Sunday, November 17, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội'Kho báu dưới biển' được 170 nước ưa chuộng đem về cho...

‘Kho báu dưới biển’ được 170 nước ưa chuộng đem về cho Việt Nam bao nhiều tiền từ đầu năm?

Mặt hàng này đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 9,5 – 10 tỷ USD trong năm 2024, tăng 3 – 5% so với năm ngoái.

Ảnh minh họa.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, ước tính xuất khẩu thủy sản trong tháng 7/2024 đạt trên 885 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng qua, đồng thời là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,28 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 7/2024, xuất khẩu tôm tăng 11% – mức tăng cao nhất trong 7 tháng đầu năm. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và EU tăng lần lượt 24% và 32%, sang Mỹ tăng 9%, sang Nhật Bản tăng 4%. 

Tính tới cuối tháng 7/2024, xuất khẩu tôm đạt gần 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng đạt 1,45 tỷ USD (tăng 4%), tôm sú đạt 246 triệu USD (giảm 10%). Riêng xuất khẩu tôm hùm tăng gấp gần 3 lần đạt 145 triệu USD.

Xuất khẩu cá tra có tín hiệu sáng hơn với mức tăng 23% trong tháng 7. Lũy kế 7 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra đạt gần 1,09 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc vẫn là thị trường mục tiêu số 1 của cá tra Việt Nam, với giá trị 317 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường này tiêu thụ chủ yếu là cá tra cỡ lớn >1,2 kg/con dạng nguyên con hoặc sản phẩm phile.

Ngoài ra đây cũng là thị trường tiềm năng cho sản phẩm phụ là bong bóng cá tra. Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu bong bóng cá tra cả nước đạt khoảng 50 triệu USD, riêng xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 40 triệu USD, chiếm 80%.

Sau khi liên tục tăng trưởng 2 con số từ 16-32%, xuất khẩu cá ngừ tháng 7 đã tăng chậm lại, chỉ tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 555 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, xuất khẩu mực, bạch tuộc chỉ đạt khoảng 351 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2023.

Theo VASEP,  4 thị trường chính có dấu hiệu hồi phục nhu cầu rõ rệt trong tháng 7 gồm Trung Quốc & HK tăng 30%, Mỹ tăng 14%, Nhật Bản tăng 11% và EU tăng 14%.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và Trung Quốc – HK đều tăng 10% và chiếm tỷ trọng tương đương nhau – gần 18% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đạt trên 930 triệu USD. Xuất khẩu sang EU cũng tăng 10% đạt trên 600 triệu USD.

VASEP nhận định xét về phân khúc sản phẩm đông lạnh, Mỹ và EU sẽ là 2 thị trường kỳ vọng trong nửa cuối năm trước những tín hiệu tích cực như kinh tế hồi phục, lạm phát giảm, lãi suất giảm có thể sẽ kích cầu ở những thị trường này.

Tuy nhiên xuất khẩu hàng đông lạnh sang Trung Quốc vẫn chưa đột phá với giá tương đối thấp. Đổi lại, Trung Quốc lại là điểm đến số 1 cho phân khúc thủy sản tươi, sống phục vụ cho nhà hàng, khách sạn, du lịch.

Do đó, VASEP cho rằng các mặt hàng tươi sống như tôm hùm, cua, ngao, ốc…của Việt Nam sẽ vẫn hút khách hàng Trung Quốc trong thời gian tới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới