Thursday, September 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiảm phát đeo bám TQ, tiếp tục bước vào vòng xoáy mới

Giảm phát đeo bám TQ, tiếp tục bước vào vòng xoáy mới

Tình trạng giảm phát đeo bám Trung Quốc kể từ năm ngoái hiện đang có dấu hiệu leo thang, làm xấu đi triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và làm dấy lên lời kêu gọi hành động chính sách ngay lập tức.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang vật lộn với tình trạng lạm phát dai dẳng, Trung Quốc lại “đau đầu” với giảm phát.


“Cú sốc” giảm phát dai dẳng
Dữ liệu công bố ngày 9/9 xác nhận rằng ngoài chi phí thực phẩm, mức tăng trưởng giá tiêu dùng hầu như không được ghi nhận ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc vào thời điểm thu nhập đang giảm sút.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một thước đo rộng hơn về giá cả trên toàn nền kinh tế có khả năng sẽ kéo dài mức giảm liên tiếp 5 quý hiện tại sang năm 2025. Điều đó sẽ tương đương với chuỗi giảm phát dài nhất của Trung Quốc kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 1993.

“Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy tình trạng giảm phát càng kéo dài thì Trung Quốc cuối cùng sẽ càng cần nhiều kích thích hơn để phá vỡ thách thức giảm phát do nợ”, ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Morgan Stanley, cho biết.

Mối nguy hiểm đối với Trung Quốc là giảm phát có thể tăng nhanh khi các hộ gia đình đang vật lộn với tình trạng tiền lương giảm sút cắt giảm chi tiêu hoặc trì hoãn việc mua sắm vì họ kỳ vọng giá cả sẽ giảm thêm.

Theo đó, doanh thu của công ty sẽ bị ảnh hưởng, kìm hãm đầu tư và dẫn đến việc cắt giảm lương và sa thải thêm, khiến các gia đình và công ty phá sản.

Các cuộc khảo sát tư nhân cho thấy điều đó đã bắt đầu xảy ra. Trong các lĩnh vực kinh tế được chính phủ ưu tiên, chẳng hạn như sản xuất xe điện và năng lượng tái tạo, mức lương khởi điểm đã giảm gần 10% vào tháng 8 so với mức đỉnh điểm vào năm 2022, theo nghiên cứu của Caixin Insight Group và Business Big Data Co.

Một cuộc khảo sát 300 giám đốc điều hành công ty do Trường Kinh doanh sau đại học Cheung Kong thực hiện cho thấy mức tăng trưởng chi phí lao động trong tháng trước là yếu nhất kể từ tháng 4/2020, khi lệnh phong tỏa Covid-19 ban đầu của Trung Quốc bắt đầu được nới lỏng.

Đây là chu kỳ mà thế giới từng chứng kiến ở Nhật Bản bắt đầu từ những năm 1990 trong giai đoạn được gọi là “những thập kỷ mất mát” khi nền kinh tế trì trệ kéo theo bong bóng bất động sản và thị trường tài chính vỡ.

Trong khi các quan chức Trung Quốc tìm cách ngăn chặn thảo luận về giảm phát, cảnh báo các nhà phân tích tránh sử dụng thuật ngữ này, thì nó đang bắt đầu đi vào cuộc đối thoại công khai.

Tuần trước, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang cho biết việc loại bỏ giảm phát phải được các nhà hoạch định chính sách ưu tiên. Đây được xem là một sự thừa nhận hiếm hoi của một nhân vật nổi tiếng ở Trung Quốc rằng giá cả giảm đang đe dọa triển vọng kinh tế của nước này.

Ông Yi kêu gọi “chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thích ứng” và cho biết các quan chức “nên tập trung vào việc chống lại áp lực giảm phát” tại một cuộc thảo luận nhóm tại Hội nghị thượng đỉnh Bund ở Thượng Hải vào cuối tuần trước. Ông cho biết mục tiêu trước mắt của Trung Quốc là biến chỉ số giảm phát GDP của mình thành dương trong các quý tới.

Niềm tin của người tiêu dùng thấp kỷ lục
Cho đến nay, các quan chức vẫn chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy có sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách khuyến khích sản xuất thay vì giải quyết nhu cầu yếu bằng các biện pháp như tăng chi tiêu của chính phủ cho các dịch vụ công và trợ cấp người tiêu dùng.

Trong một dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả đang trở nên trầm lắng hơn, lạm phát cơ bản của Trung Quốc (loại trừ các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và năng lượng) đã hạ nhiệt vào tháng 8 xuống mức yếu nhất trong hơn ba năm.

Dự đoán về giảm phát đang lan rộng ra thị trường, thúc đẩy đợt tăng giá trái phiếu khiến lợi suất giảm xuống mức thấp kỷ lục và làm dấy lên mối lo ngại chính thức rằng các ngân hàng đã trở nên quá nhạy cảm với rủi ro lãi suất.

Áp lực giá yếu thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa của Trung Quốc, chỉ tăng 4% trong quý II, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế thực tế của quốc gia này là khoảng 5% trong năm nay.

Jack Liu (37 tuổi), một kỹ sư bán sản phẩm nhôm ở miền Nam Trung Quốc cho hay ông không còn gọi thêm trứng vào bữa sáng nữa. Nhu cầu thị trường giảm mạnh buộc công ty của ông phải giảm giá và bán lỗ vào năm ngoái. Điều đó khiến thu nhập của ông giảm xuống còn chưa đến 1/10 so với mức từng vượt quá 1 triệu nhân dân tệ (141.000 USD), khiến việc trả nợ thế chấp trở nên khó khăn.

Tốc độ suy giảm triển vọng giá cả của Trung Quốc đã khiến thị trường bất ngờ. Lạm phát yếu hơn dự báo trong 3 trên 4 tháng qua, chỉ tăng 0,6% vào tháng 8, mức tăng chủ yếu là do giá thực phẩm tăng 2,8%. Lạm phát cốt lõi tháng trước chỉ tăng 0,3% và vẫn ở mức dưới 1% trong tháng thứ 18.

Giá sản xuất đã giảm kể từ cuối năm 2022. Dữ liệu chính thức cho thấy giá nguyên liệu thô và giá bán của các nhà sản xuất đều giảm trong tháng 8, trong khi giá của các công ty dịch vụ và xây dựng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2020.

Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức thấp kỷ lục và các hộ gia đình cho biết họ ngày càng muốn tiết kiệm thay vì chi tiêu hoặc mua nhà.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới