Ngoài phương án thử hạt nhân, Nga có thể tính đến các biện pháp tấn công quân sự, đáp trả ngoại giao nếu các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tầm xa để tập kích lãnh thổ Nga.
Khi căng thẳng Đông-Tây về Ukraine bước vào giai đoạn mới và nguy hiểm, giới chức Mỹ và Anh sẽ hội đàm về việc có nên cho phép Kiev sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa của Mỹ hoặc tên lửa Storm Shadow của Anh để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga hay không.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/9 cảnh báo, phương Tây sẽ xung đột trực tiếp với Moscow nếu bật đèn xanh cho Kiev dùng vũ khí tầm xa tấn công Nga.
“Nếu phương Tây quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công Nga, điều đó đồng nghĩa các quốc gia NATO như Mỹ và các nước châu Âu tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine. Dĩ nhiên, điều này làm thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột”, chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh.
Tổng thống Putin cảnh báo, khi đó Nga sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng. Tuy nhiên, ông không nêu rõ liệu đó là những biện pháp đáp trả nào.
Hồi tháng 6, ông từng nói về phương án trang bị vũ khí cho đối thủ của phương Tây để tấn công các mục tiêu phương Tây ở nước ngoài và triển khai tên lửa thông thường trong khoảng cách tấn công Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Ulrich Kuehn, một chuyên gia về vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Chính sách An ninh ở Hamburg, cho biết ông không loại trừ khả năng Moscow sẽ gửi đi một loại thông điệp hạt nhân nào đó, như thử hạt nhân nhằm răn đe phương Tây.
“Đây sẽ là sự leo thang mạnh mẽ của cuộc xung đột”, ông Kuehn nói.
Nga đã không tiến hành một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân nào kể từ năm 1990.
Gerhard Mangott, một chuyên gia an ninh tại Đại học Innsbruck ở Áo, cũng cho rằng Nga sẽ gửi đi thông điệp hạt nhân, song kịch bản này khó xảy ra hơn.
“Nga có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân. Họ đã thực hiện mọi sự chuẩn bị cần thiết. Họ có khả năng cho nổ một vũ khí hạt nhân chiến thuật ở đâu đó phía đông đất nước chỉ để chứng minh họ hoàn toàn có khả năng dùng đến phương án hạt nhân nếu cần”, ông cho biết.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cảnh báo, NATO sẽ “là một bên trực tiếp tham gia các hành động thù địch chống lại một cường quốc hạt nhân”, nếu tổ chức này cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa hơn nhằm vào Nga.
“Các vị đừng quên điều này và hãy nghĩ đến hậu quả của nó”, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Sergei Markov, cựu cố vấn của Điện Kremlin, cho biết Nga đã quyết định phá vỡ chiến lược “leo thang dần dần”, đề cập đến việc phương Tây mở rộng dần hình thức hỗ trợ Ukraine để tránh phản ứng mạnh của Moscow.
“Bước mà phương Tây hiện đang lên kế hoạch tiếp theo, đó là một bước nhỏ, nhưng nó vượt qua ranh giới đỏ mà chúng ta thực sự sẽ buộc phải đáp trả”, ông Markov nói.
Ông Kuehn nhận định, ngoài việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc tấn công vào các hạ tầng, tài sản quân sự của Mỹ, Anh ở nước ngoài.
Ví dụ, Nga sẽ tấn công các máy bay không người lái và máy bay chiến đấu của Anh ở gần Nga, như trên Biển Đen, hay bắn tên lửa vào các máy bay chiến đấu F-16 mang tên lửa Storm Shadows tại các căn cứ của họ ở Romania và Ba Lan.
Chuyên gia Gerhard Mangott cũng dự đoán, Ukraine sẽ phải gánh các đòn đáp trả quân sự của Nga nếu phương Tây cởi trói cho vũ khí tầm xa ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cho rằng, Nga sẽ không tấn công lãnh thổ NATO.
Ngoài ra, một phương án mà Nga có thể tính đến là đáp trả ngoại giao như đóng cửa đại sứ quán phương Tây tại Nga và ngược lại.
T.H