Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngẤn Độ tăng cường can dự vào Biển Đông

Ấn Độ tăng cường can dự vào Biển Đông

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông và trong khu vực ngày càng gay gắt, việc Ấn Độ đang có cách tiếp cận đa sắc thái ở Biển Đông.

Sự điều chỉnh chiến lược thời gian gần đây của New Delhi cho thấy nước này thừa nhận tầm quan trọng đặc biệt của Biển Đông đối với an ninh khu vực và trật tự hàng hải toàn cầu. Phân tích những động thái mới trong quan hệ giữa Ấn Độ với Philippines trong năm qua có thể thấy những thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược của New Delhi trên vấn đề Biển Đông.

Tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Ấn Độ, S. Jaishankar đã nêu rõ trong một tuyên bố chung nhân chuyến thăm Manila rằng Ấn Độ hoàn toàn ủng hộ Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuyên bố của ông Jaishankar được đưa ra trong bối cảnh tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc đang diễn ra ở Biển Tây Philippines (cách Manila gọi Biển Đông), sau một năm chứng kiến sự căng thẳng và biến động nhất với những va chạm thường xuyên xảy ra trên biển cũng như những tranh cãi ngoại giao. Trong chuyến thăm Manila, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar khẳng định rằng cả hai nước đều có “lợi ích rất sâu sắc” trong việc đảm bảo một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và toàn diện, người đồng cấp Philippines, Enrique Manalo, nói rằng “chính tại khu vực này và chính trong bối cảnh này, chúng tôi đang thường xuyên thảo luận sâu rộng về hợp tác quốc phòng, hợp tác an ninh”. Một tàu tuần duyên Ấn Độ đã đến thăm Philippines trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ấn Độ. Hai nước cũng dự kiến sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận hải quân chung.

Trước đó, vào cuối tháng 6/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A. Manalo đã tới New Delhi cùng với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tiến hành cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp Ấn Độ – Philippines lần thứ năm về hợp tác song phương. Kết thúc cuộc họp hai bên ra Tuyên bố chung nhấn mạnh “sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về Biển Đông”. Ngày 12/7/2023, kỷ niệm lần thứ bảy của phán quyết của PCA, ông Shambhu Kumaran, Đại sứ Ấn Độ tại Manila, đã nhấn mạnh: “Tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng có lẽ các quốc gia lớn hơn có nghĩa vụ lớn hơn về việc tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Cả Tuyên bố tháng 6/2023 và Tuyên bố tháng 3/2024 đều thể hiện một phần cách tiếp cận mới đang phát triển, đánh dấu sự từ bỏ quan điểm trung lập và thận trọng hơn trước đó của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông. Quan điểm của New Delhi về Biển Đông đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, phản ánh khát vọng kinh tế và chiến lược rộng lớn hơn của nước này trên toàn cầu thông qua lập trường rõ ràng hơn trong việc công khai ủng hộ các quy định của luật hàng hải quốc tế, chủ quyền và quyền chủ quyền ở Biển Đông.

Sự can dự của New Delhi với khu vực ban đầu chủ yếu là kinh tế, được thúc đẩy bởi Chính sách Hướng Đông, nhằm tăng cường hội nhập kinh tế với Đông Nam Á và yêu cầu cấp bách phải đảm bảo các nguồn năng lượng để thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển của nước này. Sự tham gia của các doanh nghiệp quốc doanh Ấn Độ, chẳng hạn như chi nhánh nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí (ONGC Videsh), vào các dự án thăm dò dầu khí tại Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và các liên doanh tương tự không chỉ thể hiện lợi ích kinh tế của Ấn Độ trong khu vực này, mà còn thể hiện sự ủng hộ của New Delhi đối với nguyên tắc tự do thăm dò, khai thác tài nguyên biển trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, đặc biệt là (UNCLOS).

Sự chuyển đổi định hướng chính sách của Ấn Độ từ “Hướng Đông” sang “Hành động hướng Đông” dưới thời chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã đánh dấu sự thay đổi hướng tới can dự tích cực và chiến lược hơn với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự phát triển chính sách này phản ánh nhận thức của Ấn Độ về bối cảnh địa chính trị đang thay đổi và sự cần thiết phải có cách tiếp cận chính sách đối ngoại chủ động và đa diện hơn với Chính sách “Hành động hướng Đông”, trong đó không chỉ nhấn mạnh hội nhập kinh tế mà còn cả quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác an ninh mở rộng với các nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Philippines, Việt Nam, Malaysia và Singapore. Ấn Độ cũng đồng thời tăng cường năng lực của mình thông qua việc định vị tương lai, triển khai dựa trên nhiệm vụ, tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải và các cơ sở hàng hải nước sâu. Điều đáng chú ý là, Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác quân sự (kể cả bán tên lửa BrahMos) với các nước ven Biển Đông.

Ngày 19/4/2024, Ấn Độ đã chuyển giao phi đạn hành trình siêu thanh BrahMos theo hợp đồng trị giá 375 triệu đô la được chính phủ hai nước ký vào năm 2022. Việc chuyển giao phi đạn cho Philippines đánh dấu lần xuất khẩu hệ thống phi đạn đầu tiên của Ấn Độ. Các chuyên gia quân sự cho rằng việc Ấn Độ chuyển giao tên lửa BrahMos cho Philippines vào thời điểm Trung Quốc đang chĩa mũi nhọn gây hấn vào Philippines không chỉ là một mốc mới trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước mà còn khẳng định sự tăng cường can dự mạnh mẽ của New Delhi vào Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung. Theo giới phân tích, việc xây dựng hợp tác quốc phòng với Philippines là tín hiệu cho thấy New Delhi hiện đang vượt ra ngoài Ấn Độ Dương để góp phần duy trì sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngoài ra, New Delhi còn cung cấp khoản tín dụng để hỗ trợ nhu cầu quốc phòng của Philippines và sẽ cử một Tùy viên quốc phòng đến Manila để giúp tăng cường quan hệ đối tác an ninh song phương.

Ông Sreeram Chaulia, Trưởng khoa Trường Quan hệ Quốc tế Jindal, Ấn Độ nhấn mạnh: “Bản thân việc chuyển giao phi đạn BrahMos cho Philippines không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Nhưng ý tưởng là chúng ta (Ấn Độ) là một phần của liên minh rộng lớn hơn gồm các quốc gia, trong đó có Mỹ, đang cố gắng xây dựng sức mạnh và củng cố an ninh cho các quốc gia nhỏ hơn như Philippines. Đó là cái mà chúng tôi gọi là chiến lược làm việc theo mạng lưới”.

Ông Don McLain Gill, nhà phân tích địa chính trị và giảng viên tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học De La Salle, Manila, bình luận: “Điều này bổ sung thêm một lớp răn đe quan trọng và thực tế cho Philippines trong bối cảnh nguồn lực quân sự hạn chế của nước này trước Trung Quốc”. Ông cho biết các phi đạn này sẽ “tăng cường khả năng phòng thủ ven biển để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền hiệu quả hơn ở Biển Tây Philippines vào thời điểm Trung Quốc không ngừng theo đuổi tham vọng bành trướng đi ngược lại luật pháp quốc tế”. Ông Don McLain Gill cho răng: “Ấn Độ cũng là đối tác an ninh thân thiết của các đối tác chiến lược quan trọng của Manila, như Mỹ, Nhật Bản và Australia (trong Nhóm Bộ tứ). Điều này khiến việc Philippines tăng cường quan hệ với Ấn Độ càng trở nên thiết thực hơn”.

Vậy điều gì khiến Ấn Độ tăng cường can dự vào Biển Đông đã được giới chuyên gia đi sâu phân tích và chỉ ra 2 điểm chính sau:

Thứ nhất, việc điều chỉnh lại chiến lược của New Delhi được thúc đẩy bởi sự thừa nhận tầm quan trọng đặc biệt của Biển Đông đối với an ninh khu vực và trật tự hàng hải thế giới. Tranh chấp ở Biển Đông, chủ yếu liên quan Trung Quốc và một số nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tác động tới tự do hàng hải và hàng không – những nguyên tắc quan trọng không chỉ đối với các tuyến đường thương mại và vận chuyển năng lượng của Ấn Độ mà còn của các quốc gia trên toàn cầu. Với tư cách là một bên tham gia có trách nhiệm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ấn Độ không thể né tránh việc đưa ra các quan điểm rõ ràng về các vấn đề có tầm quan trọng như vậy. Vị trí trung tâm của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có nghĩa là khu vực ngoại vi của nước này không còn chỉ ở Ấn Độ Dương, mà còn bao gồm phạm vi hàng hải rộng lớn hơn, nơi sự trỗi dậy của Trung Quốc đang thách thức hiện trạng theo những cách không thể lường trước được. Vai trò trung tâm của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ cũng khiến New Delhi phải củng cố vị thế của ASEAN, ngay cả khi những khác biệt trong khối tiếp tục đặt ra thách thức đối với những nỗ lực này.

Sự ủng hộ của New Delhi đối với một trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật định, đặc biệt nhấn mạnh vào UNCLOS, phản ánh lập trường chống lại các hành động đơn phương đe dọa sự ổn định trong khu vực. Lập trường này, mặc dù bắt nguồn từ cách tiếp cận có nguyên tắc của Ấn Độ trong chính sách đối ngoại, cũng gián tiếp thách thức các hoạt động và yêu sách lãnh thổ mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời phản ánh vị thế của Ấn Độ với tư cách là một bên liên quan có trách nhiệm cam kết ổn định và an ninh khu vực. Do đó, cách tiếp cận đa sắc thái của Ấn Độ ở Biển Đông là biểu tượng cho chiến lược rộng lớn hơn của nước này nhằm bảo vệ lợi ích của mình đồng thời góp phần vào nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ muốn tham gia vào việc chống lại Trung Quốc ở Biển Đông mạnh mẽ hơn khi lo ngại gia tăng về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh. Căng thẳng giữa Philippines và Bắc Kinh đã gia tăng sau những cuộc đối đầu gần đây giữa lực lượng tuần duyên và các tàu khác của hai nước. Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, triển khai tàu tuần duyên để tuần tra những gì họ cho là vùng biển của mình. Ngoài Philippines, Bắc Kinh cũng có hành động xâm lấn với các nước ven Biển Đông khác như Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Thứ hai, mối quan hệ phức tạp giữa Ấn Độ với Trung Quốc cũng là yếu tố thôi thúc New Delhi tăng cường can dự vào Biển Đông. Với những căng thẳng địa chính trị ở Biển Đông ngày càng leo thang, đặc biệt là do các yêu sách lãnh thổ quyết đoán và các nỗ lực quân sự hóa của Trung Quốc, lập trường của Ấn Độ đã trở nên đa sắc thái hơn và ít thận trọng hơn. Sự thay đổi trong lập trường của Ấn Độ ở Biển Đông không thể tách rời khỏi mối quan hệ phức tạp của nước này với Trung Quốc. Tranh chấp biên giới lịch sử lâu dài giữa hai nước đã gia tăng kể từ sự cố Thung lũng Galwan năm 2020 – với việc Bắc Kinh định kỳ xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ và gần đây nhất là thậm chí đổi tên các ngôi làng ở bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Sau vụ đụng độ ở Thung lũng Galwan, Ấn Độ đã cử một tàu chiến tới Biển Đông để thể hiện khả năng răn đe bất đối xứng của Ấn Độ. Hành động quyết đoán và các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và dọc biên giới đất liền với Ấn Độ có tác động đáng kể đến sự ổn định trong khu vực. Các cam kết chiến lược của Ấn Độ, bao gồm các cuộc tập trận hải quân thường xuyên và tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia Đông Nam Á, phục vụ 2 mục đích: nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ đối với an ninh khu vực và hành động chống lại các yêu sách phi pháp của Trung Quốc.

Ông Sreeram Chaulia, Trưởng khoa Trường Quan hệ Quốc tế Jindal, Ấn Độ bày tỏ: “Khi tranh chấp của chúng tôi (Ấn Độ) với Trung Quốc không được giải quyết, chính phủ Ấn Độ đã thay đổi quan điểm rõ ràng và họ đã quyết định hỗ trợ nhu cầu an ninh của các quốc gia như Philippines một cách rất cụ thể”. “Theo quan điểm của chúng tôi, điều này giúp gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc rằng họ không thể trang bị cho đối thủ của chúng tôi như Pakistan những vũ khí và công nghệ quốc phòng tiên tiến mà mong rằng chúng tôi sẽ không đáp lại”. Ngoài ra, thời gian qua, các tàu của Hải quân Trung Quốc thường xuyên hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương, xâm lấn vào vùng biển lâu nay thuộc vùng ảnh hưởng của Ấn Độ. Giới chuyên gia cho rằng việc Ấn Độ tăng cường can dự vào Biển Đông là biện pháp gián tiếp ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên biên giới đất liền Ấn Độ-Trung Quốc cũng như hoạt động lấn sân của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Bắc Kinh đã gọi sự ủng hộ của New Delhi đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 và sự ủng hộ gần đây đối với Manila là “nỗ lực để kiểm tra giới hạn đỏ đối với Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới