Ukraine đang triển khai chiến dịch tấn công quy mô nhất từ đầu xung đột vào lãnh thổ Nga, hành động có thể mang lại cho Kyiv công cụ mặc cả trên bàn đàm phán để chấm dứt xung đột.
Quân đội Nga đang phải triển khai các biện pháp an ninh khẩn cấp để ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk từ ngày 6.8. Hôm qua (10.8), Bộ Quốc phòng Nga thông báo ngăn chặn 32 máy bay không người lái (UAV) trong đêm, gồm 26 chiếc tại Kursk và 6 chiếc tại vùng Yaroslavl. Riêng tại vùng Lipetsk cách biên giới đến 300 km, chính quyền tỉnh thông báo bắn hạ 19 UAV trong đêm.
Nga triển khai chiến dịch mới
Hãng TASS ngày 10.8 đưa tin Ủy ban Chống khủng bố quốc gia Nga đã áp đặt các biện pháp chống khủng bố tại 3 tỉnh giáp giới Ukraine gồm Kursk, Bryansk và Belgorod trước “hành động gây bất ổn chưa từng thấy của Kyiv”. Theo đó, chính quyền có thể tái bố trí người dân đến nơi an toàn, kiểm soát liên lạc, trưng dụng phương tiện và cho ngừng các hoạt động sản xuất liên quan vật liệu độc hại. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo một máy bay tiêm kích – ném bom Su-34 và các trực thăng tấn công Mi-28NM đã oanh tạc các mục tiêu của Ukraine tại Kursk trong đêm, trong khi nhiều xe tăng đã vào vị trí khai hỏa.
Quân đội Ukraine đến nay không bình luận trực tiếp về chiến dịch trên nhưng truyền thông nước này đăng tải video cho thấy các binh sĩ đã kiểm soát một cơ sở khí đốt tại thị trấn Sudzha thuộc Kursk. Một số báo cáo cho rằng quân đội Ukraine đang tiến về phía nhà máy điện hạt nhân Kursk, nơi cung cấp phần lớn điện cho miền nam Nga. Quyền tỉnh trưởng Alexei Smirnov cho hay các mảnh vỡ UAV đã rơi xuống trạm biến áp gần thị trấn Kurchatov gần nhà máy Kursk. Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Rafael Grossi lưu ý hoạt động quân sự đáng kể tại khu vực và kêu gọi các bên kiềm chế hết sức nhằm tránh một thảm họa hạt nhân.
Phía bên kia biên giới, tỉnh trưởng Volodymyr Artiukh của tỉnh Sumy (Ukraine) đã ra lệnh sơ tán 28 ngôi làng trong vòng 10 km tính từ biên giới. Cảnh sát Ukraine cho biết khoảng 20.000 người sẽ phải sơ tán.
Công cụ đàm phán
Theo tờ Kyiv Post, Ukraine đã đưa ít nhất 3 lữ đoàn với tổng quân số lên đến 6.000 người cho chiến dịch tại Kursk. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ dự đoán quân đội Nga có thể đang luân chuyển các đơn vị giàu kinh nghiệm và được trang bị tốt hơn từ tiền tuyến ở miền đông hoặc miền nam Ukraine về Kursk, song điều này sẽ mất nhiều thời gian.
Đã có một số suy đoán cho rằng đợt tấn công của Ukraine tại Kursk, nơi được phòng bị mỏng hơn so với Belgorod, là kế sách nhằm buộc Nga phải phân tán lực lượng. Mặt khác, với việc triển khai đến 3 lữ đoàn cho chiến dịch, ý đồ của Ukraine có thể là kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ của Nga để có thể trao đổi trong quá trình đàm phán nhằm chấm dứt xung đột.
Theo phân tích của chuyên san Foreign Policy, nếu lực lượng Ukraine có thể duy trì kiểm soát vùng lãnh thổ Nga tại Kursk, đó sẽ là công cụ mặc cả trên bàn đàm phán, có thể được trao đổi với phần lãnh thổ mà Nga đã tuyên bố sáp nhập từ Ukraine.
Đến nay, phản ứng từ các bên ủng hộ Ukraine tại phương Tây cho thấy có vẻ họ không phản đối chiến dịch hiện tại. Trong thông báo hôm 9.8, Bộ Ngoại giao Đức nói không ngăn cản việc Ukraine sử dụng vũ khí do Berlin cung cấp cho cuộc tấn công Kursk.
“Ukraine có quyền tự vệ được ấn định trong luật quốc tế. Nguyên tắc của sự tự vệ đó là không giới hạn trong lãnh thổ của họ”, trang The Kyiv Independent trích tuyên bố của Đức cho hay. Liên minh Châu Âu nói rằng Ukraine có quyền tự vệ, gồm tấn công vào lãnh thổ của nước đối địch. Trong khi đó, người phát ngôn Matthew Miller của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Ukraine phải tự quyết định chiến thuật của họ.
T.P