Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga (gọi chung là OPEC+) đang phải đối mặt thách thức lớn khi giá dầu và nhu cầu đều ở mức thấp.
Thời gian qua, OPEC+ chủ trương cắt giảm sản lượng khai thác nhằm đẩy giá dầu lên cao. Nhưng thực tế, do nhiều yếu tố, giá dầu không chỉ giảm mà mức tiêu thụ cũng thấp dẫn đến thiệt hại không nhỏ cho các nước trong nhóm.
Giữa bối cảnh như vậy, theo Reuters, OPEC+ dự kiến nới lỏng việc hạn chế khai thác, hướng đến tăng sản lượng theo kế hoạch để giá dầu trở nên thấp hơn nữa nhằm kích thích nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy nhu cầu sử dụng dầu tăng trở lại. Theo đó, 8 thành viên OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày vào tháng 10. Nhóm công bố quyết định tăng sản lượng từ tháng 10 trong bối cảnh có nhiều dự báo về tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ trong thời gian còn lại của năm 2024, phần lớn được dẫn dắt bởi sự phục hồi ở Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Nhưng vấn đề đặt ra là chưa có dấu hiệu thực sự về sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu dầu ở Trung Quốc, hay rộng hơn là cả châu Á. Trong khi đó, ngày càng có thêm nhiều lo ngại tình hình kinh tế chậm lại trên khắp châu Âu và khu vực Bắc Mỹ.
Báo cáo hàng tháng gần đây nhất từ OPEC, nhóm này vẫn kỳ vọng Trung Quốc sẽ giúp tăng nhu cầu thêm 700.000 thùng/ngày trong tổng tăng trưởng nhu cầu toàn cầu. Trong khi đó, tháng 7, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm xuống 9,97 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 9.2022. Ước tính, trong tháng 8, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đạt 11,02 triệu thùng/ngày, vẫn thấp hơn mức 11,3 triệu thùng/ngày của tháng 6. Tính từ tháng 1 – 7 vừa qua, nhập khẩu dầu của Trung Quốc thấp hơn khoảng 320.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giới phân tích, khó có khả năng Trung Quốc sẽ đáp ứng được kỳ vọng của OPEC và phần còn lại của thế giới cũng khó có khả năng tăng trưởng nhu cầu nhập khẩu dầu theo dự báo của OPEC.
Trong khi đó, đối với kinh tế toàn cầu, việc giá dầu hạ nhiệt sẽ giúp giá cả hàng hóa giảm bớt để giảm lạm phát, thúc đẩy các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Điều này sẽ giúp tăng trưởng kinh tế phục hồi, từ đó sẽ dẫn đến tăng trưởng nhu cầu dầu mạnh hơn. Giá thấp hơn cũng có thể giúp hạn chế một số nguồn cung, đặc biệt là dầu đá phiến có chi phí cao ở Mỹ.
T.P