Saturday, December 21, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnVấn đề Biển Đông tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN 57

Vấn đề Biển Đông tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN 57

Trong bối cảnh, căng thẳng Biển Đông leo thang vì các nỗ lực ngày càng gia tăng của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền, các cuộ họp trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần 57 (AMM-57) diễn ra từ 25-27/7/2024 tại Viên Chăn, Lào. Đúng như nhiều chuyên gia dự đoán Biển Đông trở thành một nội dung quan trọng được thảo luận tại các cuộc họp liên quan.

Đánh giá về AMM lầ thứ 57, các nhà quan sát nhận xét có những chia rẽ trong ASEAN về cách giải quyết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được thể hiện qua việc các bên thảo luận về nội dung vấn đề Biển Đông đưa và Tuyên bố chung. Trong các cuộc họp hôm 25/7, Philippines đã thúc đẩy việc đưa vụ va chạm giưa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu công vụ Philippines hồi giữa tháng 6 vào Thông cáo chung sẽ được ban hành vào cuối các cuộc họp. Campuchia và Lào, hai nước gần gũi với Trung Quốc, phản đối cách diễn đạt này.

Một điểm sáng trong các cuộc thảo luận của ASEAN là cả 10 thành viên ASEAN đều có chung nhận thức quan trọng rằng không để bị lôi kéo vào bất cứ bên nào khi mà cả Trung Quốc và Mỹ đều tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Sau các cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesis Retno Marsudi cho biết các nước ASEAN nhấn mạnh rằng không nên là đại diện cho bất kỳ cường quốc nào, nếu không “sẽ rất khó để ASEAN trở thành điểm tựa cho sự ổn định và hòa bình trong khu vực”. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh: “Một bước đi sai lầm ở Biển Đông sẽ biến một đám cháy nhỏ thành một cơn bão lửa khủng khiếp”.

Trong cuộc gặp Trung Quốc – ASEAN hôm 26/7/2024, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không đề cập đến Biển Đông, thay vào đó nhấn mạnh đến quan hệ kinh tế và thương mại của Trung Quốc với ASEAN. Giới quan sát nhận định mục tiêu của ông Vương Nghị là gạt bỏ nội dung Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự và nhấn mạnh về hợp tác kinh tế nhằm lôi kéo các nước ASEAN. Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi kêu gọi Trung Quốc “tham gia duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực”. Bà Marsudi nhấn mạnh: “Lập trường của Indonesia là nhất quán, cụ thể là mọi khiếu nại phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan”.

Tại cuộc họp, các Ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thành công việc đang diễn ra với Trung Quốc về việc chuẩn bị một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì các vấn đề ở đó vẫn tiếp tục là “vướng mắc” trong quan hệ ASEAN với Trung Quốc. Indonesia hy vọng Bộ Quy tắc này có thể sẵn sàng ký kết vào năm 2026. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng khó có thể đạt được một văn bản mang tính ràng buộc hoặc có hiệu lực thi hành bởi một số quốc gia ASEAN khẳng định nó phải dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Trong bối cảnh có những rạn nứt trong nội bộ của ASEAN liên quan tới vấn đề Biển Đông do sự lôi kéo, chi phối của Trung Quốc, Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN ra hôm 27/7 đã không trực tiếp nói về căng thẳng xung quanh Bãi Cỏ Mây, mà chỉ nhắc một cách chung chung đến việc Bộ trưởng Ngoại giao một số nước ‘‘bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đất, một số hoạt động, sự cố nghiêm trọng trong khu vực, bao gồm các hành động gây nguy hiểm cho an toàn của người, gây thiệt hại cho môi trường biển, làm xói mòn lòng tin, có thể làm gia tăng căng thẳng, gây tác hại đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. Ngoại trưởng các nước ASEAN cũng hoan nghênh các biện pháp thực tế chưa được nêu cụ thể nhằm làm giảm căng thẳng ở Biển Đông và ngăn ngừa tai nạn và những tính toán sai lầm, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan dừng các hành động có thể làm phức tạp và leo thang tranh chấp.

Giới phân tích nhận định dù sao cuối cùng AMM 57 cũng ra được Tuyên bố chung, trong đó đề cập tới vấn đề Biển Đông với nội dung mà các bên có thể chấp nhận được. Cùng là nước có quan hệ mật thiết với Trung Quốc, song xem ra Lào chịu sự chi phối của Bắc Kinh ít hơn so với Cămpuchia nên đã không để xảy ra tình trạng như cách đây 12 năm khi AMM 45 tại Phnom Pênh không ra được Tuyên bố chung do sự bất đồng trên vấn đề Biển Đông. Một số chuyên gia cho rằng việc không để xảy ra tình trạng năm 2012 một phân còn do Lào là nước có quan hệ đặc biệt với Việt Nam-nước có các lợi ích quan trọng ở Biển Đông và dù sao Lào cũng không thể bỏ qua các quan tâm và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc dường như có cùng quan điểm trên các vấn đề khu vực, kể cả Biển Đông. Ngày 25/7, tại cuộc gặp song phương Nga –T rung bên lề hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga ông Lavrov đã nhất trí hợp tác để “chống lại mọi nỗ lực can thiệp vào các vấn đề Đông Nam Á của các thế lực ngoài khu vực (hàm ý Mỹ và các đồng minh của Mỹ)”. Giới chuyên gia cho rằng quan điểm này có sự khác biệt với quan điểm của hầu hết các nước ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông là hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ và các nước ngoài khu vực và coi đây là nhân tố quan trọng để làm đối trọng với sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.

Sau cuộc gặp, ông Lavrov còn cho biết đã thảo luận với ông Vương về việc triển khai “một kiến trúc an ninh mới” ở Âu Á, nhưng không nêu rõ chi tiết. Trong khi đó, ông Vương nói với Tân Hoa Xã rằng Bắc Kinh “sẵn sàng hợp tác với Nga để… hỗ trợ lẫn nhau một cách vững chắc, bảo vệ lợi ích cốt lõi của nhau”. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ. Do vậy, trong trường hợp Mátxcova hợp tác với Bắc Kinh bảo vệ cái gọi là lợi ích cốt lõi của nhau” như ông Vương Nghị nói sẽ là một nguy cơ lớn với các nước ven Biển Đông đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Trong khi có những dấu hiệu về sự hợp tác, phối hợp quan điểm giữa Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông thì các nước lớn khác ngoài khu vực như Mỹ, Ấn Độ… tiếp tục thể hiện lập trường thượng tôn pháp luật trên vấn đề Biển Đông. Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 14, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar nhấn mạnh tầm quan trọng của một Bộ Quy tắc COC hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế; khẳng định tầm quan trọng của an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Trong cuộc họp Mỹ-ASEAN hôm 27/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án các hành động ‘‘leo thang và bất hợp pháp’’ của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Antony Blinken nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên của Washington là cổ vũ ‘‘một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thịnh vượng’’, đồng thời kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết để cùng hóa giải ‘‘các thách thức’’, đặc biệt là các hành động ‘‘leo thang và bất hợp pháp của Trung Quốc chống lại Philippines trong những tháng gần đây’’. Đáng lưu ý là Ngoại trưởng Mỹ nêu đích danh Trung Quốc.

Liên quan tới “thoả thuận tạm thời” giữa Philippines và Trung Quốc về giảm căng thẳng ở khu vực Bãi Cỏ Mây mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông rất vui khi Philippines đã hoàn thành nhiệm vụ tiếp tế cho các binh sĩ trên Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông trong ngày 27/7 mà không bị cản trở, hoan nghênh giải pháp ngoại giao mà Philippines đã đạt được với Trung Quốc về vấn đề này đồng thời cho rằng điều quan trọng là việc thực thi thoả thuận đã đạt được để giảm căng thẳng ở Biển Đông. Ông Blinken bày tỏ: “Chúng tôi hài lòng ghi nhận việc tiếp tế thành công ngày hôm nay cho Bãi cạn Second Thomas (Bãi Cỏ Mây)”; “chúng tôi hoan nghênh điều đó và hi vọng và mong đợi thấy nó sẽ tiếp tục tiến về phía trước”; đồng thời nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nơi lượng thương mại hơn 3.000 tỷ USD đi qua mỗi năm. Trước đó, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn bày tỏ hy vọng “thỏa thuận tạm thời” mới đây giữa Philippines và Trung Quốc có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng.

Bên lề các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị AMM 57, chiều 27/7 Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc đã có một buổi làm việc riêng trong vòng 1 giờ 20 phút. Theo thông báo của Washington, cuộc trao đổi “cởi mở và mang tính xây dựng”. Ông Blinken bày tỏ “quan ngại trước những hành vi khiêu khích của Bắc Kinh tại eo biển Đài Loan”, đặc biệt là nhân lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Lại Thanh Đức hồi tháng 5/2024. 

Tại Diễn đàn Đông Á (EAS), nơi có sự hiện diện của Ngoại trưởng các cường quốc bao gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản và EU, Ngoại trưởng Blinken nêu đích danh Trung Quốc về các hành động hung hăng ở Biển Đông nhắm vào Philippines, một đồng minh Hiệp ước phòng thủ của Mỹ, đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và ủng hộ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Sau khi dự hội nghị ở Lào, Ngoại trưởng Mỹ đã tới Hà Nội, Tokyo và Philippines, qua đó khẳng định mạnh mẽ việc Washington coi trọng khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Đáng chú ý, tại Tokyo, Ngoại trưởng Blinken đã có cuộc họp với Ngoại trưởng Nhật Bản, Úc, Ấn Độ trong Nhóm “Bộ tứ”. Ngày 29/7/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoko Kamikawa chủ trì cuộc họp với ba người đồng cấp của Mỹ, Australia và Ấn Độ là Antony Blinken, Penny Wong và Subrahmanyam Jaishankar.

Tại cuộc họp, cả bốn vị Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế đối với việc duy trì trật tự hàng hải, trong đó có khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông; đồng thời, tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào tìm cách thay đổi hiện trạng tại hai khu vực biển đó bằng vũ lực hoặc gây sức ép. Bốn vị Ngoại trưởng tiếp tục bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng về hoạt động quân sự hóa các thực thể tranh chấp và động thái cưỡng ép, đe dọa tại Biển Đông”. Qua những diễn biến xung quanh Hội nghị AMM 57 tại Viên Chăn cũng như cuộc họp của Ngoại trưởng Nhóm “Bộ tứ” tại Tokyo có thể thấy cuộc canh tranh địa chiến lược ở Biển Đông và khu vực không chỉ còn nằm trong khuôn khổ Mỹ-Trung mà đã được mở rộng ra giữa một bên là Mỹ và các đồng minh đối tác với bên kia là Trung Quốc và Nga. Các chuyên gia cho rằng việc Bắc Kinh và Mátxcova cam kết cùng nhau ngăn chặn ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài đối với khu vực Đông Nam Á sẽ chỉ khiến tình hình Biển Đông nóng thêm, đây là điều các nước trong khu vực không mong muốn.

RELATED ARTICLES

Tin mới