Họ không chỉ là nhân tài đất Việt mà còn được sử sách Trung Quốc ngợi ca là anh hùng vì những đóng góp của mình.
- Lý Ông Trọng
Lý Ông Trọng (không rõ năm sinh năm mất) tên thật là Lý Thân. Ông được xem là nhân vật truyền thuyết sống vào cuối đời Hùng Duệ Vương, đầu thời An Dương Vương, gốc làng Chèm, Từ Liêm, Hà Nội. Tương truyền ông cao hai trượng ba thước, tính tình cương trực, trung hậu, thương dân. Vì bất bình tên lính huyện ác ôn đánh đập dân phu dã man nên ông đã đánh chết hắn, bị khép vào tội chết. Tuy nhiên, vì vua tiếc hiền tài nên đã không xuống tay, sau đó ông bỏ chức, đi học phương xa.
Thời Tần Thủy Hoàng bị quân Hung Nô quấy nhiễu, gặp đúng lúc Lý Ông Trọng sang đi sứ nên vua Tần đã mời ông giúp sức, phong làm Vạn Tín Hầu. Đáng kinh ngạc là khi ông cầm quân ra giữ đất Lâm Thao (vùng Cam Túc, Trung Quốc hiện nay) thì quân Hung Nô tràn đến bao nhiêu cũng thua, dần trở nên kinh sợ khi nghe danh Lý Ông Trọng.
Vua Tần vô cùng khâm phục, phong tước cao, thưởng hậu hĩnh còn gả cả công chúa cho. Dù được vua níu kéo nhưng ông không ở lại nước Tần mà về quê hương. Quân Hung Nô biết tin liền tiếp tục quấy nhiễu Tần, Tần Thủy Hoàng tiếp tục mời sang nhưng Lý Ông Trọng không muốn, nói vua Thục báo tin mình đã mất. Không ngờ Tần Thủy Hoàng chỉ với bức tượng Lý Ông Trọng cũng đuổi được quân Hung Nô. Từ đó thấy được cái tài và uy danh của vị tướng Việt lớn mức nào.
- Nguyễn An
Nguyễn An (1381 – 1453) quê ở vùng Hà Đông ngày nay, từ nhỏ đã là thần đồng tính toán, có biệt tài về kiến trúc. Ông khi mới 16 tuổi đã góp công xây dựng các công trình cung điện của nhà Trần. Sau khi nhà Minh đánh thắng nhà Hồ, bắt được cha con Hồ Quý Ly mang về Trung Quốc vào năm 1406 thì vào năm 1407, vua Minh tiếp tục bắt những người học vấn cao, thợ khéo, các thanh niên tráng kiện để mang về Trung Quốc, trong đó có Nguyễn An.
Nguyễn An với tài kiến trúc, lại nổi tiếng liêm khiết nên đã trở thành tổng công trình sư của Tử Cấm Thành. Ban đầu quan lại ở Bộ Côn không phục nhưng thấy nhân tài nước Thục tính toán rành mạch, đầu nghĩ tay chỉ thành hình nên cuối cũng cũng phải phục tùng. Công lao này của Nguyễn An được ghi rõ trong các bộ sử cổ của Trung Quốc như Hoàng Minh thông kỷ, Anh Tông chính thống thực lục.
- Hồ Nguyên Trừng
Hồ Nguyên Trừng (1374–1446) là con trưởng của Hồ Quý Ly, có biệt tài về đúc súng, pháo. Sau khi bị quân Minh bắt về Trung Quốc, ông được vua Minh trọng dụng, trở thành thầy dạy đúc súng pháo của người Trung Quốc, đem lại bước tiến lớn trên con đường sử dụng thuốc nổ vào chiến tranh của nước này.
Trong Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn có nhắc đến việc ghi chép của sử nhà Minh về Hồ Nguyên Trừng như sau: “Trừng khéo chế súng, chế ra thần cơ cho triều đình, đến nay tế binh khí đều phải tế Trừng”.
Hay trong nghiên cứu củaGiáo sư Trần Quốc Vượng về lịch sử Trung Quốc nói chung và Minh sử nói riêng cũng có đoạn: “Đến đời vua Thành Tổ nhà Minh (1403-1424) đánh nước Giao chỉ học được phép đúc thần cơ sang pháo, lúc bấy giờ mới đặt ra đội súng thần cơ”. Theo đó, Hồ Nguyên Trừng có công lao quan trọng trong việc thành lập Thần cơ doanh – binh chủng pháo binh đầu tiên của quân đội Trung Quốc và cũng là binh chủng pháo binh đầu tiên của nhân loại.
- Khương Công Phụ
Khương Công Phụ (731 – 805) xuất thân bình dân ở đất Yên Định – Thanh Hóa (lúc đó là quận Nhật Nam dưới thời Đường). Tuy nhiên, trong sách Chuyện thi cử và lập nghiệp của học trò xưa, ông lại được cho là sinh ra trong một gia đình làm nghề bán thuốc bắc, từ nhỏ đã thông minh, theo học một người Trung Quốc là Nho sĩ đỗ đạt nhưng sống ẩn dật vì chán cảnh quan trường.
Khi vua Đường chỉ cho 8 sĩ tử An Nam sang Trường An thi, Khương Công Phụ đã vượt qua hết các kỳ khảo hạch với thứ hạng luôn đứng đầu. Trong kỳ thi ở Trường An, ông xuất sắc đỗ Trạng Nguyên, làm đến chức Tể tướng của triều vua Đường Túc Tông.
Học giả La Sĩ Bằng của Trung Quốc nhận xét về Khương Công Phụ như sau: “Thời Đường lấy văn thơ kén quan chức. Người An Nam muốn ra làm quan ắt phải theo lối đó. Công Phụ qua khoa cử làm quan đến chức cao quý như Tể phụ thì thơ văn chắc phải uyên thâm lỗi lạc… Chỉ có trong Toàn Đường Văn, quyển 446 có chép 2 thiên: Bạch Vân chiếu xuân hải và Đối cực trực gián sách. Qua hai thiên văn chương ấy, chúng ta đại khái thấy được bút văn, kiến thức của bậc văn tài”.
T.P