Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMáy bay chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo của...

Máy bay chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo của Mỹ

F22 Raptor được nhiều người coi là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không tốt nhất trên hành tinh, nhưng với ít hơn 150 chiếc trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu còn lại trong biên chế, kẻ săn mồi hàng đầu trên bầu trời của Mỹ là một loại vũ khí có nguy cơ tuyệt chủng. Đó là lý do chương trình NGAD của không quân Hoa Kỳ ra đời.

Chương trình Next Generation Air Dominance (NGAD).

NGAD là chương trình chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo của không quân Mỹ. Điểm khác biệt của nó so với các mẫu chiến đấu cơ trước đây là khả năng triển khai máy bay không người lái UAV đi kèm. Không giống như những chương trình chế tạo máy bay chiến đấu mới, NGAD không đặt ra mục đích phát triển một loại máy bay phản lực duy nhất mà là cả một nhóm hệ thống có thể trải rộng trên nhiều khung máy bay. Nó bao gồm một loạt máy bay không người lái hỗ trợ sẽ bay cùng với máy bay chiến đấu có người lái. NGAD sẽ chuyên về không chiến với mục tiêu đã nêu rõ là kiểm soát không phận đối phương. Tuy nhiên, giống như hầu hết các máy bay chiến thuật hiện đại, chiến đấu cơ này vẫn có thể thực hiện các nhiệm vụ mở rộng khác.

Theo ước tính của không quân Mỹ, mỗi chiếc NGAD sẽ có giá khoảng 200 triệu USD, chi phí cho các UAV cỡ nhỏ đi kèm sẽ từ 1,3 triệu USD trong giai đoạn đầu đưa vào trang bị. Con số này sẽ giảm xuống còn 100 triệu USD mỗi chiếc sau khi NGAD được biên chế đầy đủ, tương đương với tiêm kích tàng hình F-35.

NGAD dự kiến sẽ tận dụng mạnh mẽ hơn các xu hướng hàng không hiện tại về tự động hóa buồng lái và hợp nhất dữ liệu, loại bỏ nhiều chức năng điều khiển chuyến bay đơn điệu hoặc phức tạp hơn. Điều đó cho phép phi công rảnh tay tập trung vào cuộc chiến, đặc biệt là trong khi chỉ đạo máy bay không người lái hỗ trợ tham gia các mục tiêu trên không hoặc trên mặt đất thay cho máy bay chiến đấu.

Mặc dù chưa được xác nhận, nhưng người ta hy vọng rằng, máy bay chiến đấu NGAD sẽ tận dụng các động cơ chu kỳ thích ứng đang được phát triển hiện nay để tăng lực đẩy, cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu và tăng đáng kể khả năng quản lý nhiệt. Năm 2020, có thông báo rằng một mẫu trình diễn công nghệ với kích thước đầy đủ cho chương trình NGAD thậm chí đã phá vỡ nhiều kỷ lục bay. Mặc dù một bản mẫu trình diễn công nghệ sẽ không giống với một nguyên mẫu đang bay và thậm chí có thể hoàn toàn khác xa các máy bay thực sự được bộ quốc phòng sử dụng, nhưng có vẻ như chương trình NGAD đang được tiến triển với tốc độ tối đa.

Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin của Mỹ ngày 21/11/2023 đã đăng video quảng bá nhân kỷ niệm 80 năm thành lập văn phòng Skunk Works, bộ phận phát triển máy bay của hãng. Video điểm lại hành trình thiết kế, phát triển máy bay quân sự của Lockheed Martin 80 năm qua, trong đó xuất hiện hình vẽ minh họa hiếm hoi về thiết kế không cánh đuôi của dòng tiêm kích thế hệ thứ 6. Đây là mẫu chiến đấu cơ mà Lockheed Martin đang phát triển trong chương trình tiêm kích bầu trời thế hệ mới của không quân Mỹ.

Theo chuyên gia quân sự Tyler Rogoway của Drive, hình dạng cánh và thiết kế tổng thể của tiêm kích thế hệ 6 trong video có nhiều nét tương đồng với các hình ảnh về chương trình NGAD trước đây của Skunk Works, bao gồm bản vẽ đen trắng mà văn phòng này chia sẻ từ hồi tháng 7/2023. Chuyên gia này cũng nhận định chiếc tiêm kích có phần đuôi nhọn, không có cánh đuôi đứng, cho thấy nó dường như có một động cơ với ống xả tương tự chiến đấu cơ F-22 nhưng phần viền răng cưa thấp hơn. Đây là thiết kế phổ biến của các dòng chiến đấu cơ tàng hình, giúp giảm bớt hoặc che giấu tín hiệu bức xạ hồng ngoại của máy bay trước các thiết bị cảm biến. Thiết kế này cũng giúp phân tán và làm mát khí thải tốt hơn sau khi nó thoát ra khỏi ống xả.

Hiện chưa rõ tiêm kích của Lockheed Martin hay chương trình NGAD của Mỹ nói chung có động cơ đẩy vector hay không. Tuy nhiên, khả năng cao là nó sẽ được trang bị tính năng này. Chuyên gia Tyler cho biết, động cơ đẩy vector giúp tăng tính cơ động của máy bay, do đó có thể điều chỉnh luồng xả linh hoạt theo nhiều hướng, giúp máy bay nhanh chóng chuyển hướng khi tác chiến. Trên thân trong của tiêm kích có hai phần lồi lên có thể giúp tăng thể tích bên trong mà không ảnh hưởng tới năng lực tàng hình. Cũng có khả năng đây là cách để che giấu thiết kế thực sự của chiếc máy bay mà không làm sai lệch quá nhiều hình dạng tổng thể, Rogoway nhận định.

Điểm đáng chú ý nhất là phần kính buồng lái, kích thước lớn hơn nhiều so với các hình ảnh về tiêm kích thế hệ 6 mà Lockheed Martin từng công bố, cho thấy dòng chiến đấu cơ này dường như có hai chỗ ngồi chứ không phải là một như các nhận định ban đầu. Dù khả năng tự động hóa tích hợp với trí thông minh nhân tạo AI là điểm nhấn của chiến đấu cơ thế hệ thứ 6, có thêm một phi công trong buồng lái vẫn sẽ giúp việc điều khiển máy bay trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là khi phi cơ đóng vai trò chỉ đạo đội hình tác chiến.

Nhược điểm, điều này sẽ làm giảm tải trọng nhiên liệu vũ khí của tiêm kích, cũng như khiến nhiệm vụ giải cứu phi công trong trường hợp máy bay bị bắn rơi trở nên phức tạp hơn do có tới hai người cần được cứu thay vì một. Không quân Mỹ cũng sẽ phải huấn luyện nhiều phi công hơn để lái chiến đấu cơ thế hệ mới, tạo thêm gánh nặng cho chương trình đào tạo nhân lực vốn gặp nhiều trắc trở gần đây của lực lượng này.

Một điểm đáng chú ý khác về kính buồng lái là nó có hình dạng kéo giãn về hai bên thay vì hình bong bóng như các dòng chiến đấu cơ truyền thống. Điều này giúp chiếc tiêm kích có thiết kế mang năng lực tàng hình và kiểu dáng khí động học nhất có thể.

NGAD là chương trình của không quân Mỹ nhằm phát triển nhiều hệ thống vũ khí, gồm máy bay có người lái và không người lái, với trọng tâm là tiêm kích tàng hình tầm xa thế hệ mới mang tên mã Xuyên Thủng Lưới Phòng Không PCA, nhằm thay thế cho dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-22 Raptor từ năm 2030. Không quân Mỹ hồi tháng 3/2023 cho biết lực lượng này đặt mục tiêu sản xuất 200 chiến đấu cơ và 1000 máy bay không người lái hỗ trợ từ chương trình NGAD.

F/A-XX: Máy bay chiến đấu tàng hình mới

Nó được cho là sẽ chia sẻ các hệ thống với NGAD trong khi mang lại một bước nhảy lớn về công nghệ sau nhiều thập niên cố gắng đưa mọi máy bay chiến đấu mà Hoa Kỳ từng phát triển và thực hiện nhiệm vụ trên tàu sân bay. Đỉnh điểm là cơn ác mộng mua sắm F-35 Joint Strike Fighter, máy bay chiến đấu tàng hình tiếp theo của hải quân Hoa Kỳ đang được phát triển đặc biệt để thực hiện chuyên biệt các nhiệm vụ trên hạm đội tàu sân bay.

Được phát triển dưới cái tên F/A-XX, tiền tố F/A chỉ ra rằng loại máy bay mới này sẽ không chỉ có khả năng thực hiện nhiều vai trò giống như tất cả các máy bay chiến đấu hiện đại mà còn được cho là sẽ vượt trội ở cả khả năng không đối không. Hải quân và không quân Hoa Kỳ đều chỉ ra rằng máy bay chiến đấu tàng hình F/A-XX sẽ chia sẻ một số hệ thống chung với chương trình NGAD. Điều này sẽ cho phép máy bay chiến đấu mới này được đưa vào sử dụng nhanh hơn. Điều đó cũng có nghĩa là máy bay phản lực tiếp theo của hải quân sẽ được hưởng lợi từ cùng một kiến trúc phần cứng và phần mềm module nhằm cho phép cập nhật thường xuyên với chi phí thấp cho các máy bay này khi công nghệ của chúng liên tục được cập nhật và phát triển.

Bên cạnh sự tăng cường cần thiết về khả năng tàng hình và tổng hợp dữ liệu mà Hoa Kỳ ưu tiên trong các chương trình máy bay chiến đấu mới, F/A-XX của hải quân cũng sẽ cần cung cấp phạm vi hoạt động gia tăng đáng kể so với Super Hornet và F-35C hiện đang hoạt động trên biển, vùng chống xâm nhập chống tiếp cận của Trung Quốc đang ngày càng mở rộng.

Khu vực Thái Bình Dương nằm trong tầm bắn của các tên lửa chống hạm siêu thanh tiên tiến của Bắc Kinh như là Đông Phong DF hiện đã mở rộng hơn 1600km từ bờ biển Trung Quốc. Trong khi các máy bay phản lực của hải quân như F/A-18E và F-35C có bán kính chiến đấu chỉ khoảng hơn 1000km, điều đó có nghĩa là các tàu sân bay Mỹ không thể di chuyển đủ gần Trung Quốc để thực hiện các phi vụ chiến đấu mà không đặt mình vào tầm nguy hiểm và nguy cơ bị đánh chìm bởi tên lửa của Bắc Kinh.

F/A-XX dự kiến sẽ giải quyết khoảng cách năng lực này bằng cách tận dụng cả kho dự trữ nhiên liệu lớn hơn và động cơ chu trình thích ứng hiệu quả hơn. Đồng thời, nó cũng hưởng lợi từ việc tiếp nhiên liệu trên không do máy bay không người lái MQ-29 trên tàu sân bay cung cấp. Hải quân vẫn chưa công bố ước tính chi phí cho máy bay chiến đấu này, nhưng nó có thể sẽ có giá tương đương với NGAD. Theo tài liệu “Tầm nhìn Không lực Hải quân 2030-2035” được công bố hồi năm 2021, Hải quân Mỹ dự tính thay thế các chiến đấu cơ F/A-18 E/F Super Hornet đang hoạt động trên các tàu sân bay bằng F/A-XX vào thập niên 2030.

Máy bay ném bom tàng hình không người lái Wingman

Trong bài phát biểu quan trọng tại hội nghị chuyên đề về tác chiến năm 2022, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall tiết lộ rằng, Hoa Kỳ đang lên kế hoạch phát triển một thế hệ máy bay ném bom tàng hình không người lái. Điều đặc biệt là mẫu máy bay này có thể thực hiện các nhiệm vụ tương tự các dòng máy bay ném bom có người lái. Điều này sẽ giúp mở rộng khả năng tấn công thâm nhập sâu của Mỹ trong không phận tranh chấp gay gắt.

Mục tiêu của Mỹ khi phát triển UAV ném bom là dọn đường cho các máy bay ném bom B-21 trước các chiến dịch không kích quy mô lớn. Dựa trên yêu cầu của Không quân Mỹ gửi cho các nhà thầu quốc phòng, UAV ném bom phải có khả năng cất cánh tối thiểu 1,8 tấn và có tầm hoạt động hơn 2400km. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự nhận định tầm hoạt động của UAV này thấp nhất cũng phải bằng B-21 nếu muốn đóng vai trò hỗ trợ tác chiến tầm xa.

Mẫu máy bay ném bom không người lái này có giá ước tính lên đến 300 triệu USD mỗi chiếc, bằng một nửa giá của mỗi chiếc B-21. Dù vậy, giá trị chúng mang lại sẽ lớn hơn nhiều các dòng chiến đấu cơ tàng hình thông thường. Một máy bay ném bom tàng hình không người lái rẻ hơn đáng kể có thể bay trước B-21 Raider và mang lại giá trị chiến lược to lớn. Các phi hành đoàn của B-21 có thể sử dụng những UAV ném bom này để nhắm mục tiêu vào các vũ khí chống hạm được bảo vệ quá tốt hay mạo hiểm giao chiến với máy bay có người lái hoặc giao tranh với các hệ thống phòng không, mở ra một con đường an toàn hơn đến mục tiêu.

Tất nhiên, với chi phí bằng một nửa so với B-21, chúng ta vẫn đang nói về một máy bay ném bom tàng hình không người lái có giá bằng ba chiếc F-35 trở lên, thực sự là quá đắt đỏ. Tuy nhiên, ngay từ đầu F-35 có thể không tiếp cận được những mục tiêu này, trong khi những chiếc máy bay ném bom tàng hình không người lái mới này thì có thể làm nên chuyện.

Với việc B-21 dự kiến sẽ thay thế cả B-2 Spirit và B-1B Lancer, Mỹ nên xem xét trang bị các máy bay ném bom tàng hình không người lái rẻ hơn như một sự bổ sung cho phi đội máy bay ném bom thế hệ tiếp theo của mình. Chương trình này vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Các quan chức Không quân Mỹ hiện đang đánh giá hệ thống nào của B-21 nên được chuyển sang máy bay không người lái tàng hình và hệ thống nào không thể do hạn chế về chi phí.

UAV tàng hình siêu thanh.

Ẩn mình trong danh sách dài các chương trình vũ khí siêu thanh được Lầu Năm Góc đổ hàng tỷ USD trong vài năm trở lại gần đây chính là chương trình UAV siêu thanh Mayhem.

Mayhem do Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân thực hiện, trong đó bao gồm cả phát triển một hệ thống động cơ đẩy phản lực hai chu kỳ. Mặc dù Mayhem thường được xem như một chương trình tên lửa, nhưng các yêu cầu phát triển phương tiện siêu thanh này cho thấy nó mang thiết kế của một UAV siêu thanh không người lái có thể tái sử dụng. Mục tiêu của Không quân Mỹ với Mayhem là thực hiện các nhiệm vụ tấn công và thu thập tình báo. Nói cách khác, Mayhem là một phương tiện bay sử dụng động cơ phản lực có thể thực hiện các hành trình bay từ cận âm cho đến siêu thanh. Mỹ hiện có UAV Reaper và Global Hawk phụ trách trinh sát, cả hai đều không thể thực hiện nhiệm vụ ở tốc độ cao, Mayhem sẽ lấp đầy khoảng trống này.

Trong quá khứ từng xuất hiện máy bay trinh sát siêu nhanh nổi tiếng nhất là SR-71 Blackbird, A-12, và U-2. Sự phát triển của công nghệ giúp chương trình Mayhem hứa hẹn hơn những loại tiền nhiệm. Ví dụ như loại bỏ phi công cũng giúp thu nhỏ kích thước tổng thể, cho phép máy bay không bị ràng buộc bởi việc phải giữ mạng sống cho con người. Hệ thống trinh sát hình ảnh, công nghệ xử lý và truyền dữ liệu không dây đều được cải tiến mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua, cho phép chụp và lưu trữ hình ảnh chất lượng cao, mặc dù chụp ảnh rõ nét ở tốc độ cao còn gặp trở ngại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới