Căng thẳng leo thang, đặc biệt sau hai vụ ám sát thủ lĩnh Hamas tại Iran và thủ lĩnh Hezbollah ở Lebanon, đang làm dấy lên nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông đến bên bờ vực của một cuộc chiến trên diện rộng. Cộng đồng quốc tế đang hối thúc các bên liên quan kiềm chế bất kỳ bước đi nào có thể khiến xung đột leo thang hơn nữa, làm trầm trọng thêm tình hình khủng hoảng đa chiều, vốn đã rất thảm khốc tại khu vực.
Giới chuyên gia địa chính trị nhận định, thời điểm hiện tại là thời điểm nhạy cảm và nguy hiểm nhất tại Trung Đông, dễ dẫn tới nguy cơ bùng phát vòng xoáy xung đột khó kiểm soát tại khu vực. Không loại trừ nguy cơ về một cuộc chiến tranh tổng lực trên diện rộng giữa lúc các nỗ lực hòa đàm đang trở nên phức tạp hơn.
Sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, những cuộc tiếp xúc giữa các bên trung gian Ai Cập và Qatar với Israel để đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza đã tạm dừng hoàn toàn. Các vụ tấn công mới nhất phủ bóng đen lên nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin ở Gaza, cũng như hy vọng giảm căng thẳng giữa Israel và các đối thủ thân Iran trong khu vực. Phong trào Hezbollah sáng qua (4/8) còn tuyên bố tập kích rocket vào khu vực Beit Hillel, Kiryat Shmona và Misgav Am ở miền Bắc Israel trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa nước này với Li-băng leo thang.
Mỹ, Anh, Pháp, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số hàng loạt các quốc gia đang kêu gọi công dân nhanh chóng rời khỏi Trung Đông trong bối cảnh khu vực này đang trong tình trạng báo động cao sau khi Iran và đồng minh Hezbollah của nước này ở Lebanon tuyên bố sẽ trả đũa Israel. Đáp lại, Israel khẳng định không loại trừ phương án “đánh phủ đầu” nếu Iran thực sự tiến hành các hành động trả đũa. Tuyên bố công khai về khả năng có “hành động phòng ngừa” đã được Israel đưa ra tại cuộc họp cấp cao do Thủ tướng Benjamin Netanyahu triệu tập tối qua 4/8. Thủ tướng Netanyahu cho rằng, Israel hiện đang trong một “cuộc xung đột đa mặt trận” với Iran và các lực lượng ủy nhiệm.
“Chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi tình huống cả về phòng thủ lẫn tấn công. Tôi muốn một lần nữa nhắc lại với kẻ thù của chúng tôi rằng: Chúng tôi sẽ phản ứng lại và đòi hỏi phải trả giá đắt cho bất kỳ hành động thù địch nào nhằm vào chúng tôi, từ bất kỳ đấu trường nào”, ông Netanyahu nói.
Vài giờ sau tuyên bố của Thủ tướng Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant thông báo, Israel “đang chuẩn bị rất mạnh mẽ” và sẵn sàng phản ứng một cách nhanh chóng.
Để hạ nhiệt tình hình, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức họp khẩn. Liên đoàn Arab, Trung Quốc, Jordan, Ai Cập… kêu gọi các bên kiềm chế, cảnh báo hậu quả tàn khốc của một cuộc chiến khu vực. Ngoại trưởng Jordan và Lebanon đã tới Iran trong những ngày qua để nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng. Trong khi đó, Mỹ, EU đã thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm kêu gọi tất cả các bên chấm dứt hành động leo thang xung đột và chấp nhận ngừng bắn. Mỹ đang triển khai sức mạnh quân sự bổ sung ở Trung Đông như một biện pháp phòng thủ nhằm giảm căng thẳng trong khu vực.
Ông Jonathan Finer, Phó cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng nhấn mạnh:“Chúng tôi đang nỗ lực rất nhiều để hạ nhiệt tình hình thông qua các biện pháp ngoại giao vì chúng tôi không tin rằng một cuộc chiến trong khu vực sẽ mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào vào thời điểm hiện tại, và đó là điều chúng tôi đã cố gắng tránh kể từ ngày 7/10 vừa qua. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ và hợp tác với đồng minh Israel và các đối tác, các đồng minh khác trong khu vực nhằm đảm bảo tình hình không trở nên tồi tệ hơn”.
Những diễn biến mới nhất tại Trung Đông, theo các nhà quan sát, đang tạo ra một nghịch lý. Mặc dù các bên xung đột đều tỏ rõ lập trường muốn tránh một cuộc chiến diện rộng, song thực tế lại vẫn bế tắc trong việc ngồi vào bàn đàm phán tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt tình hình. Các hành động của Iran nhằm vào Israel giờ đây dường như không còn đơn thuần là câu hỏi có hay không mà là vào lúc nào. Israel chắc chắn cũng đã ở tâm thế sẵn sàng đáp trả. Trong khi các cuộc không kích ở Beirut và Tehran cũng gần như xóa tan hy vọng về một lệnh ngừng bắn sớm đạt được trong khu vực.
T.P