Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam - TQ ra tuyên bố chung: Xây dựng cộng đồng,...

Việt Nam – TQ ra tuyên bố chung: Xây dựng cộng đồng, chia sẻ tương lai

Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm còn đề cập việc thúc đẩy kết nối cứng và mềm giữa hai nước thời gian tới.

Tối 20-8, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố toàn văn 12 điểm Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về việc tăng cường hơn nữa Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc.

Theo tuyên bố chung, trong thời gian chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 18 đến 20-8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hội kiến với Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh.

Tại các cuộc gặp, hai bên đã đi sâu trao đổi ý kiến, đạt nhận thức chung quan trọng về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc trong tình hình mới và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.


Ưu tiên quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là lựa chọn chiến lược

Về quan hệ song phương, tuyên bố chung khẳng định vai trò, sứ mệnh và quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong đó nhấn mạnh rằng khi bước vào thời đại mới, “hai bên sẽ không quên nguyện ước hữu nghị ban đầu, khắc ghi sứ mệnh chung, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và thúc đẩy hiện đại hóa phù hợp với tình hình mỗi nước…

Phía Trung Quốc khẳng định ủng hộ Việt Nam “phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, xây dựng nền kinh tế lớn mạnh, độc lập, tự chủ”. Trung Quốc cũng ủng hộ Việt Nam “phát triển quan hệ đối ngoại rộng mở, hữu nghị và phát huy vai trò ngày càng quan trọng hơn cho hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh của khu vực và thế giới”.

Cũng theo tuyên bố chung, Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam và luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. “Đây là lựa chọn chiến lược của hai bên”, tuyên bố chung nêu rõ.

Hai bên nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm túc nhận thức chung và những kết quả đạt được trong các chuyến thăm song phương của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước; thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc đạt được nhiều thành quả thực chất hơn nữa.

Hai bên khẳng định, duy trì trao đổi chiến lược giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cùng định hướng sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, phát huy đầy đủ vai trò đặc biệt của kênh Đảng.

Hai nước cũng nhất trí về việc Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc tăng cường điều phối tổng thể, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hai nước xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc, tăng cường các cơ chế, hình thức trao đổi, hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như ngoại giao, quốc phòng, an ninh.

Khẳng định hợp tác quốc phòng – an ninh là một trong những trụ cột của quan hệ Việt – Trung, hai nước nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng – an ninh; thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phòng chống tội phạm lừa đảo viễn thông, an ninh mạng, tội phạm kinh tế, mua bán người, tổ chức đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép, truy bắt, truy thu tài sản của tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài.

Đồng thời phối hợp trao đổi, thúc đẩy thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Công an hai nước, sớm phê chuẩn có hiệu lực Hiệp định cấp nhà nước về chuyển giao người bị kết án phạt tù Việt Nam – Trung Quốc.

Tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống “cách mạng màu”, cùng nhau bảo vệ an ninh chính trị và an ninh chế độ. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai nước, bảo đảm về pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cũng theo tuyên bố chung, hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Đẩy nhanh thúc đẩy “kết nối cứng” giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh.

Trung Quốc đồng ý cung cấp hỗ trợ để Việt Nam lập quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Đồng thời thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 – 1089 (Tân Thanh – Pò Chài). Tích cực nghiên cứu triển khai xây dựng thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới, cùng xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, ổn định.

Hai bên khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia, trọng điểm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, năng lượng sạch, kinh tế số, phát triển xanh; sẽ tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp của nước kia.

Hai nước sẽ đi sâu trao đổi kinh nghiệm về cải cách và quản lý doanh nghiệp nhà nước, triển khai hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; tích cực nghiên cứu tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản then chốt.

Bên cạnh đó, sẽ sử dụng tốt Nhóm công tác hợp tác về tài chính – tiền tệ giữa hai nước, tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về điều hành chính sách và các cải cách trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ, thúc đẩy hợp tác tiền tệ. Đẩy nhanh thực hiện các dự án hợp tác kinh tế kỹ thuật như Bệnh viện Y dược cổ truyền cơ sở 2.

Phát huy tốt vai trò của “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực” (RCEP) và Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA); sử dụng tốt các nền tảng về thương mại điện tử, hội chợ triển lãm; tăng cường hợp tác hải quan, mở rộng xuất khẩu hàng hóa thế mạnh của nước này sang nước kia.

Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sớm mở thêm các văn phòng xúc tiến thương mại tại một số địa phương của Trung Quốc.

Việt Nam ủng hộ Trung Quốc gia nhập “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP) trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn và trình tự của hiệp định, tích cực hoan nghênh đề nghị gia nhập RCEP của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong thuộc Trung Quốc.

Hai bên tuyên bố năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt – Trung”, sẽ cùng tổ chức chuỗi hoạt động chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc.


Thượng tôn luật pháp quốc tế

Hai bên khẳng định tăng cường điều phối, hợp tác đa phương phù hợp với quá trình xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Hai bên cần kiên trì “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình” và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, cùng bảo vệ hệ thống quốc tế với Liên Hiệp Quốc làm hạt nhân và trật tự quốc tế với luật pháp quốc tế làm nền tảng, bảo vệ công bằng, chính nghĩa quốc tế và lợi ích chung của các nước đang phát triển.

Kiên định thúc đẩy một thế giới đa cực bình đẳng, có trật tự và toàn cầu hóa kinh tế toàn diện, bao trùm, bền vững. Hai bên đồng ý thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các sáng kiến lớn Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu.

Các sáng kiến trên có mục tiêu đề ra nhằm bảo vệ lợi ích chung của toàn nhân loại, vì sự nghiệp hòa bình, chính nghĩa và tiến bộ của nhân dân thế giới, đáp ứng mong muốn xây dựng thế giới tốt đẹp của nhân dân các nước.

Hai bên chủ trương triển khai giao lưu, hợp tác trong vấn đề nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, kiên quyết phản đối “chính trị hóa”, “công cụ hóa” và tiêu chuẩn kép trong vấn đề nhân quyền, kiên quyết phản đối việc lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp công việc nội bộ của nước khác.

Tăng cường điều phối, phối hợp trong các cơ chế đa phương như Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ủng hộ nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế. Trung Quốc ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức năm APEC 2027, ủng hộ Việt Nam gia nhập và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương.

Hai bên nhất trí, cùng thúc đẩy hợp tác khu vực mở. Trung Quốc ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, tự cường và phát triển, duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực không ngừng biến đổi.

Trung Quốc sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy sáng kiến về xây dựng “5 ngôi nhà chung” hòa bình, an ninh, phồn vinh, tươi đẹp và hữu nghị; đẩy nhanh xây dựng Khu thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc phiên bản 3.0.

Tăng cường triển khai các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ hợp tác Mekong – Lan Thương, nỗ lực thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai các quốc gia Mekong – Lan Thương vì hòa bình và thịnh vượng; tăng cường hợp tác trong khuôn khổ hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).


Kiểm soát tốt hơn, giải quyết bất đồng trên biển

Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Hai bên nhất trí, cần tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên cùng chấp nhận được phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp.

Thúc đẩy bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ sớm đạt tiến triển thực chất, tích cực thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.

Tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất sớm đạt được Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và thỏa thuận liên quan, tăng cường hợp tác tại khu vực biên giới trên bộ Việt Nam – Trung Quốc, tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước biên giới đất liền và 15 năm ký kết ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.

Tuyên bố chung kết thúc bằng việc hai bên nhất trí cho rằng chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công tốt đẹp, phát huy vai trò thúc đẩy quan trọng đối với xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình, hữu nghị của phía Trung Quốc, trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sớm thăm lại Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới