Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnCách mạng tháng Tám ở Hà Nội và Huế

Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội và Huế

Trong Chương 14 cuốn sách Vietnam: The Origins of Revolution (Việt Nam: Cội nguồn cách mạng), tác giả John T. McAlister, Jr. đã tường thuật và phân tích những sự kiện, vấn đề trọng yếu xoay quanh Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong đó nêu bật sức lan tỏa và sứ mệnh tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân của Mặt trận Việt Minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản dịch tài liệu này.

Nếu Nhật Bản không chiếm đóng Đông Dương từ năm 1940 đến 1945, cách mạng Việt Nam chắc chắn sẽ bị trì hoãn, nhưng cũng có khó thể nói cách mạng sẽ không diễn ra vào một thời điểm sau đó. Cũng theo giả thiết này, tiềm năng phản đối ách cai trị của Pháp rộng khắp trên cả nước có thể sẽ không được khai thác hoặc sẽ được giảm thiểu bằng chính sách của Pháp đưa giới thượng lưu Việt Nam hòa nhập vào hệ thống chính trị tự trị. Cũng khó có thể tưởng tượng ra rằng những hạn chế trong chính trường Pháp sẽ cho phép các chính sách của Pháp phát triển theo hướng này hay những nhân tài chính trị người Việt sẽ mãi mãi làm việc không hiệu quả. Trong khi cả người Pháp lẫn những người cách mạng đều không có được hành động chính trị mang tính quyết định, chính quyền lực cảnh sát của nhà nước thuộc địa đóng vai trò chủ yếu ngăn chặn cách mạng Việt Nam nổ ra. Trước năm 1940, lực lượng quân đội và mật thám Pháp đủ khả năng ngăn chặn các nỗ lực chống lại chính quyền thuộc địa. Tuy nhiên, khi Đức xâm lược Pháp, chế độ thực dân gặp khó khăn trong việc duy trì kiểm soát chính trị với Việt Nam nếu không nói là không thể, kể cả trong trường hợp người Nhật không chiếm đóng Đông Dương.

Sự hiện diện của người Nhật không chỉ làm suy yếu khả năng kiểm soát của người Pháp mà còn cổ vũ tinh thần và tham vọng của các nhóm chính trị Việt Nam. Giống như tình thế mà người Pháp đã tạo ra trước năm 1940, những tham vọng này vẫn nằm trong tầm kiểm soát ngoại trừ gián đoạn trong chính quyền thực tại ở Đông Dương. Tranh thủ lúc Đông Dương không có thế lực nào mạnh hơn, những người Cộng sản đã chớp thời cơ Nhật Bản đầu hàng để diễn một kịch bản cách mạng phản ánh nhiều điều về đặc điểm xã hội Việt Nam và đặc điểm chính trị của cuộc cách mạng.

Sáng ngày 19 tháng Tám năm 1945, khoảng 1.000 chiến sĩ Việt Minh có vũ trang tiến vào và giành quyền kiểm soát Hà Nội. Họ đã không vấp phải bất kỳ sự kháng cự nào từ khoảng 30.000 quân Nhật đóng quân tại khu vực lân cận Hà Nội. Chính quyền địa phương của Chính phủ Việt Nam “độc lập” – được lực lượng Nhật chiếm đóng Đông Dương lập nên dưới sự bảo trợ của vua Bảo Đại bốn tháng trước đó – bị bất ngờ không kịp trở tay. Trước tính kỷ luật và quyết tâm Việt Minh, cảnh sát Hà Nội và lực lượng bảo an binh địa phương đã dao động, sau đó bị cuốn theo làn sóng hoạt động của quần chúng. Biểu trưng cho sức mạnh của quần chúng, Việt Minh đã lãnh đạo quần chúng tiến vào dinh thự của Phan Kế Toại – Khâm sai Bắc Bộ của Chính phủ Trần Trọng Kim – và phát hiện ra rằng vị đại diện của Bảo Đại đã chạy trốn khỏi thành phố[1]. Sau khi vô hiệu hóa các đơn vị vũ trang của Chính phủ Trần Trọng Kim và chiếm đóng các cơ quan hành chính và các công trình trọng yếu, Việt Minh thúc đẩy lôi kéo người dân Hà Nội qua việc tổ chức một cuộc mít-tinh tuyên truyền mà theo tin tức là thu hút được 20.000 người tham dự. Trong cuộc mít-tinh này, Việt Minh công khai tính hợp pháp chính trị khi khẳng định rằng: “Chỉ có chính quyền cách mạng nhân dân mới có đủ uy tín và sức mạnh để đạt được nguyện vọng chung của toàn dân là độc lập, tự do và hạnh phúc”[2].

Hai ngày trước khi diễn ra cuộc đảo chính vũ trang thành công này, Việt Minh đã vượt qua phép thử đầu tiên và duy nhất trong cuộc xung đột về tuyên truyền tính hợp pháp trong việc giành lấy chính quyền tại miền Bắc Việt Nam. Nhận thấy điểm yếu của mình cũng như thấy được nhu cầu phải có sức mạnh bắt nguồn từ quần chúng khi thế lực hậu thuẫn của mình là Nhật Bản đầu hàng, chính quyền Bảo Đại tại Hà Nội đã tổ chức cuộc mít-tinh của Tổng hội Công chức vào ngày 17 tháng Tám năm 1945[3]. Vì đứng đầu bởi Trần Trọng Kim – một trí thức Pháp học, một viên chức thuộc địa, cộng thêm tính chất đặc biệt quan liêu, Chính phủ vẫn hi vọng rằng sẽ duy trì được quyền lực thông qua việc kiểm soát các viên chức hành chính hiện có. Theo tin tức, cuộc mít-tinh với 150.000 người tham gia ở Hà Nội nhằm tìm kiếm sự ủng hộ và lòng trung thành từ thành phần quan trọng của nền chính trị Việt Nam. Việt Minh đã giành lấy cuộc tuần hành từ tay những người tổ chức. Như thông cáo báo chí mô tả, Việt Minh đã hành động như sau:

Một viên chức chưa đọc xong chương trình mít-tinh thì cờ Việt Minh đột ngột xuất hiện khắp mọi nơi. Ngay lập tức, người ta nhìn thấy cờ Việt Minh bay trên bục. Một tràng pháo tay và cổ vũ chào đón lá cờ xuất hiện. Năm phút sau, một chiến sĩ Việt Minh bước lên bục. Dùng micrô, ông kêu gọi mọi người tham gia cuộc tổng khởi nghĩa sắp diễn ra để giành lại Tổ quốc và lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[4].

Được các tuyên truyền viên Việt Minh điều hành theo cách này, cuộc mít-tinh của viên chức còn được đánh dấu bởi sự xuất hiện của một nhóm xung kích của đảng Dân chủ Việt Nam. Nhóm này đã khẳng định rằng “chỉ một cuộc cách mạng trên toàn quốc mới đủ sức mạnh để buộc Nhật Bản rút quân và cắt ngắn tham vọng điên cuồng của Pháp muốn quay trở lại Việt Nam”[5]. Vừa kêu gọi đoàn kết vừa lên án Chính phủ Trần Trọng Kim được cho là “hoàn toàn bất lực” và do “những nhà lãnh đạo dao động và có đầu óc yếu đuối” đứng đầu, Đảng Dân chủ kêu gọi quần chúng tham gia cùng Việt Minh tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa: “Chúng ta hãy đoàn kết thành một khối duy nhất. Độc lập của Tổ quốc chỉ có thể giành lại được bằng máu… Chúng ta phải nắm tay nhau vùng lên”[6]. Cuộc biểu tình sau đó đã nhường chỗ cho một cuộc diễu hành qua đường phố Hà Nội với cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của cách mạng và khẩu hiệu tuyên truyền do Việt Minh mang theo. Trước khi cuộc biểu tình kết thúc vào ban đêm, khoảng một trăm lính bảo an của chính quyền Trần Trọng Kim mang theo súng trường tham gia cuộc diễu hành[7]. Bằng kĩ năng tuyên truyền hiệu quả, Việt Minh đã chuẩn bị cho đảo chính xảy ra hai ngày sau đó và đã thành công vì không lực lượng nào phản đối việc cách mạng nắm giữ quyền lực.

Làm chủ được Hà Nội tức là giành được tính hợp pháp ít nhất là ở miền Bắc đất nước. Điều quan trọng là công việc này không đòi hỏi phải có sức mạnh vượt trội tuyệt đối mà chỉ cần mạnh hơn Chính phủ đương thời. Thậm chí khi 1.000 quân tiến vào Hà Nội vào ngày 19, điều còn nghi ngờ là liệu họ có phải đối mặt với hơn 750 lính bảo an, vốn là lực lượng có mặt tại Hà Nội từ cuối tháng Mười năm 1944 hay không. Ngoài yếu kém trong kiểm soát lực lượng bán quân sự và bộ máy quan liêu hành chính, chính quyền Trần Trọng Kim còn thiếu nền tảng chính trị thực sự, đặc biệt là sự ủng hộ của những người dân biết chữ và có nhận thức trong xã hội. Hơn nữa, trong quá trình chiếm đóng của Nhật Bản, Hà Nội là nơi diễn ra hai phương diện của mẫu hình vận động xã hội được chính quyền Vichy Pháp bảo trợ. Thứ nhất là tăng số lượng sinh viên ở Đại học Hà Nội, và thứ hai là việc gia tăng số người Việt trong chính quyền thuộc địa, đặc biệt là các cơ quan trung ương ở Hà Nội[8].

Dựa trên các viên chức và sinh viên này, tháng Sáu năm 1944, Dương Đức Hiền, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên, thành lập Việt Nam Dân chủ Đảng hay Đảng Dân chủ. Việc thành lập Đảng Dân chủ nhằm thực hiện mục đích kép là tập hợp sinh viên, trí thức và tầng lớp thượng lưu đô thị của Hà Nội có lý tưởng dân chủ nhưng thù địch với tư tưởng Cộng sản vào một đảng đại chúng và cho phép Việt Minh hưởng lợi từ sự nhiệt tình chính trị của những người này mà không cần phải đưa họ vào Đảng Cộng sản, nơi mà chủ nghĩa dân tộc của họ có thể xung đột với các điều lệ Đảng[9]. Không có tổ chức này, người dân có ý thức chính trị ở Hà Nội có thể đã không tham gia Cách mạng tháng Tám, và nếu không có sự tham gia của họ, cuộc đảo chính ở Hà Nội có lẽ sẽ chỉ là một cuộc thử nghiệm lực lượng vũ trang, một sự kiện mà Cộng sản luôn tìm cách tránh.

Bản thân chiến thuật của những người Cộng sản đã cho thấy tính chất trí thức tinh hoa của Cách mạng Tháng Tám bởi không hề có dấu hiệu nào về một cuộc nổi dậy của quần chúng ở Việt Nam. Ngay cả trong những thị dân Hà Nội, một trong ba thành phố diễn ra các sự kiện chính của cuộc cách mạng, các cuộc biểu tình đều được tổ chức cẩn thận, không tự phát. Công cụ quyền lực tồn tại ở Việt Nam và có thể được coi là đối tượng của hành động giành quyền trong cách mạng bao gồm số công chức Việt Nam giữ chức vụ nhỏ trong chính quyền, tàn dư của lực lượng bảo an, các nhóm bán quân sự do Nhật Bản bảo trợ và một số cơ quan công quyền chủ chốt. Họ chịu sự kiểm soát của Việt Minh không phải Việt Minh là tổ chức có sức mạnh quân sự nổi trội mà vì Việt Minh có khả năng tổ chức chính trị vượt trội và sự chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý. Đó là đặc điểm khó nắm bắt nhưng lại rất quan trọng của cạnh tranh cách mạng. Điều này cũng khiến một nhà bình luận người Pháp đặt câu hỏi liệu hiện tượng diễn ra tại Hà Nội quanh ngày 16 tháng Tám có phải là một cuộc cách mạng không, do lòng nhiệt tình dường như là giả tạo và ép buộc. Liệu có thể gọi đây là một cuộc cách mạng khi không có ai cản trở… Sự thật là, đây là nơi tự do với Hồ Chí Minh, chẳng có ai chống lại ông cả…”[10]

Nếu chỉ trích này bỏ sót điểm cốt yếu, thì đó là bởi nó không nhận ra hành động liên minh trong một tổ chức chính trị của những nhân vật quan trọng trong tầng lớp trên của xã hội Việt Nam, những người đã nhận thức được về các cơ hội cách mạng nhờ vào việc được đào tạo và tham gia chế độ hành chính thuộc địa của Pháp. Những người này biết được rằng cơ hội độc lập và thống nhất đất nước sẽ mang lại uy tín và quyền lực cho họ, nhưng triển vọng này sẽ bị đe dọa nếu người Pháp trở lại. Vì vậy, những người này nắm lấy công cụ quyền lực hiện diện ở các thành phố, trong khi tại hầu hết các vùng nông thôn, những người nông dân bất mãn nhưng không tham gia tổ chức chính trị vẫn tiếp tục công việc nông nghiệp hàng ngày của mình.

Việt Minh cũng như các đối thủ của họ nhận thức được rằng người Nhật, mặc dù đã đầu hàng, vẫn đóng vai trò quyết định trong Cách mạng Tháng Tám. Đám đông tụ tập trên đường phố Hà Nội ngày 19 tháng Tám được tuyên truyền rằng các yêu cầu chiến thuật của Cách mạng Tháng Tám có nghĩa là đối với người Nhật “chúng ta phải rất chừng mực và tránh tất cả các xung đột không cần thiết, bất lợi cho cả hai bên. Chúng ta cũng có thể sử dụng ngoại giao để làm cho họ hiểu được tình hình, tán thành cuộc cách mạng của chúng ta và giao vũ khí cho chúng ta”[11]. Đây là bước thay đổi từ phản đối thẳng thừng người Nhật bởi người Nhật đã có những nhượng bộ. Tổng lãnh sự Nhật ở Hà Nội và Sài Gòn trao cho các đơn vị tình báo của Nhật toàn quyền đàm phán với Việt Minh để thành lập một Chính phủ lâm thời mới. Tuy nhiên, đồng ý ngầm và ủng hộ của Nhật Bản đã không ngăn Việt Minh nhận thức được khía cạnh quốc tế rộng lớn hơn của Cách mạng Tháng Tám. Họ rất cần chế độ của họ được công nhận ngoại giao để có thể tự do củng cố quyền lực. Việt Minh nhận thức được sự cần thiết phải tránh bị “đơn độc trong kháng chiến chống các lực lượng Đồng minh… có thể sẽ xâm lược đất nước ta và ép buộc chúng ta theo Pháp hay theo một Chính phủ bù nhìn đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân ta”[12]. Dù có giành được quân Đồng minh đứng về phía mình hay không, Việt Minh không nhầm khi khẳng định rằng “trong cơ hội chỉ có một không hai này, toàn thể nhân dân ta phải phát huy tất cả nguồn lực và lòng can đảm…” và “bây giờ hoặc không bao giờ, nhân dân và quân đội ta phải đứng lên giành độc lập dân tộc”[13]. Trong khi công nhận ngoại giao là bảo đảm tiếp tục không có mặt lực lượng quốc tế hoặc giảm thiểu hành động tái lập chính quyền của Đồng minh, sức mạnh nội tại và tính hợp pháp của chính quyền được coi là phương cách tốt nhất để có được sự bảo đảm này.

Trong khi đó, Chính phủ của chế độ quân chủ Việt Nam nhận thấy rằng công nhận quốc tế có thể bù đắp cho những thiếu sót nội tại, vốn đã dẫn đến việc Chính phủ này bị loại bỏ trên thực tế cũng như về mặt chính trị ở Bắc Kỳ. Vào ngày 18 tháng Tám năm 1945, tại thủ đô Huế, miền Trung Việt Nam, Trần Trọng Kim thành lập Ủy ban Cứu Quốc, còn Vua Bảo Đại đưa ra một tuyên bố quan trọng, trong đó ông đề nghị quốc tế chính thức công nhận nền độc lập của Việt Nam dưới sự cai trị của ông. Các thông điệp đã được gửi đến Tổng thống Truman, Vua George VI và Tưởng Giới Thạch. Trong lá thư gửi cho Tướng de Gaulle, Bảo Đại có lời nhận định có ý nghĩa thức thời nhất rằng: “Các ngài đã trải quá bốn năm chết chóc… mà không hiểu rằng dân tộc Việt Nam, với lịch sử trải dài hai mươi thế kỷ và một quá khứ luôn rất vinh quang, không muốn và không thể ủng hộ bất cứ sự đô hộ nào cũng như bất cứ một nền thống trị ngoại lai nào”. Rồi ông chuyển sang một lời tiên tri mà trong những năm sau đó, ngay cả tác giả của nó dường như cũng lãng quên, vua Việt Nam viết:

Ngài sẽ hiểu rõ hơn nếu ngài thấy những gì đã xảy ra ở đây, nếu ngài cảm thấy ý chí cương quyết đòi độc lập đã nung nấu tự đáy mọi con tim mà không một thế lực nào có thể dập tắt được. Nếu các ngài tái lập được nền cai trị của Pháp, thì nền cai trị đó cũng chẳng ai tuân thủ; mỗi một làng sẽ là một tổ kháng chiến, mỗi người bạn cũ sẽ là một kẻ thù, chính các viên chức và người dân Pháp ở đây cũng mong thoát ra khỏi bầu không khí ngột ngạt này.[14]

Trong một nỗ lực khác nhằm bù đắp cho việc thiếu đi sức mạnh chính trị nội tại, ngày 22 tháng Tám, Bảo Đại và cố vấn của mình đã đề nghị Việt Minh thành lập một chính phủ mới thay thế chính phủ do Trần Trọng Kim đứng đầu. Nhưng trước khi đề nghị này ​​có thể được thực hiện, một thông điệp từ Hà Nội đã được gửi vào, trong đó Việt Minh yêu cầu vua Việt Nam thoái vị và công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[15]. Mặc dù lời kêu gọi quốc tế của Bảo Đại chưa bao giờ nhận được bất kỳ phản hồi công khai nào, nhưng rõ ràng Việt Minh rất quan ngại về điều này. Tuy nhiên, có vẻ như yêu cầu Bảo Đại thoái vị không phải là do quan ngại khả năng Chính phủ của vua có thể được công nhận ngoại giao mà chủ yếu xuất phát từ mong muốn giành được một thắng lợi tinh thần ở Việt Nam. Yêu cầu thoái vị được nêu trong một nghị quyết được Tổng hội Sinh viên “thông qua” tại cư xá Đại học Hà Nội. Nghị quyết cũng kêu gọi Việt Minh thành lập Chính phủ Lâm thời[16]. Với chiến thuật này, Việt Minh đã tăng sức nặng trong tuyên bố chính thức về tính hợp pháp của mình qua việc tự nhận là Chính phủ kế nhiệm cho chế độ quân chủ. Hơn nữa, Việt Minh cũng đã tăng ảnh hưởng của mình, đặc biệt là ở phía Bắc, với những người coi Chính phủ Hoàng gia chỉ là điểm tập hợp của giới thượng lưu Pháp ngữ và muốn lật đổ chính phủ này.

Để tận dụng giá trị tuyên truyền của sự kiện, Ủy ban Dân tộc Giải phóng tại Hà Nội đã cử một phái đoàn tiếp nhận sự thoái vị và liên lạc với Ủy ban Nhân dân ở Huế, là những người đã nắm quyền kiểm soát Huế vào ngày 23 tháng Tám mà không gặp bất kỳ phản kháng nào[17]. Đoàn đại biểu do Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền trong nội các đầu tiên của Hồ Chí Minh, dẫn đầu. Ngày 30 tháng Tám, Trần Huy Liệu tiếp nhận thoái vị của Bảo Đại trong một buổi lễ long trọng. Tại buổi lễ, vua “nhường quyền điều khiển quốc dân cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa” và tuyên bố “quyết không để ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia mà lung lạc dân chúng”[18]. Hơn nữa, Bảo Đại tăng sức nặng cho tuyên bố về tính hợp pháp chính trị của Việt Minh bằng cách chấp nhận, dưới danh nghĩa công dân Vĩnh Thụy, đóng vai trò “cố vấn chính trị cao cấp” cho Chính phủ mới[19]. Rõ ràng, Việt Minh đang cố đạt được sự ủng hộ chính trị rộng rãi nhất.

Mãi cho đến ngày 30 tháng Tám, hơn một tuần sau đàm phán quyền lực ban đầu, Hồ Chí Minh mới về đến Hà Nội từ khu căn cứ du kích của Việt Minh ở vùng núi phía bắc Việt Nam. Hai ngày sau, ông phát biểu trước đám đông 500.000 quần chúng, tập trung tại quảng trường Ba Đình, đọc Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mở đầu tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã củng cố nỗ lực của Việt Minh nhằm gây dựng uy tín và có được công nhận quốc tế bằng cách tuyên bố: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[20]. Ngoài việc trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, Hồ Chí Minh còn bày tỏ sự ủng hộ chủ nghĩa tự do dân chủ phương Tây bằng cách đề cập đến Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, và sau đó tiếp tục khẳng định: “Thế mà hơn 80 năm nay, thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Sau đó, nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã nêu danh sách những tội ác chính trị và kinh tế do Pháp gây ra cho người Việt Nam. Việc liệt kê này kết luận bằng cáo trạng rằng người Pháp đã không thể “bảo hộ” như cam kết trong các hiệp ước cai trị thuộc địa từ thế kỷ thứ mười chín, vì họ không thể ngăn chặn Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương.

Với lập luận này, Hồ Chí Minh sau đó đã công kích những tuyên bố của Pháp tiếp tục quyền bá chủ chính trị ở Việt Nam và biện minh cho việc khẳng định chủ quyền của chính mình bằng cách nói:

… Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật… dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.[21]

Bằng những từ ngữ đầy cảm xúc, bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam gợi lên những lý tưởng và biểu tượng vốn là một phần thâm sâu trong kinh nghiệm trí tuệ của tầng lớp thượng lưu Pháp học của Việt Nam. Thông qua hành động tuyên truyền cực kỳ hiệu quả này, Hồ Chí Minh đã nói lên tâm tư đặc biệt phổ biến trong người dân miền Bắc rằng những kỳ vọng mà chế độ giáo dục và văn hóa phương Tây khơi gợi vẫn chưa được thực dân Pháp thực hiện. Có một số người thuộc tầng lớp trên trung thành với Pháp, nhất là ở miền Nam, đó là các địa chủ, chuyên gia, các chính trị gia đã tham gia những cuộc bầu cử trước chiến tranh, cũng như những người được cấp quốc tịch Pháp. Mặc dù vậy, ngay cả những người này cũng có tâm lý phổ biến là hoài bão của họ bị cản trở bởi ách thống trị của Pháp. Hơn nữa, Pháp gần như không có hoạt động gì để thu hút sự ủng hộ của tầng lớp thượng lưu trong xã hội Việt Nam, những người mà họ sẽ phải đối đầu khi trở lại. Không hoạt động tuyên truyền nào của Pháp có tác động đến những người này bởi những đề nghị của Pháp được diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ quan liêu đề cập đến cải cách hành chính[22].

Trong khi đó, phần lớn tầng lớp thượng lưu Việt Nam chưa tham gia Việt Minh cũng đang dần bị phong trào độc lập này lôi kéo. Sức hút của độc lập rất có ý nghĩa, bởi vì độc lập mở đường đáp ứng khát vọng và giải phóng cho những người không chấp nhận cơ hội đến từ Pháp. Ví dụ, sức lan tỏa của Việt Minh và hiệu quả của họ với tư cách là một phong trào độc lập dân tộc được thể hiện rõ nét nhất qua khả năng Việt Minh giành được sự ủng hộ của những người Công giáo Việt Nam. Đáng chú ý, Việt Minh giành được sự ủng hộ của ba giám mục ở miền Bắc, nơi có 1.100.000 người Công giáo, chiếm gần 10% dân số trong khi một giám mục ở phía Nam (Ngô Đình Thục, anh trai chính trị gia Ngô Đình Diệm), nơi có ít người Công giáo hơn, không ủng hộ phong trào độc lập[23]. Một cách khôn ngoan, Hồ Chí Minh tuyên bố ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Chín (ngày 2 tháng Chín năm 1945), đó chính là ngày tưởng niệm những người tử vì đạo Việt Nam. Ông cũng bổ nhiệm một giáo dân nổi tiếng, Nguyễn Mạnh Hà, làm bộ trưởng kinh tế trong Chính phủ Lâm thời vào ngày 29 tháng Tám năm 1945.

Tuy nhiên, các sự kiện tiếp sau Cách mạng Tháng Tám đã cho thấy người Công giáo, giống như hầu hết các nhóm xã hội có tổ chức rộng lớn khác, quan tâm nhiều hơn đến quyền tự chủ của giáo phái hơn là độc lập quốc gia[25]. Thái độ nhiệt tình của họ đối với quyền tự chủ khu vực phản ánh đặc tính của xã hội Việt Nam là thiếu khung thể chế toàn quốc để hợp nhất văn hóa hay chính trị vượt qua phạm vi làng xã. Do không có các thể chế văn hóa thống nhất trên toàn quốc thâm nhập vào các vùng nông thôn Việt Nam, các nhóm xã hội và tôn giáo cục bộ xuất hiện dưới dạng các tổ chức nhỏ được xác định theo lãnh thổ, được hưởng quyền như chính phủ cũng như các đặc quyền đạo đức đối với người dân nông thôn. Vì vậy, có một vùng trong khu vực hạ lưu sông Hồng miền Bắc Việt Nam gần như là đất phong của Công giáo. Tương tự, vùng châu thổ sông Cửu Long của miền Nam là lãnh địa của Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và một nhóm Công giáo nhỏ. Bởi những nhóm này là thiểu số, ít có khả năng trở thành đa số, ngoại trừ trên vùng đất của mình, nên họ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề cụ thể, mang tính tương đối hơn là vấn đề chung và tuyệt đối về ảnh hưởng chính trị. Xuất phát từ những mối quan tâm cục bộ của họ, những nhóm này cuối cùng gây ra tác động đáng lo ngại về chính trị cách mạng bởi mục tiêu của họ về tự chủ lãnh thổ có thể được thỏa mãn mà không cần đến độc lập hoàn toàn cho cả nước.

Việt Minh thành công trong phong trào giành độc lập dân tộc một phần là do đã đáp ứng yêu cầu tự chủ của các nhóm này nhiều hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, phong trào do Cộng sản lãnh đạo cũng có khả năng thu hút những thị dân đã được khơi gợi về ý thức độc lập dân tộc nhưng vẫn chưa tham gia bất kỳ tổ chức nào. Tuy nhiên, ở miền Nam, Việt Minh thực sự chưa thành công trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chính trị riêng biệt này. Thất bại của Việt Minh xuất phát từ một tập hợp phức tạp các yếu tố liên quan đến môi trường chính trị ở miền Nam, vốn phức tạp hơn so với miền Bắc. Nguyên nhân hàng đầu là ở miền Nam, các nhóm chính trị đô thị và các giáo phái nông thôn được tổ chức hiệu quả hơn ngoài Bắc. Sự khác biệt vùng miền rõ ràng này hầu như luôn tác động đến chính trị Việt Nam, và thời kỳ Cách mạng Tháng Tám không phải là ngoại lệ.

Những khác biệt này không chỉ cho thấy sự tương phản về tình hình chính trị giữa các vùng của Việt Nam, mà còn chỉ ra những hạn chế cơ bản đối với sự phát triển bản sắc dân tộc chủ nghĩa. Cộng sản gần như là nhóm chính trị toàn quốc duy nhất, nhưng họ cũng có những căng thẳng vùng miền phải giải quyết. Hơn nữa, số lượng của đảng viên còn ít. Như Hồ Chí Minh từng nói: “Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, có khoảng 5.000 đảng viên, kể cả những người trong tù. Chưa đầy 5.000 Đảng viên đã tổ chức và lãnh đạo cuộc nổi dậy của 24 triệu đồng bào trên cả nước đi đến giành thắng lợi”[26]. Lãnh đạo cuộc nổi dậy chủ yếu diễn ra ở đô thị, với chưa đầy 20% dân số cả nước, Việt Minh hi vọng rằng sức hút của chủ nghĩa dân tộc sẽ lôi kéo thêm người ủng hộ và họ đã thành công. Nhưng Việt Minh cũng phải đối mặt với thái độ cục bộ địa phương coi Việt Minh là một phong trào thống nhất, đe dọa sự tồn tại của các bản sắc cục bộ.

Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, lực lượng vũ trang quốc tế sắp tràn vào để tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản. Điều này sẽ chấm dứt giai đoạn gián đoạn cho phép Cách mạng Tháng Tám thành công. Đây cũng là mối đe dọa lớn hơn tất cả các trở ngại nội bộ trên đường tiến tới củng cố phong trào độc lập dưới sự lãnh đạo của Việt Minh. Điều này cũng khiến Hồ Chí Minh kết thúc Tuyên ngôn Độc lập bằng những hình ảnh kích động về sự chênh lệch lớn giữa lý tưởng dân chủ phương Tây và những gì thực dân Pháp đã làm ở Việt Nam. Nếu quyết tâm tái chiếm Việt Nam của Pháp được ngăn chặn hoặc giảm thiểu phần nào, Việt Minh có thể đã tránh được việc phải vất vả huy động nguồn nhân lực trong một xã hội chưa thành hình để thực hiện các hoạt động chính trị và quân sự. Ở thời điểm đó, nguy cơ mất đi sự ủng hộ của các giáo phái tại nông thôn trong cuộc đọ sức với người Pháp về quyền tự chủ giáo phái sẽ không phải là một vấn đề lớn đối với Việt Minh. Do đó, khi kết thúc Tuyên bố Độc lập ngày 2-9 tại Hà Nội, Hồ Chí Minh nhấn mạnh với một nhóm nhỏ đại diện Đồng minh đang đứng cùng với những người Việt Nam rằng: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”[27].

Có lẽ không ngờ tới, trong khi không có được sự công nhận ngoại giao của Đồng minh, Việt Minh đã nhận được một hình thức khác để kiềm chế Pháp chiếm đóng lại. Đó là việc Trung Quốc chiếm đóng Việt Nam từ phía Bắc vĩ tuyến 16 trở ra, theo như các điều khoản trong thỏa thuận chấp nhận đầu hàng của Nhật Bản tại Hội nghị Potsdam. Do đó, ở phía bắc, Việt Minh có thể tránh được một thách thức trực tiếp từ người Pháp đối với các tuyên bố chủ quyền độc lập trong bảy tháng nữa. Tuy nhiên, sự chiếm đóng này cũng tạo ra hạn chế về tự do chính trị mà Việt Minh đã được hưởng ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng. Việc bắt buộc để cho người Việt Nam lưu vong do Trung Quốc bảo trợ tham gia phong trào độc lập đã gây ra những khó khăn mới cho Việt Minh. Tính đa dạng, phức tạp và bản chất thường xuyên mâu thuẫn trong các mục đích chính trị của Trung Quốc là một thách thức lớn đối với Việt Minh. Điều này một phần gây ra bởi quy mô đội quân Trung Quốc. Lực lượng tiền trạm của đội quân sẽ chiếm đóng trong thời gian bảy tháng bắt đầu đến Hà Nội vào ngày 9 tháng Chín năm 1945. Với số lượng 20 vạn quân, đội quân này xuất hiện với bề ngoài là giải giáp khoảng 48.000 quân Nhật, một nhiệm vụ mà họ chưa bao giờ hoàn thành.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới