá cảnh qua đường thủy của Việt Nam để tới Campuchia. Nếu Campuchia cũng phát triển kinh tế theo định hướng xuất khẩu, họ sẽ ngày càng phải sử dụng nhiều tàu to hơn chứ không thể chỉ dựa vào một đội tàu với nhiều tàu nhỏ. Cho nên, dù xây xong con kênh này, Campuchia cũng chưa thể nào hoàn toàn từ bỏ tuyến đường thủy đi qua Việt Nam.

2.3. Đi ngược lại với quy luật của nền kinh tế tự do

Hiện nay, các thương nhân đều chọn con đường đi ngắn nhất có thể tiết kiệm kinh phí và thời gian. Không còn lựa chọn nào khác mới phải chọn tuyến xa hơn. Ví dụ như tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ, quân Houthi đe dọa tấn công các con tàu chở hàng đi qua đây khiến một số tàu phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng như hàng thế kỷ trước, còn lại tất cả đều đi theo xu hướng trên.

Khi chọn tuyến kênh Phù Nam thay vì quá cảnh qua Việt Nam, thương thuyền sẽ phải trả phí ra vào kênh Phù Nam, phải đi chậm lại trên kênh và xếp hàng chờ sáu tiếng tại ba âu tàu khi ra tới cửa vịnh Thái Lan; còn phải đi xa thêm một đoạn cong dài 398 dặm mất thêm 17 tiếng nữa, vòng dưới mũi Cà Mau, ngược về hướng Vũng Tàu, rồi mới lên Bắc Thái Bình Dương, khiến chi phí tăng cao.

Như vậy, kênh đào Phù Nam có khả năng sẽ bị tẩy chay và có thể bị bỏ hoang như các cao ốc tại Sihanoukville chẳng có người ở. Với những vấn đề được chính các học giả phía Trung Quốc đưa ra, ta có thể suy đoán rằng đã có nhiều cân nhắc từ phía Bắc Kinh, khiến họ chần chừ trong việc hợp tác với Campuchia.

3. Dự án làm gia tăng căng thẳng thêm với Việt Nam

Có thể vấn đề kinh tế không nghiêm trọng khi các tàu có trọng tải lớn trên 3.000 tấn vẫn sẽ phải đi qua Việt Nam, thế nhưng tác động tới môi trường là điều không thể tránh khỏi; và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia. Tạm bỏ qua mấy khả năng Trung Quốc dùng nó làm mục đích quân sự hoặc bẫy nợ, ảnh hưởng của con kênh này về vấn đề môi trường và an ninh chiến lược của Việt Nam là có thật.

Theo những đánh giá và nghiên cứu từ phía Việt Nam, con kênh này xây xong nó sẽ có tác động vô cùng tiêu cực tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ của Việt Nam. Dòng chảy tự nhiên của con sông đang bị gián đoạn, do tác động tiêu cực từ các đập thủy điện ở thượng nguồn. Điều này cũng khiến cho nguồn cung cấp trầm tích sông của đồng bằng giảm hơn 90%, gây nên những thay đổi lớn về sản lượng cá, đa dạng sinh học và chế độ dòng chảy lưu vực, phá vỡ các hệ sinh thái mỏng manh và gây nguy hiểm cho sinh kế của 18 triệu người sinh sống dọc hai bên bờ sông.

Dự án này cũng có thể gây ra tác động hơn nữa cho cộng đồng dân cư ở hạ lưu, vốn đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu bởi kênh đào này cần tới hơn 80 triệu mét khối nước để hoạt động, góp phần làm cạn kiệt mức nước ở sông Tiền và sông Hậu của Việt Nam.

Mối quan tâm đặc biệt là sự thay đổi dòng chảy của sông Mekong. Kênh đào có thể hoạt động như một con đê ngăn nước chảy vào các khu vực quan trọng của đồng bằng ở miền Nam Việt Nam. Nó có thể gây ra khô hạn ở phía Nam kênh và vùng ẩm ướt ở phía Bắc, do dòng nước của sông Mekong có thể mở rộng trong mùa mưa vào những tháng cuối năm. Kênh sẽ hoạt động như một con đập khi nước chảy xuôi dòng chạm vào kênh và chuyển hướng về phía đại dương. Sự thay đổi dòng nước như thế sẽ tác động đáng kể tới các hoạt động nông nghiệp và gây nguy hiểm cho môi trường sống của các loài dễ bị tổn thương trong khu vực. Vấn đề thiếu nước ngày càng gia tăng sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng dân số, tới đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhu cầu năng lượng khi giá trị kinh tế và chiến lược của nước tăng lên.

Đây sẽ là một thử thách đặt ra cho mối quan hệ Việt Nam – Campuchia, vốn đã có nhiều thăng trầm trong lịch sử. Chính vì vậy, dù mới đây nhất ông Hun Manet khẳng định sẽ không hoãn thi công con kênh, nhưng, như đã thấy chỉ chưa đầy một năm mà đã có quá nhiều thông tin và quan điểm xoay chiều kỳ án. Do vậy, càng gần Ông, nhiều người càng không chắc liệu con kênh này có được khởi công đúng tháng 8/2024 hay không, như lời tuyên bố của họ, hoặc có xây xong trong vòng 4 năm nữa hay không.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới