Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCái giá cho Mỹ khi giúp TQ đào tạo nhân tài

Cái giá cho Mỹ khi giúp TQ đào tạo nhân tài

Với sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày nay, người ta sẽ quên đi sự đóng góp của chính nước Mỹ xưa kia trong việc giúp đỡ Trung Quốc. Không rõ liệu bây giờ Mỹ có hối hận với điều đó không, nhưng rõ ràng, Trung Quốc đang đe dọa sự thống trị của Mỹ cả về kinh tế, khoa học và quân sự. Tất nhiên, việc Trung Quốc có thể vượt Mỹ được hay không là câu hỏi mà đến ông Tập hay ông Biden cũng không có câu trả lời. Nhưng dù sao, Trung Quốc cũng đã rất mạnh.

AI tạo sinh là chủ đề chiếm lĩnh ngành công nghệ ở Thung lũng Silicon và Trung Quốc.

Mỹ giúp Trung Quốc như thế nào?

Vào cuối thế kỷ XIX, ở Trung Quốc nổi dậy phong trào chống chính quyền Mãn Thanh do sự độc ác của chính quyền phong kiến này. Phong trào đó có tên là Nghĩa Hòa Đoàn. Năm 1900, một năm rất chẵn, không biết là con số đẹp này có truyền cảm hứng gì không, nhưng Nghĩa Hòa Đoàn đã nổi dậy chiếm Bắc Kinh và một số thành phố. Triều đình nhà Thanh của Từ Hy Thái Hậu phải bỏ chạy. Nhân cơ hội đó, quân Nghĩa Hòa Đoàn đã thoải mái trả thù những nhóm người họ căm ghét, bao gồm các giáo sĩ, kiều dân nước ngoài. Họ vừa cướp, vừa phá tài sản, vừa ban án tử cho những nhóm người kia.

Trước tình hình đó, lấy danh nghĩa là bảo vệ kiều dân và sứ quán, quân đội của 8 nước Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Nhật, Ý và Đế quốc Áo – Hung đã liên kết với nhau vào Bắc Kinh để đánh tan Nghĩa Hòa Đoàn. Chính quyền được trao trả lại cho nhà Thanh, tuy nhiên với điều kiện là nhà Thanh phải ký một hiệp ước mang tên là Điều ước Tân Sửu, trong đó có một nội dung là Trung Quốc phải bồi thường chi phí cho các nước phương Tây vì họ có công đập tan quân Nghĩa Hòa Đoàn giúp nhà Thanh.

Khoản bồi thường đó có giá trị bằng 450 triệu lạng bạc, tương đương với việc mỗi người Trung Quốc lúc này phải gánh nợ một lạng bạc. Còn quy đổi chỗ bạc này ra giá trị ngày hôm nay thì 450 triệu lượng bạc tương đương với 800.000 tỷ Việt Nam đồng hay cỡ 30 tỷ USD. Trong các quốc gia được bồi thường, nhận nhiều nhất là Nga 28,97%, Đức 20%, Pháp, Anh, Nhật, Mỹ mỗi nước 7,32%, còn lại ít nhất là Ý, Bỉ, Đế quốc Áo – Hung và Hà Lan. Theo quy định, Trung Quốc sẽ không trả ngay lập tức số tiền này mà được phép trả dần trong vòng 39 năm, tuy nhiên sẽ bị áp lãi suất là 4% một năm. Thế nên theo lý thuyết, để trả xong cả gốc lẫn lãi mà Trung Quốc phải bỏ ra là 982 triệu lạng bạc, hơn cả gấp đôi số tiền 450 triệu lạng bạc ban đầu.

Điều ước Tân Sửu được cho là nỗi sỉ nhục của Trung Quốc. Điều thú vị là lúc đó Mỹ lại đang xây dựng nền dân chủ mà Mỹ tự hào và Mỹ muốn truyền bá tư tưởng đó cho toàn thế giới. Thế nên để làm như vậy, chính phủ Mỹ với đại diện là tổng thống William McKinley và bộ trưởng ngoại giao đã quyết định một việc đi vào lịch sử, đó là đề nghị các nước phương Tây đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và giảm khoản bồi thường. Mỹ tuyên bố qua điều tra thấy phí tổn và thiệt hại của Mỹ chưa đến 24,4 triệu USD nên Mỹ chỉ lấy chỗ tiền đó và trả lại cho Trung Quốc phần còn thừa. Số tiền Trung Quốc nhận lại là 29 triệu USD. Hành động của Mỹ trả lại khoản bồi thường cho Trung Quốc đã được các nước khác noi theo nhiều năm sau đó như Anh, Pháp vào năm 1920, Nhật vào năm 1923, Hà Lan vào năm 1926 và Ý vào năm 1933. Mỗi nước hoàn trả lại một số tiền khác nhau nhưng đều trên tinh thần là thông cảm cho Trung Quốc. Nhờ đó mà Trung Quốc chỉ phải trả có 58% tổng số tiền theo quy định trong Điều ước Tân Sửu và có cơ hội đưa người sang Âu Mỹ để du học.

Sau khi tuyên bố giảm tiền bồi thường cho Trung Quốc, hai năm sau, năm 1906, ông Edmund J. James, hiệu trưởng Đại học Illinois, đã đề nghị Tổng thống T. Roosevelt cử người sang Trung Quốc khảo sát tình hình giáo dục và tìm cách thu hút học sinh của nước này sang Mỹ nhằm đào tạo một tầng lớp trí thức có thể tác động tới các lãnh tụ của Trung Quốc. Nhà truyền giáo Arthur Henderson Smith cũng đã thuyết phục tổng thống Mỹ hãy mở trường học ở Trung Quốc và đưa học sinh nước này sang Mỹ học. Ông nói với tổng thống rằng: “Đây là cách tốt nhất để Trung Quốc và Mỹ gắn bó với nhau về cả kinh tế và chính trị”, và họ đã thuyết phục được tổng thống.

Cuối năm 1907, Tổng thống Roosevelt đã nói là nên giúp Trung Quốc về giáo dục và khuyến khích học sinh nước này đến Mỹ học. Chính quyền Trung Quốc lúc đó tuyên bố cảm ơn Mỹ để bày tỏ lòng tri ân, Trung Quốc lấy tên tổng thống Mỹ đặt cho cung thể thao ở Đại học Thanh Hoa, có tạc tượng tổng thống Roosevelt, nhưng bức tượng này đã bị phá năm 1949, năm nội chiến Trung Quốc diễn ra. Thời điểm đó, Mỹ và Trung Quốc đã thỏa thuận sẽ dùng số tiền hoàn trả này để làm học bổng cho học sinh Trung Quốc sang Mỹ du học, gọi là Học bổng Khoản Bồi thường Canh Tý. Phía Trung Quốc dự định mỗi năm cử 100 người, từ năm thứ 5 trở đi cử 50 người cho đến khi dùng hết số tiền được trả lại. Hai bên thống nhất là 80% học sinh sẽ học các ngành nông nghiệp, khoáng sản, vật lý, hóa học, công trình đường sắt, cơ khí, ngân hàng; 20% học sinh sẽ học ngành chính trị, pháp luật, tài chính, kinh tế và sư phạm. Việc tổ chức tuyển chọn du học sinh do Trung Quốc tự làm, phía Mỹ không tham gia.

Năm sau đó, phía Mỹ đã tổ chức chọn người tài của Trung Quốc. 68 người lọt qua vòng sơ tuyển với các môn thi văn, tiếng Anh rồi thi các môn Toán, Lý, Hóa, lịch sử Anh, lịch sử Mỹ, Hy Lạp, La Mã, v.v. Sau 5 đợt thi, kết quả chọn được 47 người. Tháng 10/1909, top học sinh đầu tiên đi du học Mỹ. Việc thi cử tiến hành nghiêm chỉnh, chặt chẽ. Thí sinh phải giỏi quốc văn, Anh văn và phải đạt yêu cầu khỏe mạnh, đứng đắn, tướng mạo không có khiếm khuyết, lịch sử trong sạch thì mới được sang Mỹ đi học.

Để chuẩn bị người tài cho sang Mỹ học, Trung Quốc còn xây dựng hẳn một trường để đào tạo nhân tài, gọi đó là Trường Dự bị Du học Mỹ. Năm 1911, trường này được đổi tên thành Thanh Hoa Học Đường. Đến năm 1924, đổi tên thành Đại học Thanh Hoa và ngày nay đó là ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc. Ngoài ra, năm 1917, Mỹ còn dùng tiền hoàn trả để xây cho Trung Quốc Y viện Hiệp Hòa hiện đại nhất Trung Quốc và Học viện Y Khoa Hiệp Hòa.

Vậy, việc đưa người sang Mỹ có giúp Trung Quốc nhận lại cái gì hay không? Có một số kết quả như sau: Năm 1909 – 1928, Trung Quốc đưa hơn một ngàn người sang Mỹ du học. Sau đó vẫn cử người đi tiếp nhưng không có số liệu thống kê. Số người du học ở Mỹ chưa nhiều lắm nhưng điều quan trọng nhất là nước Mỹ đã đào tạo cho Trung Quốc nhiều nhà khoa học giỏi, thậm chí là hàng đầu thế giới, về sau có nhiều đóng góp cực kỳ quan trọng cho sự phát triển khoa học nhân văn và khoa học kỹ thuật của Trung Quốc. Chẳng hạn, nhờ đó mà chương trình làm bom nguyên tử và tên lửa vệ tinh nhân tạo của Trung Quốc đã hoàn thành sớm hơn 20 năm.

Các nhà khoa học chủ yếu trong chương trình này là Đặng Gia Tiên, Tiền Học Sâm… đều học từ Mỹ trở về. Hai du học sinh được Mỹ tự hào nhất là: Một là ông Hồ Thích, năm 1910 đi du học Mỹ, về nước năm 1917. Ông là nhà thơ, sử gia, triết gia, nhà giáo dục, luân lý học, nhà tư tưởng, một đại học giả của Trung Quốc, từng được tặng tới 36 bằng Tiến sĩ danh dự, chủ yếu là ở Mỹ, nổi tiếng có nhiều cống hiến trong nhiều lĩnh vực. Hai là ông Tiền Học Sâm, người được gọi là cha đẻ tên lửa và du hành vũ trụ Trung Quốc. Ông từng tham gia dự án Manhattan làm bom nguyên tử của Mỹ và chương trình chế tạo tên lửa, được phong hàm Đại tá và là người nước ngoài duy nhất được Mỹ cho vào nhóm cố vấn khoa học cho không quân Mỹ.

Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, Tiền Học Sâm đã xin về nước nhưng bị chính quyền Mỹ từ chối vì sợ tiết lộ bí mật quân sự. Chính phủ Trung Quốc đã chạy sang thương lượng với Mỹ, xin đưa Tiền Học Sâm về nước bằng cách trao đổi với Mỹ một số phi công người Mỹ đã bị Trung Quốc bắt giữ. Sau 5 năm bị giam lỏng, năm 1955, Tiền Học Sâm đã được trở về Trung Quốc. Ông đề xuất nhiều ý kiến xây dựng ngành tên lửa, hàng không và thám hiểm vũ trụ, từ năm 1958 trở đi, lãnh đạo công tác nghiên cứu chế tạo tên lửa và tàu vũ trụ. Do có công hiến kiệt xuất trong lãnh đạo nghiên cứu thiết kế chế tạo tên lửa và vệ tinh nhân tạo, tàu vũ trụ, ông đã được chính phủ nhiều lần vinh danh như là danh hiệu nhà khoa học có cống hiến kiệt xuất cấp nhà nước, hay Huy chương công huân “Lưỡng đạn nhất tinh”, bao gồm nguyên tử, tên lửa và vệ tinh, và vinh dự nhất là danh hiệu “cha đẻ tên lửa và du hành vũ trụ Trung Quốc”.

Như vậy, trên đây là quyết định giúp Trung Quốc của Mỹ và giờ đây Trung Quốc đang tận dụng những gì học được để đe dọa sự thống trị của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đào tạo nhân tài cho Trung Quốc mà rất nhiều nhân tài khác được Liên Xô đào tạo cũng rất giỏi. Dù sao, Mỹ cũng đã đóng góp cho Trung Quốc khá nhiều.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới