Saturday, December 21, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChi tiết mãi chưa thể giải mã về đội quân đất nung

Chi tiết mãi chưa thể giải mã về đội quân đất nung

Cuộc khai quật khảo cổ đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng mang lại kết quả hữu ích và làm sáng tỏ nhiều thông tin quan trọng.

Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Một chiến binh đất nung với cánh tay hướng về phía trước để mô phỏng tư thế cầm dây cương và điều khiển xe ngựa đã thu hút sự chú ý của du khách trong một triển lãm ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, khác với những chiến binh xám bị mất lớp sơn do phản ứng hóa học khiến lớp sơn bong ra sau khi khai quật, tay áo của chiến binh đất nung này vẫn giữ được lớp sơn gốc.

Phó giám đốc phòng triển lãm Ye Ye của Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An cho hay, màu của tay áo chiến binh đất nung này, được gọi là Tím Trung Quốc hoặc bari đồng silicat, được tạo ra thông qua các phản ứng liên quan đến azurite, malachite và các nguyên tố khác ở nhiệt độ 1.000 độ C.

“Tím Trung Quốc vẫn chưa được tìm thấy trong tự nhiên, trong khi bức tượng nhỏ này là vật thể sớm nhất có thông tin chính xác về độ tuổi và địa điểm khai quật có màu này. Sắc màu này vẫn khó sản xuất ngay cả với công nghệ tiên tiến hiện nay, minh chứng cho trí tuệ của người Trung Quốc cổ đại” – phó giám đốc Ye Ye cho hay.

Tượng chiến binh đất nung này đang được trưng bày trong triển lãm kỷ niệm 50 năm ngày phát hiện và khai quật đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng.

Triển lãm trưng bày 230 cổ vật trong 8 hạng mục, với nhiều cổ vật lần đầu tiên được công bố, cung cấp thông tin về thời đại của Tần Thủy Hoàng – hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc trong thời nhà Tần (221 trước Công nguyên – 207 trước Công nguyên).

Năm 1974, nông dân địa phương vô tình phát hiện đội quân đất nung khi đào giếng, dẫn đến một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất của Trung Quốc. Đội quân đất nung đã được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Thế giới năm 1987.

Khoảng 2.000 chiến binh đất nung có kích thước bằng người thật và nhiều vũ khí đã được khai quật từ 3 hố quanh lăng mộ Tần Thủy Hoàng, trong khu vực có diện tích hơn 20.000 m2.

Theo Xia Yin – giám đốc bộ phận bảo tồn của Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng – trong giai đoạn khai quật ban đầu, những thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và ôxy có thể dễ dàng dẫn đến nứt, co rút và đổi màu cổ vật sau khi khai quật.

“Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và nước ngoài đang hợp tác để tìm hiểu cách những người thợ thủ công cổ đại chế tác, xếp lớp và sơn màu lên các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời tìm ra cách bảo vệ các cổ vật văn hóa cực kỳ nhạy cảm với môi trường” – bà nói.

Giám đốc bộ phận bảo tồn của Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nói thêm, thông qua những nỗ lực như vậy, màu tím trên tay áo của chiến binh đất nung đã được giữ lại.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng trải dài 56,25 km2, với các di tích chính được bao quanh hoặc phân bổ bên ngoài rìa của các bức tường thành hình chữ nhật xung quanh một khu vực rộng 2,13 km2. Theo các ghi chép lịch sử, hơn 700.000 nhân công làm việc trong 38 năm để xây dựng lăng mộ.

“Lăng mộ không chỉ là nơi chôn cất Tần Thủy Hoàng mà còn là nơi ông thể hiện quyền lực của mình” – Li Gang, người phụ trách Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, cho biết.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới